Quảng Nam:

Cậu học trò “ngửi chữ” ước mơ trở thành thầy giáo

(Dân trí) - Bị dị tật bẩm sinh ở mắt, em Phạm Phú Thịnh phải để sát mới có thể đọc được chữ. Cậu học trò “ngửi chữ” quê Quảng Nam vừa thi đỗ vào ngành Sư phạm Toán - ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) với số điểm khá cao: 23 điểm.

Từ TP Tam Kỳ chạy xe máy lên nhà em Thịnh (ở thôn Đức Thạnh, xã Tam Vinh, Phú Ninh, Quảng Nam) mất hơn nửa tiếng đồng hồ, nhà đóng cửa, hỏi thăm hàng xóm mới biết Thịnh đã cùng mẹ ra chợ xã mua sắm ít đồ dùng chuẩn bị sau ngày lễ 2/9 để em ra Đà Nẵng nhập học.
 
Vì bị dị tật bẩm sinh ở mắt nên Thịnh phải để sát mới có thể đọc được chữ.
Bị dị tật bẩm sinh ở mắt, em Phạm Phú Thịnh phải để sát mới có thể đọc được chữ. Kỳ thi tuyển sinh ĐH vừa qua, Thịnh thi đỗ ngành Sư phạm Toán ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) với 23 điểm trong đó Toán 8 điểm, Lý 7 điểm và Hóa 8 điểm.

Hơn nửa tiếng sau, Thịnh cùng mẹ cũng về đến nhà với một ba lô đồ đạc gồm vài bộ đồ mới, dụng cụ sinh hoạt cá nhân, sách vở… Chị Lưu Thị Huệ - mẹ Thịnh cho hay: "Đi mua trước để em nó mang ra Đà Nẵng dùng chứ ra ngoài đó mua đắt, tiết kiệm được chút nào hay chút đó". Nói rồi chị bảo Thịnh cất đồ đạc ngay ngắn trong tủ.

Chị Huệ tâm sự: "Lúc cháu chuẩn bị đi thi, nhà lo lắm. Không biết mắt mũi cháu như thế thi cử thế nào, có đỗ không, đỗ rồi thì việc ăn học sau này thế nào… Em nó bình thường như người ta thì dễ rồi…".

Chị kể: "Khi mới sinh ra, mắt cháu cứ nhắm hoài, vợ chồng tôi tưởng cháu chưa mở mắt nhưng nửa tháng sau khi khám bác sĩ thì mới biết mắt cháu có vấn đề. Lớn lên chút nữa, vợ chồng đưa cháu đi khám khắp nơi nhưng không chữa trị được vì bác sĩ bảo mắt cháu bị tật bẩm sinh nên không thể chữa được, cháu có thể thấy nhưng rất hạn chế. Kết luận của bác sĩ cháu bị đục thủy tinh thể, rung lắc nhãn cầu. Vì thế cháu không thể mang kính cũng như nhìn xa được mà phải rà sát đồ vật mới thấy được".
 
Sau khi bài viết được đăng trên báo điện tử Dân trí, đông đảo độc giả gửi bình luận ngỏ ý muốn động viên em Phạm Phú Thịnh. Chúng tôi xin đăng số điện thoại của em Thịnh để độc giá có thể chia sẻ với em. Số điện thoại:  0168 689 2049 (địa chỉ: thôn Đức Thạnh, xã Tam Vinh, Phú Ninh, Quảng Nam)
May thay, ông trời không cho cháu đôi mắt thật sáng nhưng lại bù đắp cho Thịnh trí thông minh bẩm sinh. Bố Thịnh - anh Phạm Nhàn kể: "Khi cho cháu đi học mẫu giáo, gia đình cũng nghĩ chỉ cho cháu đi để hòa nhập với bạn bè, để cháu ở nhà một mình cũng buồn. Sau này, cháu học rất sáng dạ và chăm chỉ nên cả nhà quyết định lo cho cháu ăn học luôn".
 
“Suốt 12 năm học, năm nào cháu cũng đạt học sinh giỏi nên vợ chồng tôi cũng được an ủi phần nào”, anh Nhàn kể về con trai với niềm tự hào.
 
