Chất lượng tại chức: Trách nhiệm thuộc về ai?

(Dân trí)- Chủ trương Đà Nẵng “nói không” với tại chức đã gây phản ứng trái chiều rất lớn trong xã hội. Nó như cú đấm mạnh vào chất lượng dạy tại chức kéo dài hàng thập kỷ qua mà báo chí tốn không ít giấy mực để phản ánh, nhưng kết quả vẫn không đi đến đâu.

Việc TP Đà Nẵng ra văn bản không tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp đại học hệ tại chức đã gây luồng phản ứng trái chiều trong xã hội. Tuy nhiên, đa số ý kiến đều không đồng tình cho rằng cách làm của Đà Nẵng đã từ chối một hệ đào tạo, phân biệt bằng cấp, vi phạm luật giáo dục mặc dù lãnh đạo TP Đà Nẵng đã lý giải rằng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết: “Xét về phương diện hình thức thì một công văn chỉ đạo của một cơ quan như thế có thể không được dư luận thật đồng tình vì không đảm bảo sự công bằng giữa các loại bằng khác nhau. Bằng tại chức cũng là kết quả của một hình thức đào tạo ĐH; và trong số những sinh viên tại chức thì cũng có những người có năng lực thực sự. Bên cạnh đó, trong số những người tốt nghiệp tại chức có thể có cả những người đang công tác ở các cơ quan nhà nước đi học tại chức để đáp ứng được tiêu chuẩn cán bộ. Cơ quan không thể không chấp nhận bằng tại chức của những công chức”.
 

GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hiệp Hội các trường Đại Học, Cao Đẳng ngoài công lập Việt Nam, nhấn mạnh: “Về mặt luật pháp, bằng chính quy và bằng tại chức có giá trị ngang nhau. Về mặt xã hội, hệ tại chức có giá trị tích cực vì học viên là người đang đi làm, họ có thể ứng dụng ngay những kiến thức mình đang học mà không cần đợi đến khi ra trường.

 

Việc lo ngại về chất lượng đào tạo hệ tại chức là chính đáng, bởi chỗ này chỗ khác cũng có chuyện học giả bằng thật, học ít điểm nhiều. Nhưng thực tế vẫn có nhiều người học tại chức rất nghiêm túc, rất giỏi; những người học chính quy cũng không phải tất cả đều đạt chất lượng cao. Khi tuyển dụng, vấn đề quan trọng không phải là bằng cấp mà là người đó có phù hợp với công việc thực tế hay không.

 

Nói chung, đây là hệ đào tạo cần được khuyến khích, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực xây dựng một xã hội học tập. Xét một cách tổng quát, có thể chất lượng hệ tại chức thấp hơn hệ chính quy nhưng nếu phân biệt hệ tai chức như vậy sẽ không khuyến khích hệ tại chức phát triển”.

TS Nguyễn Văn Thư, phó hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, thì cho rằng: “Xã hội cũng đã cảnh báo về chất lượng giáo dục đào tạo của hệ tại chức nhưng cách tiếp cận của Đà Nẵng như thế cũng không hoàn toàn phù hợp. Bởi một hệ thống bằng cấp được quốc gia thừa nhận, giờ phủ nhận hết thì không đúng.

Xã hội phải thừa nhận việc học suốt đời của con người là định hướng của cả thế giới. Khi người ta đã đi làm, một thời gian sau người ta cũng phải học nâng cao và học nhiều thứ khác, nhưng không phải ai cũng có thể bỏ việc để đi học chính quy được cả. Do đó, cách làm của Đà Nẵng như thế là chưa phù hợp”.

Trong khi đó, ông Phan Mạnh Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học và sau đại học, Bộ GD-ĐT, cho rằng: “Đà Nẵng không nhận cử nhân tốt nghiệp ĐH tại chức là để nâng cao chất lượng đầu vào. Điều này cũng có thể hiểu được vì chất lượng đào tạo không chính quy còn hạn chế, nhưng không phải tất cả những người học không chính quy đều yếu kém. Trong những lớp học buổi tối, tôi tin vẫn có những người học thực sự. Ngược lại, sinh viên hệ chính quy cũng thế. Không phải ai học chính quy cũng đều là học giỏi, học nghiêm túc".
 
