Cắt tuyển khối B nhiều ngành: Giải thích chưa phục

(Dân trí) - Theo Bộ GD-ĐT, từ hàng chục năm nay khối chỉ dành cho những thí sinh dự thi vào học các ngành thuộc nhóm ngành nông-lâm-ngư, y-dược, sinh học... Do đó việc cắt giảm tuyển sinh khối B một số ngành như Tâm lý, CNTT… không phải là vấn đề lớn.

Cắt tuyển khối B nhiều ngành: Giải thích chưa phục - 1

Cắt tuyển sinh khối B ở nhiều ngành sẽ làm ảnh hưởng
 đến không ít thí sinh

Liệu có thiếu tính minh bạch?

Trao đổi với nhiều báo chí, đại diện Vụ Giáo dục đại học nói rằng vấn đề siết chặt không cho một số ngành như CNTT, kinh tế, quản trị kinh doanh, tâm lý học… tuyển khối B là biện pháp nhằm “cơ cấu lại khối ngành”, tức là chỉ liên quan đến ngành chứ không liên quan đến trường.

“Ngay sau khi phát hiện thiếu khối B trong cuốn cẩm nang tuyển sinh, trường ĐH FPT đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên cho đến nay Bô GD-ĐT vẫn chưa hồi âm. Nếu đó là chủ trương thì sao Bộ GD-ĐT lại im lặng như vậy”- Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng trường ĐH FPT.

Nhưng cũng với vấn đề trên khi trả lời báo Pháp Luật TPHCM, đại diện Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục lại cho rằng đây là biện pháp “phạt các trường có sai phạm”, tức là không liên quan gì đến ngành nghề cả.

Qua đấy cũng thấy là ngay cả Bộ cũng chưa có quan điểm thống nhất về vấn đề này, nên cách đưa ra quyết định và cách thực hiện khá tùy tiện.

Hơn thế nữa, theo điều tra của Dân trí thì trong bản dự thảo cuốn “Những điều cần biết...” gửi cho các trường đại học để có ý kiến cuối cùng vào tháng 2/2009 vẫn còn nguyên khối B. Các trường đồng ý xác nhận xong liền gửi lại cho Bộ, sau khi nhận được Bộ lẳng lặng cắt khối B đi rồi in, và không thông báo bất cứ điều gì cho các trường cũng như cho thí sinh cho đến tận khi dư luận lên tiếng thì mới tìm cách giải thích.

Bên cạnh đó các trường chưa được nhìn thấy bất cứ một quyết định mang tính pháp lý nào ban hành năm nay liên quan đến việc cho hay không cho một ngành nào đó được tuyển sinh khối B. Quyết định ký ngày 24/2/2009 Bộ GD-ĐT gửi cho các trường chỉ có chỉ tiêu tuyển sinh 2009, không nói gì đến khối thi cả.

Như vậy, chưa bàn đến tính hợp lý của quyết định cắt khối B, về mặt pháp lý thì quyết định này chỉ có thể có giá trị thực thi khi có văn bản mang tính pháp lý xác nhận, chứ không thể chỉ dựa trên nội dung một cuốn sách vẫn thường chứa nhiều sai sót và lỗi in ấn.

Vụng chèo khéo chống

Trả lời báo Tuổi trẻ ngày 25/3, ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ ĐH  cho rằng khi lựa chọn khối thi, các trường cũng phải chọn phù hợp với quy ước chung. Đối với một số trường từng được tuyển sinh khối B là trong những trường hợp đặc biệt, năm đó trường gặp khó khăn về nguồn tuyển hoặc là trường/ngành mới mở có khả năng sẽ khó tuyển đủ chỉ tiêu nếu chỉ tuyển bằng một khối thi nên đã được xem xét giải quyết để đa dạng hóa nguồn tuyển.

Năm nay các trường đó đã có quá trình xây dựng và phát triển, cần phải thu hút thí sinh bằng chính uy tín, tên tuổi, chất lượng đào tạo của mình. Đồng thời cần đảm bảo tính thống nhất trong toàn hệ thống, nên năm nay bộ quy định thống nhất như vậy. 

Như vậy, nếu cách giải thích của ông Khôi là đúng thì chẳng lẽ hàng nghìn thí sinh dự thi khối B vào các ngành này của những năm trước đây đang phải học trong một môi trường giáo dục “quá thấp”. Nếu như vậy thì có phải Bộ GD-ĐT đã sai lầm khi trước đây đã “ ưu ái” nhiều trường ĐH cho phép tuyển sinh các ngành nói trên?
 
Bên cạnh đó, theo thông tin trong cuốn “Những điều cần biết…” năm 2009 trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM vẫn được phép tuyển sinh khối B đối với ngành Tâm lý vậy có phải là do trường khó tuyển sinh đầu vào đối với ngành này(?!).

Không biết cách làm của Bộ GD-ĐT sẽ cải thiện được giáo dục ĐH đến đâu nhưng với những thay đổi “bất thường” như vậy thì quyền lợi của nhiều thí sinh theo học khối B sẽ bị thu hẹp và trên hết là tạo nên sự lo lắng đối với  sinh viên đã từng trúng tuyển khối B vào các ngành này ở các kì tuyển sinh trước.

Nguyễn Hùng