Cần hoạch định tương lai ngay từ bậc học phổ thông

(Dân trí) - Việc hoạch định cho tương lai lẽ ra là việc cần nghĩ đến từ khá sớm thì đang bị hàng triệu gia đình, hàng vạn trường học bỏ qua khiến xã hội mất đi một lượng lớn nguồn nhân lực có chất lượng...

Là giáo viên, tôi thường nhận được những lời đề nghị tư vấn cũng như tham gia những cuộc trò chuyện về việc học hành, về lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai của nhiều học sinh cũ. Tôi biết nhiều em đã chọn được trường phù hợp với số điểm mình đạt được trong kì thi THPT quốc gia năm 2015 vừa qua. Nhưng với cách đổi mới thi cử rất bất ngờ như Bộ GD-ĐT thực hiện năm qua, tôi không chắc tất cả đã chọn được trường theo đúng nguyện vọng, theo năng lực, sở trường của mình để sau này có một nghề ổn định, vững chắc. Tôi thấy lo lắng khi thấy các học trò cũ của tôi nói về việc đã vào trường này trường kia với những cụm từ như “vào đại cho xong”, “mệt mỏi rồi thì cứ chọn bừa”, “bố mẹ bảo vào trường đó”...

Với lứa tuổi 18, khi vừa kết thúc 12 năm phổ thông, quả thực các bạn trẻ ngày nay rất bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Và việc chọn trường để thi đại học lúc này đôi khi giống như chơi một ván bài may rủi. Có những bạn chọn trường theo ý phụ huynh, có bạn chọn trường do cậu bạn thân cũng chọn trường đó, “hai đứa học tiếp cùng nhau cho vui”. Có bạn không biết nên vào đâu thì ghi đại một ngành mà số đông đang hướng vào, như Tài chính, Ngân hàng, Quản trị kinh doanh…

Theo tôi biết thì rất nhiều bạn đi học suốt 12 năm mà không biết là mình thích gì, có ưu thế về môn gì, muốn phát triển năng lực cá nhân ở ngành nghề nào. Rồi những đổi mới ở kì thi năm 2015 càng khiến các bạn hoang mang, cuối cùng là ngóng điểm trường nào phù hợp thì nộp đại hồ sơ vào. Chao ôi, thật quá liều! Chưa kể vấn đề nghề nghiệp sau này, mới chỉ tính 4-5 năm đại học đã thấy vô cùng lãng phí những năm tháng tuổi trẻ và bao nhiêu tiền bạc của cha mẹ.

Xét cho cùng thì lỗi không chỉ ở các em. Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh hiện nay ngành giáo dục làm chưa tốt. Việc học dàn trải 12-13 môn học suốt từ lớp 6 đến hết lớp 12 đang tước đi bao nhiêu cơ hội để các em có thể chọn ngành nghề sớm cho mình. Suốt nhiều năm trời phải gồng mình lên đối phó với điểm số, với danh hiệu cho mát mặt cha mẹ, các em đang đánh mất khoảng thời gian thích hợp và quan trọng dành cho nuôi dưỡng và phát triển niềm đam mê. Cho nên học hết phổ thông rồi vẫn ngơ ngác không biết mình thích gì.

Một em học sinh cũ của tôi, thi đại học khối A năm 2008 với 26,5 điểm, vào học khoa Marketing một trường đại học kinh tế, đã ra trường hơn 3 năm nay và đang làm đủ thứ nghề khác nhau để có điều kiện theo đuổi đam mê của mình mà sau khi ra trường em mới nhận ra, đó là trở thành bác sĩ tâm lí học. Tôi thấy tiếc và xót xa thay cho em! Bản thân em cũng nhận ra điểm số cao khi thi đại học, rồi 4 năm liền nhận học bổng, rồi tấm bằng giỏi khi tốt nghiệp giờ đây cũng chẳng còn nghĩa lí gì khi nó không gắn liền với đam mê và nghề nghiệp tương lai của mình.

Việc hoạch định cho tương lai lẽ ra là việc cần nghĩ đến từ khá sớm thì đang bị hàng triệu gia đình, hàng vạn trường học bỏ qua khiến xã hội mất đi một lượng lớn nguồn nhân lực có chất lượng. Tương lai của đất nước sẽ phát triển nếu như xã hội cùng tìm cách thay đổi tư duy và hành động ngay từ bây giờ.

Thay đổi thế nào? Ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm sửa sai trước tiên. Cần cắt giảm bớt số môn học, để học sinh tự chọn môn học theo sở thích và sở trường. Có như vậy mới phát huy được tiềm năng sẵn có ở các em. Muốn thế phải phân luồng học sinh theo hướng nghề nghiệp ngay từ đầu cấp THPT. Cần loại bỏ việc học nghề và thi nghề vô cùng tốn kém và hình thức ở cuối cấp THCS và THPT như hiện nay. Thay vào đó là những hoạt động hướng nghiệp thật sự đem lại hiệu quả và được xếp vào thời khóa biểu chính khóa đối với học sinh THPT. Cho học sinh được tham quan các Viện nghiên cứu, các xưởng thủ công, nhà máy, công trường... Cho học sinh được thực hành, thực tập nhiều hơn để tự tìm ra khả năng của mình. Hoạt động hướng nghiệp ở trường học phải hướng đến mục tiêu giúp học sinh nhận ra và say sưa với định hướng nghề nghiệp mà mình chọn, đồng thời biết chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình.

Còn về phía phụ huynh phải từ bỏ lối suy nghĩ sính bằng cấp. Con mình sau này có nghề ổn định (bất cứ nghề gì, học từ bất cứ trường nào: đại học, cao đẳng, trung cấp), nuôi được bản thân và gia đình, hài lòng và vui vẻ với cuộc sống của mình, đó chính là điều cha mẹ mong muốn. Tại sao cứ phải vật vã với đủ thứ danh hão rồi lại khổ sở than rằng tất cả đã vì con mà rồi thế nọ thế kia?

Xã hội sẽ bớt hàng vạn cử nhân thất nghiệp nếu việc hoạch định tương lai của mỗi con người được bắt đầu từ ngày hôm nay, khi bạn còn trẻ. Đừng để loanh quanh mãi, đi hoài đi hoài rồi mới nhận ra là mình đã lạc đường từ bao giờ!

Ngọc Châm

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!