“Chim cánh cụt” bên bờ sông La

(Dân trí) - “Chim cánh cụt” là biệt hiệu mà các bạn cùng trang lứa gọi thân mật người bạn bị di tật tứ chi nhưng đầy nghị lực vượt khó, học giỏi Nguyễn Quang Thương, lớp 5b, trường tiểu học Trường Sơn 2, huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh.

Hạnh phúc và hồi hộp bao nhiêu, khi cặp vợ chồng trẻ được làm bố, làm mẹ thì cũng đau đớn bấy nhiêu đối với anh Nguyễn Quang Hòa và chị Đặng Thị Hồng: Đứa con trai sinh ra bị cụt tứ chi! Thương mình và thương con không lời nào tả xiết, vợ chồng anh Hòa quyết định đặt tên cho đứa con tội nghiệp là Nguyễn Quang Thương...

 

Nỗi đau trên những luống cày

 

Hè về. Nắng vàng như mật ong chảy tong tả, tràn cả bờ bãi sông La đầy dâu xanh và gió. Vượt cầu Thọ Tường của thị trấn Đức Thọ, chúng tôi sang bờ tả sông La khi mặt trời đã lên khỏi dãy núi Hồng chừng một con sào. Hỏi đường đến nhà vợ chồng anh Hòa, chị Hồng thì có người không biết. Nhưng hỏi cháu Nguyễn Quang Thương thì ai cũng biết. Thương “nổi tiếng” vì nghị lực phi thường: học hành giỏi giang, làm thành thạo nhiều công việc, mà ngay cả người lớn, trẻ con lành lặn cũng khó theo nổi...

 

Đang nóng nực, lưng áo ướt đẫm mồ hôi thế mà khi tiếp cận với cháu Thương, tự nhiên dọc sống lưng tôi lạnh toát. Bao nhiêu mệt nhọc vượt chặng đường gần một trăm cây số dưới nắng hè gay gắt bỗng tan biến. Thấy nhà có khách, Thương đang xem tivi vội vặn nhỏ âm lượng rồi vòng “tay” trước ngực lễ phép chào.

 

Nước da đen sạm, gương mặt bầu bĩnh, cặp mắt sáng trong, tác phong nhanh nhẹn làm toát lên sự thông minh ở cậu bé 12 tuổi. Bất giác, mắt tôi cay sè vì đôi tay của Thương không có ngón, cụt đến lưng chừng cùi; đôi chân của em cũng không có ngón, từ đầu gối trở xuống chỉ bằng cái...dây thừng buộc trâu, co quắp “bện”lấy...đùi!

 

Cụ Bằng - nội của Thương cho biết: Bố cháu rất ít tiếp khách. Phần vì suốt ngày quần quật lao động, lo chèo chống với giông bão thiên nhiên và giông bão đời mình, phần vì không còn nước mắt để khóc thương số phận của mình và nỗi đau không lành lặn của con. Mới 41 tuổi mà trông anh như ngoài 50, đôi mắt trũng sâu, dáng người tiều tụy.

 

Chị Hồng, mẹ của Thương cho biết: Hàng ngày, hai vợ chồng quần quật với 5 sào ruộng khoán, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Dù khổ mấy, dù cả đời chỉ cơm với cà, với nhút chúng em cũng chịu được nhưng hàng ngày nhìn con thì chúng em đau đến quặn lòng. Đã 5 năm nay, cháu Thương đi học, lại học giỏi, được nhà trường, thầy cô và bạn bè trong lớp tạo thuận lợi, gần gũi, động viên và giúp đỡ cháu nên chúng em cũng được an ủi phần nào...

 

Nhả miếng bã trầu vừa dập, cụ Bằng âu yếm nhìn con dâu, nhìn cháu Thương rồi kể: Năm 1987, khi vừa tròn 20 tuổi, anh Hòa lên đường nhập ngũ, phục vụ tại sư đoàn 441, Quân khu 4. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Hòa xin vào làm công nhân cho một nhà máy thuộc tỉnh Đắc Lắc. Giữa vùng rừng thiêng nước độc, công việc nặng nhọc đã vắt kiệt sức trẻ của anh. Sau hai năm lao động, phần vì sức khỏe giảm sút, phần vì gia đình khó khăn, Hòa xin về nhà sản xuất, phụng dưỡng bố mẹ già...

 

Vật lộn với hàng chục trận sốt rét, sức lực Hòa như cùng kiệt. Sau gần 2 năm điều trị, bệnh mới lui dần. Năm 1993, Hòa lọt vào “mắt xanh” của cô thôn nữ Đặng Thị Hồng-sinh năm 1969, ngụ xóm 1, xã Liên Minh. Cuối năm đó, đôi trai tài gái sắc bên bờ sông La nên vợ nên chồng, bà con làng xóm ai cũng mừng cho họ...

 

Tiếp lời mẹ chồng, chị Hồng nghẹn ngào kể cho chúng tôi nghe những nỗi đau thầm lặng, được vợ chồng chị giấu kín trên những luống đất cày: Năm 1994, vợ chồng em sinh con trai đầu lòng. Mặt mũi cháu khôi ngô, chân tay đầy đủ nhưng xương đầu của cháu mềm nhũn như bún. Được 4 ngày thì cháu bỏ bố mẹ đi xa. Bác sĩ cho biết: Cháu bị bệnh “thủy não”.

 

Đau buồn, khóc thương đứa con đầu vừa nguôi ngoai thì em lại mang bầu. Bao hy vọng gửi gắm vào đứa con đang lớn dần trong bụng. Vậy mà, một lần nữa, bất hạnh lại bao trùm lấy gia đình em: Cháu Thương bị cụt cả 2 bàn tay, chỉ trơ ra 2 cái cùi đỏ hỏn. Đôi chân từ đầu gối trở xuống nhỏ và mềm như sợi dây thừng, co quắp, “bện” lấy đùi…

 

Tay không ngón, viết chữ đẹp nhất huyện...

