Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm:

Càng khó khăn, tinh thần hiếu học càng phát triển mạnh mẽ

(Dân trí)-Năm 2012 là năm có nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Sự đổ vỡ của một số ngành nghề với hàng trăm ngàn doanh nghiệp đóng cửa đã gây nhiều vất vả cho người dân. Mặc dù vậy, năm 2012, phong trào khuyến học-khuyến tài vẫn phát triển mạnh mẽ.

Có người nói như “một vụ mùa bội thu”, số hội viên tăng nhanh, các cấp hội được củng cố, Quỹ Khuyến học từ Trung ương đến địa phương, từ chi hội đến dòng họ vẫn nhận được sự ủng hộ của đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân, đồng bào trong nước, nước ngoài, bạn bè và các tổ chức quốc tế. Nhân dịp năm mới, chúng tôi có cuộc phỏng vấn nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm về vấn đề này.

 
Ông Nguyễn Mạnh Cầm - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Ông Nguyễn Mạnh Cầm - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Ban Chấp hành TƯ đánh giá hoạt động công tác khuyến học năm 2012 và phương hướng công tác năm 2013.

 

Hội không ngừng phát triển

 

Thưa Chủ tịch, với những thành tựu khuyến học, khuyến tài to lớn trong điều kiện kinh tế đất nước khó khăn như năm vừa qua phải chăng là một “quy luật Việt Nam”?

 

Đó là nét đặc thù của Việt Nam, cũng có thể nâng thành “quy luật Việt Nam” như đồng chí nói bởi trong lịch sử phát triển của sự nghiệp giáo dục, đào tạo dưới sự lãnh đạo của Đảng, vào những thời điểm khó khăn nhất về kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong chiến tranh, sự nghiệp giáo dục vẫn không ngừng phát triển. Trong kháng chiến chống Pháp, hàng triệu trẻ em vẫn ngày ngày cắp sách đến trường, người lớn vẫn đêm đêm tới các lớp bình dân, đuốc thắp sáng đường thôn để đến với cái chữ của Cụ Hồ. Trong kháng chiến chống Mỹ, dưới mưa bom bão đạn, các em học sinh vẫn cất cao “tiếng hát át tiếng bom”, mũ rơm đội đầu, ngồi học trong hầm trú ẩn; nông dân và công nhân sau giờ làm việc vẫn bám sát các lớp bổ túc văn hóa. Cách làm giáo dục đó hiếm thấy ở các nước có chiến tranh.

 

Vâng, thưa Chủ tịch, nhưng còn hiện nay?

 

Ngày nay, tuy chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng khó khăn, thách thức vẫn nhiều, nhất là về kinh tế trong năm qua và một số năm trước mắt, nhưng đời sống của nhân dân ít nhiều đã được cải thiện. Do vậy, phong trào khuyến học, khuyến tài vẫn không ngừng phát triển là điều không khó hiểu đối với những ai đã từng biết giáo dục Việt Nam qua các thời kỳ nêu trên. Nguyên nhân cơ bản vẫn là khát vọng về tri thức của các tầng lớp nhân dân bắt nguồn từ truyền thống hiếu học ngàn đời của dân tộc, cộng với sự chăm lo của Đảng và Nhà nước đáp ứng mong muốn của Bác Hồ “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Sự hội lưu giữa lòng dân với ý Đảng đã tạo điều kiện để truyền thống hiếu học lâu đời của dân tộc ăn sâu vào trái tim, khối óc của mỗi người và được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Số lượng hội viên tăng nhanh

Thưa Chủ tịch, đầu xuân năm 2012, ông có nói năm 2012 sẽ là năm mở ra một chương mới về công tác khuyến học, khuyến tài. Vậy trong năm qua, “chương mới” của Hội là gì hay nói cách khác, Hội đã làm được những gì?

Chương mới hay giai đoạn mới có hai nhiệm vụ quan trọng, đó là đưa phong trào phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt chú ý chiều sâu, chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động của các cấp hội, coi trọng hiệu quả và một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nữa là triển khai xây dựng Xã hội học tập thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI và cũng là Nghị quyết của Đại hội lần thứ IV của Hội Khuyến học Việt Nam “Đẩy mạnh xây dựng XHHT, tạo cơ hội và điều kiện cho mỗi công dân đều được học tập suốt đời”. Cùng với những nhiệm vụ trọng điểm đó, các cấp Hội đã tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị về khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; tổng kết việc thực hiện Quyết định 112/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng XHHT giai đoạn 2005 - 2010, góp ý kiến xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020 theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Một số tỉnh, thành đã nghiên cứu ứng dụng xây dựng thí điểm mô hình xã hội học tập ở từng địa phương dựa vào kết luận của đề tài độc lập cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ giao cho Trung ương Hội “Tìm kiếm mô hình XHHT ở Việt Nam” và kết luận của hai cuộc hội thảo về xây dựng XHHT do Trung ương Hội tổ chức nhằm rút kinh nghiệm để triển khai đại trà.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm.

 

Hội Khuyến học đã và đang là một tổ chức chính trị, xã hội sâu rộng mà một trong những thế mạnh là phát triển hội viên…?

 

Đúng là như vậy. Năm qua, số lượng hội viên tăng nhanh, đạt gần 1 triệu người, đưa tổng số hội viên của Hội lên gần 11 triệu người, chiếm hơn 12% dân số, vượt mức do Đại hội IV của Hội đề ra là phấn đấu trong nhiệm kỳ này đạt 10% dân số. Song, số lượng hội viên chỉ nói lên một phần thế mạnh của Hội. Điều cần nói nữa là Hội hiện đã có mặt ở tất cả các tỉnh, thành, 100% các huyện thị, gần 100% xã phường, lan tỏa nhanh chóng đến tận thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố… Tóm lại là Hội có mặt ở tất cả mọi địa bàn dân cư nói trên. Với hai yếu tố đó, Hội Khuyến học Việt Nam đã trở thành một tổ chức quẩn chúng sâu rộng trong toàn quốc.

