Chỉ tiêu - điểm sàn “chọi” nhau

(Dân trí)- GS.TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng: “Phí lý trong tuyển sinh hiện nay là vừa quy định chỉ tiêu lại quy định điểm sàn. Hai vấn đề này “chọi” nhau”.

Đối với vấn đề tuyển sinh năm 2012, GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) cho biết: “Những điểm mới trong tuyển sinh 2012 rất có lợi cho học sinh đây là điều đáng mừng như mở rộng thêm khối A1, một số nơi được giao thêm quyền tự chủ trong tuyển chọn. Đương nhiên đó chưa phải đổi mới cơ bản nhưng như thế là điểm tốt rồi. Chúng tôi mong muốn có đổi mới cơ bản hơn phải có thời gian, phải có lộ trình nhưng đưa ra cái lý cần lộ trình mà làm chậm chủ trương thì không ổn. Vấn đề trước mắt, chúng ta cần khắc phục thi cử nặng nề hiện nay”.
 
Chỉ tiêu - điểm sàn “chọi” nhau
GS.TS Trần Hồng Quân.

Điểm sàn - chỉ tiêu: 2 thông số ngược nhau

Năm 2011,Hiệp hội có văn bản gửi lên Bộ GD-ĐT kiến nghị bỏ "điểm sàn chung" trong tuyển sinh bởi kết quả điểm của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thấp. Vậy năm nay Hiệp hội có kế hoạch gì trước điểm sàn không, thưa ông?

Năm trước, chúng tôi mới chỉ dừng lại ở đề nghị còn việc quyết là ở Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, chúng tôi quan niệm điểm sàn không có gì ghê gớm lắm. Bởi hiện nay có 2 thông số ngược nhau giữa chỉ tiêu và điểm sàn.

Cụ thể, cái gọi là chỉ tiêu, các trường đã lấy thí sinh theo chỉ tiêu, mặc nhiên nó hình thành điểm cuối cùng. Có chỉ tiêu rồi mà lại có điểm sàn, đương nhiên 2 cái sẽ “chọi” nhau.

Nói có lý điểm sàn là bảo đảm trình độ tối thiểu nhưng điểm sàn có 3 môn trong 1 khối và đề thi mỗi năm một khác. Đối với đề thi nếu dễ thì điểm cao, nếu khó thì điểm thấp. Nếu đề thi phản ánh đúng thực trạng của học sinh và điểm sàn ở mức trung bình trở lên thì đạt yêu cầu nhưng điểm sàn dưới mức trung bình thì không đạt yêu cầu. Do vậy, chúng ta cần đổi mới tuyển sinh một cách cơ bản.

Theo đó, cách cơ bản nhất là đổi mới thi tốt nghiệp nhiều môn, trên cơ sở đó bằng cách này cách khác các trường tự tuyển học sinh vì thi đại học 3 môn vào 1 trường, một khối thì không thỏa mãn lắm. Trong 1 khối như khối A, có ngành nặng về Toán hơn, có ngành nặng về Sinh và Hóa hơn. Ví dụ: ngành Công nghệ thực phẩm, môn Hóa và Sinh rất quan trọng nhưng với trường ĐH Bách khoa thi vào ngành Công nghệ thực phẩm mà thi khối A thì không ổn.

Theo ông, vì sao các trường đại học ngoài công lập khó tuyển sinh?

Có nhiều lý do nhưng lý do cơ bản nhất đó là sự thiếu công bằng trong đối xử của nhà nước với sinh viên. Bởi vì cùng là một công dân, nếu tôi thi vào trường công lập thì được hưởng chi phí đào tạo 70% do nhà nước cấp nhưng thi vào trường NCL thì phải nộp 100% học phí, thậm chí còn hơn. Riêng cái đó, đương nhiên học sinh sẽ lựa chọn trường công lập chẳng tội gì thi vào dân lập. Khi nào thí sinh rớt các trường công lập thì mới vào dân lập. Cái đó không phải là sự lựa chọn hàng năm mà đã tạo ra thói quen, đánh giá rằng các trường NCL chất lượng thấp vì đầu vào lúc nào cũng thấp, kéo theo uy tín các trường NCL cũng thấp xuống. Đây là sự cạnh tranh không bình đẳng.
 
Không yêu cầu học sinh kém vào đại học mà có thi cử đàng hoàng

Vấn đề thiếu thốn, nghèo nàn về cơ sở vật chất của nhiều trường ngoài công lập cũng là mặt hạn chế tuyển sinh có phải vậy không thưa ông?

Đôi khi chúng ta nói về một số trường thì cho rằng đó là đại diện cho hệ thống các trường NCL. Xin thưa rằng, tuyệt đại đa số các trường NCL hiện nay cơ sở vật chất là tốt. Những trường không có đất đai hiện còn rất ít, thậm chí có trường cơ sở vật chất tốt khiến nhiều trường công lập phải mơ ước. Tôi xin nói lại, sự không bình đẳng về học phí trong sinh viên công lập và dân lập nhà nước nhất quyết phải giải quyết.

Thưa ông, công bằng chứ không phải cào bằng vì những học sinh yếu kém đã có hệ thống trường nghề, trung cấp, hà cớ gì cứ phải vào đại học để đòi sự bình đẳng?

Cái đó là mặt khác của vấn đề. Tôi chỉ nói riêng về trình độ đại học thôi vì các em lựa chọn đầu tiên là các trường công lập mà nhiều khi trường công lập chất lượng cũng không được cao lắm vì được nhà nước đảm bảo 70% chi phí đào tạo, những trường có tiếng thì đương nhiên họ có sự hấp dẫn riêng rồi.

Chúng ta không có yêu cầu sự cào bằng là học kém đòi đối xử ngang hàng với người học giỏi. Nhưng tôi chỉ yêu cầu những người có năng lực học như nhau, thì phải được đối xử như nhau. Lẽ ra tất cả sinh viên dù học ở đâu cũng phải được nhà nước tài trợ như nhau trong quỹ ngân sách của mình vậy mới công bằng vì học ở đâu cũng ra làm cho xã hội. Chứ không thể kéo dài sự mất bình đẳng như hiện nay.

Chúng ta không yêu cầu học sinh kém vào đại học mà có thi cử đàng hoàng.

Nếu thực hiện như vậy thì mâu thuẫn với với chủ trương xã hội hóa giáo dục phát triển hệ thống các trường NCL hiện nay, thưa ông?

Giả dụ nhà nước tập trung nguồn lực tài trợ 100% vào một số trường đại học trọng điểm, đó là những trường đào tạo chất lượng cao, trung tâm khoa học lớn đào tạo vào các lĩnh vực phục vụ công ích, công quyền, phục vụ đối tượng chính sách. Còn lại nhà nước tài trợ bình đẳng như nhau giữa trường công và trường tư. Trong trường hợp đó chúng ta vẫn huy động lực lượng ngoài ngân sách nhà nước để xây dựng trường, sở nhưng không có nghĩa số đó lại gánh chi phí đào tạo.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Hạnh