Cho trẻ mầm non học năng khiếu, nên chăng?

Hiện nay, việc tổ chức cho trẻ học các môn năng khiếu tại các trường mầm non diễn ra khá khổ biến. Tuy vậy, hiệu quả của vấn đề này đến đâu thì chỉ có… phụ huynh mới biết.

Nên để trẻ phát triển tự nhiên theo đúng năng khiếu của mình.
Nên để trẻ phát triển tự nhiên theo đúng năng khiếu của mình.
Học vì sợ… con thua kém

Các môn năng khiếu trong trường mầm non bao gồm: Múa, vẽ, võ, hát, bơi lội, tiếng Anh... Thông thường, các lớp năng khiếu này được tổ chức theo mô hình lớp học ghép với học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau. Trẻ tham gia học môn năng khiếu được học 30 phút/ngày, 1 tuần học từ 1-2 buổi. Tiền học được tính theo buổi và nằm ngoài số tiền học phí trẻ phải đóng theo tháng. Hầu hết giáo viên dạy môn năng khiếu trong trường mầm non đều được thuê bên ngoài.

Chị Lê Trà My ở phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình chia sẻ, con gái 4 tuổi của chị đang học tại một trường mầm non tư thục. Hàng tháng, ngoài chương trình học trên lớp, cháu còn tham gia học năng khiếu múa và vẽ do trường tổ chức. Những lớp học này được diễn ra vào cuối ngày học chính. Thời gian đầu, bé tham gia rất hào hứng nhưng chỉ sau vài tháng, con gái chị My nằng nặc đòi nghỉ học năng khiếu. Lý do là bé không theo kịp các bạn, đặc biệt là những anh chị lớn tuổi hơn nên giáo viên thường xuyên phải nhắc nhở, hướng dẫn lại. “Tôi biết con mình không có năng khiếu múa, vẽ nhưng thà cho con đi học còn hơn để cháu ngồi xem tivi. Bởi nếu không tham gia học năng khiếu, trong thời gian chờ các bạn khác học, con gái tôi sẽ được cô cho xem… phim hoạt hình” - chị My thở dài.

Giống như chị Trà My, do cậu con trai 5 tuổi khá nghịch ngợm, gia đình lại không có điều kiện đón sớm nên anh Lê Đình Dũng ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ cho bé tham gia học võ và tiếng Anh tại trường nhằm giúp bé “thuần” tính hơn và có được vốn ngoại ngữ cơ bản trước khi vào lớp 1. Tuy vậy, kết quả không được như anh Dũng mong đợi. Với môn võ thuật, bé không những không bớt nghịch ngợm mà còn trở nên hiếu động hơn, sẵn sàng “giở võ” với bất kỳ bạn nào trong lớp. Còn với môn tiếng Anh, do bé còn nói ngọng nên khả năng tiếp nhận ngôn ngữ thứ hai khá vất vả. Sau  4 tháng theo học với chi phí không nhỏ, con trai anh Dũng chỉ nói được vài ba từ tiếng Anh đơn giản nhưng không rõ ràng. “Tôi nghe nói giai đoạn từ 3-5 tuổi là thời điểm vàng của trẻ nên cố gắng cho con tham gia các môn năng khiếu vì sợ sẽ bỏ lỡ cơ hội “có một không hai” này. Bên cạnh đó, tôi thấy nhiều bé khác trong lớp cũng học nên không muốn con mình thua kém bạn bè. Tuy vậy, kết quả học tập của con khiến tôi phải cân nhắc lại xem có cho cháu tiếp tục theo học hay không” - anh Dũng tâm sự.

Nên tôn trọng sở thích của trẻ

Cô Nguyễn Thanh Thùy - Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở quận Ba Đình cho biết, việc đăng ký cho trẻ tham gia các lớp học năng khiếu trong trường là do phụ huynh tự nguyện. Ở bậc học mầm non, các lớp học năng khiếu được xem là hoạt động bổ trợ nhằm tăng cường thể chất cho trẻ, giúp trẻ tự tin và hứng thú hơn mỗi khi đến trường. Do vậy, khi cho con học năng khiếu, cha mẹ không nên đặt nặng chuyện hiệu quả vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Bên cạnh đó, nếu bố mẹ thúc ép, bắt con luyện tập quá nhiều có thể gây phản tác dụng, khiến trẻ mệt mỏi, sợ hãi ngay cả khi trẻ có năng khiếu thực sự. 

Còn theo bác sỹ - Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú, dù thời điểm “vàng” để khơi gợi tiềm năng cho trẻ nhỏ là trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi, nhưng điều quan trọng là cần khơi gợi đúng và trúng với những năng khiếu của từng trẻ. Điều đáng lo ngại là hiện nay, số trẻ trong độ tuổi từ 4 - 5 tuổi mắc các bệnh về tâm lý ngày càng nhiều. Một số phụ huynh thấy con có biểu hiện thích vẽ, thích hát… đã cho rằng còn có năng khiếu nên ra sức “bồi dưỡng”, khiến trẻ từ chỗ nhanh nhẹn trở thành nhút nhát, sợ đi học. Trong khi đó, trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo có tâm lý thích học đàn, học hát, học vẽ là chuyện bình thường. 

Để trẻ phát triển tốt nhất trong khả năng của mình, khi trẻ tỏ ra đặc biệt thích một lĩnh vực nào đó, phụ huynh cần phối hợp với cô giáo ở trường để theo dõi và định hướng cho trẻ đúng lúc. Nếu phát hiện thấy con mình có năng khiếu thực sự, cha mẹ cần tạo cho trẻ niềm say mê hứng thú. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên quan tâm, động viên trẻ kịp thời, không nên tỏ ra thất vọng khi con không phát triển năng khiếu như mình mong muốn bởi không phải năng khiếu nào cũng có thể phát triển thành thiên tài. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng không nên đăng ký học năng khiếu cho trẻ mầm non một cách tràn lan theo kiểu phong trào, vừa gây áp lực cho trẻ vừa lãng phí tiền của một cách vô ích.
 
Theo Huệ Linh
ANTĐ