 

Kinh nghiệm từ Nhân tài Đất Việt

 

Thưa ông, đó là công tác khuyến học, tức là của phần đông số dân. Còn công tác khuyến tài tuy không phải là “số đông” nhưng lại rất cần sự chuyên sâu cũng như nguồn kinh phí?

 

Hai lĩnh vực khuyến học và khuyến tài không tách biệt nhau. Không phải ngẫu nhiên mà bức trướng Ban chấp hành Trung ương Đảng tặng Hội Khuyến học Việt Nam năm 2005 đã ghi: “Hội khuyến học Việt Nam khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước thành một xã hội học tập”. Như vậy có thể hiểu khuyến học, khuyến tài là hai loại hình khuyến khích học tập liên thông với nhau, tạo tiền đề tiến tới xây dựng cả nước trở thành một XHHT, tạo điều kiện để hình thành nguồn nhân lực có kỹ năng từ thấp đến cao, góp phần đưa đất nước phát triển tiến kịp sự phát triển vượt bậc của tri thức nhân loại cũng như cuộc cách mạng khoa học công nghệ, tiến kịp các nước phát triển cao. Là một tổ chức xã hội, từ góc độ khuyến học, Hội chỉ có thể khuyến khích những người học giỏi, có triển vọng để những người đó tiếp tục học lên trở thành những chuyên gia giỏi, thậm chí trở thành nhân tài. Như vậy, vai trò của Hội chỉ là khuyến khích và phát hiện những người có tài năng, có triển vọng để giới thiệu với Đảng, Nhà nước tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng rồi sử dụng.

 

Ông có thể lấy một ví dụ để minh chứng?

 

Không đâu xa, kinh nghiệm từ “Cuộc thi Nhân tài Đất Việt” (nay là “Giải thưởng Nhân tài Đất Việt”) do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức thường niên từ nhiều năm nay lúc đầu chủ yếu về CNTT nay đã mở rộng sang khoa học tự nhiên và lĩnh vực y tế, “Nhân tài Đất Việt” đã trở thành một cuộc thi có tiếng vang trong nước và có sức hút cả những tài năng Việt đang ở nước ngoài. Mỗi năm, cuộc thi đã phát hiện hàng chục công trình khoa học của tập thể, cá nhân, trong đó có nhiều công trình được ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, đặc biệt có một số công trình đã được xuất khẩu. Thế nhưng đó cũng mới ở giai đoạn phát hiện, khuyến khích, cần phải tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để các tác giả của các công trình đó trở thành nhân tài thực sự hay ít nhất cũng là những chuyên gia giỏi. Việc này, chỉ có Nhà nước mới làm được. Một hội, dù lớn bao nhiêu cũng không thể có khả năng và điều kiện để làm kể cả điều kiện tài chính.
 
Vinh danh những Nhân tài Đất Việt
Ông Nguyễn Mạnh Cầm - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và ông Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế lên trao giải Nhân tài Đất Việt 2012.

 

Nhân dịp năm mới, qua báo Dân trí, ông có chia sẻ gì với những người làm giáo dục, khuyến học trong cả nước?

 

Thay mặt Ban chấp hành TW Hội Khuyến học Việt Nam, tôi xin gửi tới tất cả thầy cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục, các em học sinh, sinh viên và những người làm khuyến học trong cả nước lời chúc mừng năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, tiến bộ và thành đạt, góp phần đưa đất nước ngày một phồn vinh như Bác Hồ mong muốn.

 

Xin cám ơn và kính chúc Chủ tịch một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc!

 

Đến thăm, chúc mừng báo Khuyến học & Dân trí, báo điện tử Dân trí  nhân ngày 21/6/2012, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm đã cảm ơn những đóng góp quan trọng của báo đối với sự phát triển của Hội, của phong trào khuyến học, khuyến tài nói riêng và sự học của nhân dân nói chung, đã nhanh chóng trở thành một tờ báo điện tử hàng đầu của Việt Nam với thông tin nhanh nhạy, sâu rộng không chỉ về khuyến học, khuyến tài và giáo dục đào tạo  mà toàn diện cả về chính trị - xã hội theo tiêu chí Nhân văn - Nhân bản - Nhân ái mà tờ báo theo đuổi từ ngày ra đời đến nay. Chủ tịch cũng bày tỏ sự vui mừng trong 6 tháng qua, Dân trí có mức tăng trưởng ở bản web rất ấn tượng, mà theo thống kê của Google thì 1 tuần đạt 150 - 160 triệu lượt truy cập, trung bình mỗi ngày trên 20 triệu lượt truy cập.
 
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ tâm tư trong buổi gặp mặt

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm tặng hoa chúc mừng lãnh đạo, tập thể cán bộ, phóng viên báo Dân trí nhân ngày 21/6/2012.

 

Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm hoan nghênh và đánh giá cao những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên báo Dân trí điện tử, ấn phẩm báo điện tử bằng tiếng Anh và vui mừng về việc Báo điện tử Dân trí vinh dự đón nhận 2 giải Báo chí Quốc gia 2012, trong đó có một giải B và một giải C.

 

Trong dịp này, Chủ tịch cũng không quên hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các ấn phẩm khác của Hội như báo in Khuyến học & Dân trí, chuyên san Khuyến học & Dân trí dành cho đồng bào dân tộc và miền núi, tạp chí Dạy và học ngày nay.

 

Bùi Hoàng

(Thực hiện)