Chất lượng tại chức: Trách nhiệm thuộc về ai? - 1
Một lớp học tại chức.

Vì tiền quên chất lượng?

Ngoài việc lên án cách đối xử của Đà Nẵng với hệ tại chức thì tất cả mọi ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, người sử dụng lao động, thậm chí cả người học đều thừa nhận rằng chất lượng hệ tại chức hiện nay rất kém. Việc kém chất lượng của hệ tại chức, dư luận đã nói từ nhiều năm nay nhưng chưa tiến triển. Nguyên nhân do đâu?

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Nếu trách thì phải trách những người quản lý hệ thống đào tạo đó nhưng quả thật chất lượng đào tạo của hệ tại chức của chúng ta đang có vấn đề. Một số đào tạo chạy theo số lượng, chạy theo bằng cấp. Nhiều trường hiện nay cố gắng phình to quy mô đào tạo tại chức chỉ với mục đích tăng thu nhập. Có những trường đại học trống vắng giảng viên giỏi vì mải mê chạy theo tại chức, trong khi lại bỏ bê “trận địa” chính là đào tạo chính quy và trách nhiệm nghiên cứu khoa học. Tình trạng này không chỉ khiến “tại chức” có vấn đề mà “chính quy” cũng bị ảnh hưởng. Định mức tiết dạy của giảng viên khoảng 300 tiết/năm thì thực tế nhiều giảng viên đã dạy đến 1.000 tiết/năm”.

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho hay: “Bộ GD-ĐT dẫn ra các văn bản pháp luật để nói rằng bình đẳng giữa chính quy và tại chức nhưng bình đẳng chỉ có nếu thực hiện nghiêm túc mọi quy định của pháp luật. Trong khi đó, trên thực tế, làm gì có chuyện thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đào tạo tại chức!. Đào tạo tại chức thường xuyên bị cắt xén, ăn bớt giờ dạy, đánh giá và kiểm tra chất lượng đầu vào - đầu ra lỏng lẻo, chưa kể có tiêu cực... Cứ dựa vào pháp luật để nói không phân biệt, phải có sự công bằng là ngụy biện. Hệ đào tạo tại chức đang bị biến tướng".

GS Thi dẫn giải: Đoàn giám sát vừa qua của QH về thực hiện chính sách pháp luật trong giáo dục ĐH nhận thấy nhiều trường xem đào tạo tại chức là nơi kiếm tiền, là “nồi cơm” của trường và giảng viên. Tôi không dám tin tưởng vào chất lượng tại chức hiện nay nhưng điều đó không có nghĩa là không tin vào mô hình mà bản chất của vấn đề đã bị lạm dụng, bóp méo một quan điểm đào tạo cũng như thực hiện không nghiêm túc, chính xác.

Cùng quan điểm với các ý kiến trên, PGS.TS Văn Như Cương nhận định: “Chất lượng đào tạo tại chức mới thấp và ai cũng thấy điều đó. Hiện nay, các lớp học tại chức là nơi học viên có thể dễ dàng kiếm được cái bằng mà không cần phải học tập căng thẳng, thậm chí không cần học… Đã đến lúc Bộ GD-ĐT nên tiến hành việc tổng kết và đánh giá về hoạt động giáo dục của hệ đào tạo phi chính quy ở bậc ĐH, và từ đó đưa ra những giải pháp hợp lý”.

Bao giờ thay đổi?

Phải khẳng định rằng: Vấn đề đào tạo tại chức hiện nay không ổn do sự lệch lạc trong động cơ của người dạy, người học và của cơ sở đào tạo.

GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục khẳng định: “Những người học tại chức tức là học theo hình thức vừa học vừa làm. Vì vậy, thời gian dành cho việc học tập là không có nhiều. Khi các thầy về các địa phương để giảng dạy thì lại nhân nhượng học trò dẫn tới việc chấm điểm bài vở cũng ở mức độ vừa phải. Bên cạnh đó, cách thức quản lý đối với hệ tại chức lại hết sức lỏng lẻo. Đã đến lúc Bộ GD-ĐT nên tiến hành việc tổng kết và đánh giá về hoạt động giáo dục của hệ đào tạo phi chính quy ở bậc ĐH, và từ đó đưa ra những giải pháp hợp lý. Theo tôi vẫn để hệ tại chức học như bình thường nhưng trong quá trình kiểm tra, thi cử cần làm cùng bài thi sinh viên chính quy làm. Như vậy chúng ta mới hy vọng chất lượng đào tạo hệ tại chức được tăng lên".

Bà Trần Thị Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho rằng: Để người học thay đổi được quan niệm và thói quen học tập cần một thời gian nhất định. Chỉ cần nhà trường và người dạy không “chiều” theo người học, việc dạy và học đã khác đi nhiều. Khi nhà trường chưa quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, tự thân giảng viên và sinh viên sẽ không có áp lực để thay đổi cách dạy và học”.

Về phía trường, GS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, nhận định: “Đầu vào tại chức phần lớn là học sinh trượt chính quy, mà việc thi tuyển rõ ràng là không thể gắt gao, nghiêm túc như chính quy được. Tuy nhiên, không phải ai học tại chức cũng kém cả. Nói việc xem đào tạo tại chức như “nồi cơm” của các trường không phải không có lý. Nhiều khi mở cũng vì lý do kinh tế... Dù thế nào thì đào tạo tại chức vẫn cần thiết vì vừa đáp ứng nhu cầu xã hội vừa nâng cao dân trí nhưng phải nâng cao chất lượng.

GS Châu đưa ra giải pháp: Trước hết, phải siết chặt đầu vào, không thể cứ tuyển sinh ồ ạt, liên kết tràn lan với các địa phương. Thêm nữa, phải thực hiện đúng chương trình như của chính quy, không được cắt xén, dồn ghép. Nếu học tập, thi cử, kiểm tra đánh giá đều nghiêm túc thì tôi tin chất lượng đào tạo tại chức sẽ có những thay đổi.

TS Nguyễn Văn Thư, phó hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, cho rằng: “Phải có sự nhìn lại từ hai phía, phía người học phải biết nâng cao chất lượng học hành, còn các cơ sở đào tạo cũng phải chấn chỉnh hoạt động lại, chương trình đào tạo cũng phải sửa đổi để đạt được sự tin tưởng của xã hội.

Cách đây 3 năm, Bộ GD- ĐT đã có quy định chương trình đào tạo chính quy áp dụng cho tại chức, trường chúng tôi cũng đã triển khai. Theo đó, hệ tại chức sẽ dạy đúng chương trình của hệ chính quy. Như thế thời gian đào tạo hệ tại chức sẽ kéo dài hơn so với chính quy 0,5 - 1 năm nhưng đảm bảo chất lượng. Sắp tới thì trường cũng sẽ đưa ra một ngân hàng đề thi chung cho cả hệ chính quy và tại chức thì sẽ cải thiện được chất lượng”.

Đại đa số ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đề nghị rằng: Bộ GD-ĐT phải nghiêm khắc xem xét lại việc giao chỉ tiêu đào tạo, không nên chạy theo số lượng đào tạo không chính quy để đạt được mục tiêu về số sinh viên/vạn dân khi các trường đại học chưa thể đủ lực mở rộng đào tạo chính quy. Việc giao chỉ tiêu đào tạo phải được cân nhắc kỹ trên cơ sở thực lực của các cơ sở, không phải cơ sở nào cũng có thể đào tạo tại chức.

Bộ GD-ĐT phải có quy định chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc việc xử lý các cơ sở đào tạo làm trái, trong đó người chịu trách nhiệm chính trong việc đào tạo tại các cơ sở là hiệu trưởng.

Tuy nhiên, để thay đổi vấn đề này, GS Đào Trọng Thi cho rằng: Nói thì đơn giản song làm được như vậy là cả một cuộc chiến, từ việc phải đủ tiêu chuẩn cơ sở vật chất, giảng viên mới tuyển chọn một số lượng phù hợp với chất lượng.

Nhóm PV