Chậm sinh hoạt phí, Lưu học sinh Hiệp định tại Nga than trời

(Dân trí) - Nhiều Lưu học sinh (LHS) Hiệp định tại Nga đã 3 tháng qua chưa nhận được sinh hoạt phí (SHP). Theo quy định thì LHS Hiệp định chắc chắn đã nhận được SHP từ tháng 1/2008. Vậy nguyên nhân của sự chậm trễ này là do đâu?

Nỗi niềm LHS hiệp định ở Nga

Trong mấy ngày qua Dân trí liên tục nhận được không ít những bức xúc của các bạn Lưu học sinh Hiệp định ở Liên bang Nga về việc bị chậm SHP đã gần 3 tháng.

Sự khó khăn trong việc nhận SHP chậm đã làm cho không ít LHS có những suy nghĩ “tiêu cực” như: tiền SHP gửi sang được sử dụng vào mục đích khác trước khi đến tay lưu học sinh nên mới có sự chậm chễ như vậy…

“…Nay đã là giữa tháng 3, trong khi đó học bổng từ tháng 1 chúng tôi vẫn chưa được nhận một đồng nào. Điều này hàng năm vẫn thế, chứ không phải bây giờ mới như vậy. Nhưng năm nay sinh viên “đói” sớm hơn bởi vì tiền sinh hoạt ở Nga bây giờ vô cùng đắt đỏ...”

Từ những bất bình khi SHP không được cấp đồng loạt mà chỉ diễn ra lác đác ở một số thành phố ở Nga.

“…Chúng tôi được tin học bổng được Bộ Tài chính gửi sang từ đầu tháng 1, vậy mà bây giờ chỉ có lác đác một vài thành phố được gửi học bổng. Chúng tôi không thể hiểu lí do vì sao mà lại có sự chậm chạp, cách làm ăn tắc trách của họ như vậy?...”

Cho đến những chán trường tuyệt vọng: “Lí do mà chúng tôi nhận được những lần trước khi nhận học bổng muộn thì nhiều lắm, nào là “ở VN gửi tiền qua muộn”, hoặc là “phải chờ tất cả các thành phố gửi điểm lên, sau đó tổng kết nữa” (Nhưng thực ra chúng tôi gửi điểm lên ngay từ cuối tháng 1). Còn một điều nữa, không hiểu vì lí do gì mà đợt này chúng tôi sẽ chỉ nhận được 3 tháng học bổng, trong khi mọi năm đều 6 tháng, một năm nhận làm 2 lần…”

Vì sao SHP lại chậm?

Khi được Dân trí phản ánh về tình hình chậm sinh hoạt phí của LHS Hiệp định tại Nga, ông Trần Bá Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ GD-ĐT đã tỏ ra khá bất ngờ.

Theo ông Dũng thì việc cấp sinh hoạt phí cho LHS Hiệp định là rất chặt chẽ và luôn đúng quy định. Mỗi năm Chính phủ sẽ cấp SHP cho LHS Hiệp định thành 2 đợt (6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm).

Ông Dũng cũng cho biết thêm là trước kia thì SHP được chuyển sang Đại sứ quán sau đó LHS phải đến để nhận những trong thời gian trở lại đây thì đã chuyển tiền SHP vào tài khoản ATM cho từng LHS.

Cũng để làm rõ thêm vấn đề, Dân trí đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Hạnh, chuyên viên Hợp tác đào tạo quốc tế (Bộ GD-ĐT), người phụ trách các vấn đề chung của Lưu học sinh hiệp định.

Bà Hạnh cho hay: Sở dĩ LHS Hiệp định bị chậm sinh hoạt phí là do Thông tư liên Bộ số 144 về quản lý và cấp phát chế độ cho LHS Việt Nam học ở nước ngoài bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước được ban hành ngày 05/12/2007 và các quy định của văn bản này được thực hiện kể từ ngày 01/01/2008.

Sau khi Thông tư được ban hành, giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính đã có sự bàn bạc và thảo luận về việc làm sao có thể đảm bảo khi chuyển đổi sang cơ chế cấp phát mới ngay đầu năm 2008 giảm thiểu được sự chậm trễ trong cấp phát chế độ cho LHS Hiệp định.

Hai Bộ đã rà soát tổng thể nguồn kinh phí Hiệp định còn lại của năm 2007 và đi đến thống nhất chủ trương sử dụng số kinh phí còn lại để cấp SHP dứt điểm đến hết 31/12/2007 (theo mức cũ) cho tất cả LHS Hiệp định mới nhập học ở 15 nước năm học 2007-2008.

Tiếp theo đó, hai Bộ xem xét các bản dự toán SHP cho toàn bộ LHS Hiệp định ở 15 nước đến hết quý I/2008 (theo mức SHP mới) và cân đối với kinh phí còn lại để duyệt và cấp tối đa các dự toán đó xong trước ngày 30/12/2007.

Chính vì tình hình thực tế nêu trên mà LHS Hiệp định ở các nước tạm thời được duyệt cấp trước 03 tháng SHP của năm 2008 và tiền SHP đã được chuyển ngay sang Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trong những ngày cuối tháng 12/2007 với sự nỗ lực và cố gắng tối đa của các cán bộ lãnh đạo, chuyên viên hai Bộ GDĐT và Tài chính có liên quan.

Tuy nhiên, cũng có điều đáng tiếc là không phải 100% LHS Hiệp định được cấp SHP 3 tháng đầu năm 2008 vào đợt đó vì nguồn kinh phí có hạn nên một vài dự toán đã được đề nghị nhưng không còn đủ ngân sách để chi trước 30/12/2007 liên Bộ phải để lại chờ cấp sau khi có ngân sách năm 2008 và việc cấp phát sẽ thực hiện theo quy trình mới.

Đối với địa bàn LB Nga là nơi có số LHS Hiệp định đông nhất – hơn 1100 LHS, dự toán SHP cho 03 tháng đầu năm 2008 mới được cấp hết cho khoảng 950 LHS đại học còn các NCS và LHS sau đại học liên Bộ chưa thể cấp vì dự toán làm vượt ngân sách còn lại của năm 2007.

Bà Hạnh cũng cho biết thêm: “Từ tháng 01/2008 các đơn vị chức năng của Bộ GDĐT đã báo cáo và được lãnh đạo Bộ phê duyệt chủ trương giao cho BĐH các đề án đào tạo ở nước ngoài (BĐH 322) làm đầu mối quản lý và cấp phát chế độ cho LHS tất cả các diện (322, Xử lý nợ và Hiệp định).

Hiện nay các Vụ Kế hoạch - Tài chính và Hợp tác Quốc tế đang xử lý bàn giao các công việc liên quan đến cấp phát chế độ LHS Hiệp định cho BĐH Đề án 322”

Như vậy LHS Hiệp định ở LB Nga vẫn phải “chờ” các cơ quan chức năng hoàn tất những thủ tục cần thiết trước khi được nhận mức SHP mới…

Nguyễn Hùng