 

“Chim cánh cụt” bên bờ sông La  - 1
 

Rót nước mời khách lần nữa, chị Hồng kể về đứa con tật nguyền của mình với giọng tự hào và “không ngờ thằng bé có tài, giỏi thiệt”: Nhìn ngoại hình của con, chúng em không hy vọng gì ở cháu. Thế nhưng lên 3 tuổi, Thương nói rất giỏi, phân câu chiết tự đàng hoàng. Lên 6 tuổi, vợ chồng em gửi Thương đi mẫu giáo. Buổi đầu, các bạn trong lớp cứ xúm lại nhìn Thương, làm em buồn tủi. Nhờ sự giúp đỡ của cô giáo Nhung và các cô khác, dần dần các bạn trong lớp rất quý mến Thương.

 

Thương tiến bộ rất nhanh, việc gì làm cũng giỏi. Hàng tuần, các cô giáo đều biểu dương Nguyễn Quang Thương trước lớp. Lên lớp 1 rồi lớp 2, lớp 3, Thương liên tục là học sinh giỏi của huyện Đức Thọ. Hai tay không ngón, nhưng cả 3 năm từ lớp 1 đến lớp 3, cháu được đi thi “Vở sạch-Chữ đẹp”, đạt giải nhì của huyện.

 

Nói rồi, chị Hồng quay sang Thương như có ý nhắc nhở và “phê bình”: Sang năm lớp 4 và lớp 5, do đặc điểm lứa tuổi nên Thương rất nghịch. Cháu làm đủ thứ việc: từ sửa ti-vi, ra-đi-ô, quạt điện ở nhà cho đến mượn dụng cụ của hàng xóm về để làm...thợ mộc, thợ...điêu khắc. Thương dùng đục, “chạm” được một em bé ngồi trên lưng ngựa bằng gỗ. Thật sự cháu rất khéo tay.

 

Cụ Bằng thấm những giọt nước mắt vào dải yếm kể: Ngày đầu tập viết, trông cháu thật khó nhọc. Nhiều lần xót ruột tôi khuyên cháu đừng tập nữa nhưng Thương vẫn cố. Vì tay không có ngón nên cháu dùng...“ba tay” để “cầm bút”: khuỷu tay phải và cùi tay trái “nắm bút”, cằm bên phải làm điểm tựa cho bút. Cứ thế, khó nhọc và kiên trì suốt ngày, sau hàng năm tập luyện, cháu đã viết nhanh, viết đẹp không thua bất cứ bạn nào trong lớp.

 

Mặc dù chỉ có 4 “cùi” nhưng mọi sinh hoạt cá nhân, Thương tự làm được tất cả. Lúc nội cần, Thương cũng xâu chỉ luồn kim cho bà. Thương còn là một thủ môn giỏi (Ngồi trên xe lăn-TG), một cây vợt bóng bàn xuất sắc của thôn Văn Hội. Chơi điện tử và hát karaoke là niềm say mê của “chim cánh cụt”.

 

Cô giáo Trần Thị Hiền, dạy lớp 5b cho biết: Sức học của Thương là niềm mơ ước và phấn đấu của hơn một nửa học sinh trong lớp. Năm học cuối cấp tiểu học này, Nguyễn Quang Thương đạt học sinh Xuất sắc. Các bài tập toán, tiếng Việt luôn đạt điểm 9 và 10.

 

Môn tập viết của những năm trước, em Thương luôn đạt điểm 10, chỉ thỉnh thoảng mới...bị một điểm 9! Trong chương trình tiểu học, các bài toán sao (Bài khó, cần trí thông minh mới giải được-TG) Thương đều giải nhanh và chính xác. Chữ viết của Thương rất đẹp, rõ ràng, đạt “tốp đầu” của lớp. Em “hăng hái” nhất lớp, tích cực giơ tay phát biểu xây dựng bài mới, ôn luyện bài cũ...

 

Thầy Hiệu trưởng Đông cho biết: Ai cũng khâm phục nghị lực vượt khó và học giỏi của Thương. Nhà trường miễn mọi khoản đóng góp như: Học phí, tiền xây dựng trường, các loại quỹ. Trong lớp em luôn được ngồi bàn đầu... Chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi nhất để em Thương học tập tốt.

 

Kể về chuỗi ngày khó nhọc, chị Hồng lo lắng cho việc học tập của cậu con trai thông minh, sắc sảo nhưng bị dị tật tứ chi bẩm sinh của mình: Đã 5 năm nay, ngày 2 buổi, chị dùng xe đạp chở Thương đi học. Sau hè này, cháu vào trường THCS trong xã, trường gần hơn vài trăm mét nên rất thuận lợi. Nhưng liệu rồi đây cháu có học được THPT hay không. Bởi trường cách nhà hơn 4 cây số. Liệu chị có đủ sức khỏe để đưa đón con ngày mấy lượt đến lớp? Bởi vậy, nguyện vọng của Thương và gia đình muốn có một đôi chân giả để cháu có thể đi lại dễ dàng hơn.

 

Con người ta “Giàu 2 con mắt, khó 2 bàn tay”. Nhưng Nguyễn Quang Thương bên bờ sông La thì “khó” cả...tứ chi. “Con chim cánh cụt” Nguyễn Quang Thương với nghị lực phi thường, đã vượt lên số phận, học tập giỏi và làm nhiều điều có ích, thật đáng khâm phục.

 

Bài và ảnh: Đinh Quang Lân
Tạp chí Trí Tri