Khi tôi hỏi anh mắt không thể nhìn lên bảng làm sao cháu có thể chép bài đầy đủ, anh Nhàn cho biết: “Ở trường, cháu chỉ nghe thầy cô giảng rồi “ghi lại” trong đầu, về nhà mượn vở của bạn chép lại và học thuộc”. Cứ như thế trong 12 năm học phổ thông, Thịnh đều đi mượn vở bạn nhưng không vì thế mà việc học của em bị gián đoạn hay sức học giảm sút. Nói rồi, em lấy từ trong tủ ra cả tập giấy khen còn giữ lại từ lớp 1 đến nay và nhiều giấy khen của Hội Khuyến học xã, huyện và các tổ chức khác đưa tôi xem.

Khi tôi hỏi Thịnh việc chỉ nghe thầy giảng trên lớp mà không thể ghi lại vào vở vì không nhìn rõ trên bảng thì có ảnh hưởng đến việc học của mình không, Thịnh bảo: “Từ nhỏ đến giờ em nghe thầy giảng rồi về nhà mượn vở bạn chép quen rồi nên cũng không thấy ảnh hưởng gì đến việc học”. Tôi hỏi tiếp "Vậy mai mốt ra Đà Nẵng học xa nhà, không có bạn giúp thì làm sao học được?", Thịnh nói: "Em sẽ cố gắng vì không học thì em không biết làm gì cả, sức khỏe của em cũng không thể làm nông được".

Nói về ước mơ của mình sau khi thi đỗ ĐH, cậu học trò “ngửi chữ" cho hay: “Em biết sức khỏe và điều kiện của em không bằng các bạn khác nên em chọn nghề thầy giáo là phù hợp với em nhất. Lúc đầu em cũng muốn thi vào ngành Công nghệ thông tin hay ngành khác nhưng sau khi tham khảo bố mẹ và thầy cô thì em quyết định chọn nghề dạy học. Mai mốt em có thể dạy các em có hoàn cảnh giống như em".

Mẹ Thịnh tâm sự: “Hai vợ chồng tôi quyết định rồi. Trong thời gian đầu cháu ra Đà Nẵng học, tôi sẽ theo cháu ra đó một thời gian để giúp cháu việc đi lại, ăn ở, làm quen với môi trường mới rồi sau đó tùy điều kiện sẽ tính tiếp”. Mẹ Thịnh cũng cho biết, trường có KTX cho Thịnh ở nhưng vì hai mẹ con phải ở cùng nhau nên không thể ở KTX được mà phải thuê nhà trọ ở.
 
Những tập giấy khen là thành quả học tập của Thịnh từ trước đến nay.
Những tập giấy khen là thành quả học tập của Thịnh từ trước đến nay.

Nói về hoàn cảnh gia đình, bố Thịnh tâm sự: Nhà làm được 3 sào ruộng cũng chỉ đủ lúa ăn, còn 3 đứa con đi học hết nên kinh tế gia đình cũng rất khó khăn. Hiện cháu gái lớn của gia đình đang học năm thứ 4 ĐH Kinh tế TPHCM, em ruột Thịnh năm nay bước vào lớp 11. “Hai vợ chồng tôi đi làm thuê làm mướn nhưng hàng tháng phải gởi 3 triệu đồng vào TPHCM cho con gái lớn ăn học, bây giờ đến lượt Thịnh vào ĐH nữa, nhưng không cho cháu đi học thì ở nhà biết làm gì với 3 sào ruộng. Biết là khó khăn nhưng vợ chồng tôi cũng phải xoay xở để lo cho các cháu thôi”, anh Nhàn nói.

Một tin vui cho Thịnh và gia đình trước ngày lên đường nhập học, chiều ngày 29/8, Trường THPT Nguyễn Dục (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) - nơi Thịnh học 3 năm THPT), đã kết nạp Đảng cho Thịnh. Đây là phần thưởng xứng đáng trong những năm em cố gắng học tập và rèn luyện nơi mai trường này. 

Công Bính

Dòng sự kiện: Tân sinh viên khó khăn