Chọn nghề đúng rất quan trọng

Tôi thi rớt năm đầu đành khăn gói vào TPHCM luyện thi. Lúc này anh trai tôi khuyên nên đổi sang khối A, vì “khối B rất khó”. Tôi xuôi theo…

Tôi tốt nghiệp năm 2000 ở một thị trấn của tỉnh Quảng Bình, không có nhiều thông tin về các trường đại học trong nước. Tôi cũng không có sự hướng dẫn từ người thân. Khi đó, tôi thần tượng một người thầy rất mẫu mực trong trường và mong được trở thành một người thầy như thế. Cô giáo chủ nhiệm thấy tôi hiền lành, cẩn thận nên bảo tôi học nghề y. Thế là tôi chọn hai trường sư phạm và y để thi.

 

Tôi thi rớt năm đầu đành khăn gói vào TPHCM luyện thi. Lúc này anh trai tôi khuyên nên đổi sang khối A, vì “khối B rất khó”. Tôi xuôi theo.

 

Kỳ thi tuyển đến, tôi vẫn băn khoăn rồi cuối cùng chọn khoa quản lý ở ĐH Bách khoa TPHCM: một đứa em gái cũng đang học ngành này và ba của em là giảng viên trong trường nên tôi tin chọn ngành này là tốt mặc dù hoàn toàn không biết ngành quản lý đó sẽ đào tạo ra ai và sẽ làm gì. Thật sự tôi hoàn toàn thụ động. Ngành thứ hai tôi chọn là khoa điện ở ĐH Bách khoa Đà Nẵng vì nghĩ rằng một người chú có thể xin việc cho tôi vào sở điện lực ở quê. Lần này tôi đậu cả hai trường.

 

Tôi chọn học ở TPHCM. Hoàn toàn ngay từ đầu tôi không hề có một nhận thức là phải dựa trên đặc điểm bản thân, sự phù hợp ngành nghề, nhu cầu lao động của xã hội... để chọn trường, ngành thi và sau này là nghề của mình.

 

Khi vào khoa quản lý học, tôi mới hiểu đây là ngành quản trị kinh doanh. Bản thân tôi trước giờ rất nhút nhát và ít nói, cũng không nghĩ mình phù hợp với nghề này. Chính vì thế, bên cạnh phải cố gắng tập luyện những kỹ năng xã hội để bản thân năng động hơn, tôi chọn chuyên môn là quản lý chất lượng thay vì marketing hay nhân sự.

 

Tôi nghĩ ngày nay thông tin rất nhiều và dễ dàng tìm kiếm qua những hội tư vấn, báo chí, tivi và Internet. Thông tin nói chung rất nhiều, cái chính là mỗi thí sinh phải hiểu được mình. Chọn nghề phù hợp với bản thân là quan trọng nhất vì điều đó giúp bạn thoải mái, hứng thú khi học tập, say mê nghiên cứu và sau này làm việc hiệu quả hơn.

 

Đỗ Xuân Hòa

(Chuyên viên tư vấn Trung tâm BT&T, Đại học Bách khoa TPHCM)

Theo Tuổi Trẻ