Cần đổi mới cách giảng dạy ở đại học

Hiện nay đang tồn tại một nghịch lý giữa các bậc học: trong khi các trường phổ thông đã biết quan tâm đổi mới phương pháp giảng dạy thì hầu như đại học vẫn chưa quan tâm tới điều này.

Đoàn khảo sát thực địa thuộc Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ năm 2006 có phần nhận xét về phương pháp dạy và học đại học của Việt Nam như sau:

 

- Phương pháp giảng dạy không hiệu quả, quá phụ thuộc vào các bài thuyết trình và ít sử dụng các kỹ năng học tích cực, kết quả là có ít sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên trong và ngoài lớp học.

 

- Quá nhấn mạnh vào ghi nhớ kiến thức theo kiểu thuộc lòng mà không nhấn mạnh vào việc học khái niệm hoặc học ở cấp độ cao (như phân tích và tổng hợp), dẫn đến hậu quả là học hời hợt thay vì học chuyên sâu.

- Sinh viên học một cách thụ động (nghe diễn thuyết, ghi chép, nhớ lại những thông tin đã học thuộc lòng khi làm bài thi).

Tình hình yếu kém nói trên của giáo dục đại học vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

 

Giảng dạy đại học phổ biến nhất vẫn là sử dụng bảng viết phấn với cỡ lớn, hoặc nếu sử dụng máy tính sẽ là các slide đầy chữ trình chiếu để sinh viên ghi chép lại. Một thực tế là các trường phổ thông hiện nay đang phát động rầm rộ phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy, còn các trường đại học vẫn “án binh bất động”. Do vậy phương pháp dạy ở các trường đại học của ta hiện nay vẫn giống như cách dạy các trường “phổ thông cấp 4” (!). Sinh viên đại học chỉ là những “thợ chép”:  Thầy nói gì, viết gì trên bảng thì cứ việc cặm cụi chép bằng hết vào cuốn vở trở thành cẩm nang duy nhất cho thi cử và thậm chí cả cho việc hành nghề sau này. Dĩ nhiên học thụ động sẽ sản sinh ra những nhà “trí thức” thụ động, chỉ đâu đánh đấy cũng chưa xong chứ nói gì đến nghiên cứu, sáng tạo.

 

Khi thi giảng viên chính ở đại học, các giảng viên phải nghiên cứu phương pháp giảng dạy mới, nhưng khi xét chức danh giáo sư hay phó giáo sư lại chủ yếu xét các công trình khoa học và ngoại ngữ... mà không có yêu cầu giáo sư, phó giáo sư (GS/PGS) phải dạy như thế nào. Càng lên cao, càng có học vị học hàm cao thì càng được “ưu tiên” không phải áp dụng phương pháp dạy học mới, không phải lo nghĩ đổi mới phương pháp giảng dạy!. Đây là một nghịch lý!. Suy cho cùng chức danh GS/PGS do Nhà nước phong tặng phải là cái đích cho giảng viên phấn đấu nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bậc đại học. Do đó không thể chỉ khuyến khích các GS/PGS phải có nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế nhưng khi lên lớp, các GS/PGS lại tùy tiện dùng phương pháp “đọc-chép” nhồi nhét kiến thức cho sinh viên như hiện nay.

 

Vậy đâu là nguyên nhân?

 
Đa số các trường đại học ở Việt Nam đều giao nhiệm vụ nghiên cứu/nâng cao năng lực dạy và học của nhà trường cho khoa sư phạm (nếu có) hoặc đơn vị chuyên trách công tác đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, trong khi các khoa sư phạm tập trung vào giáo dục phổ thông thì các đơn vị đảm bảo chất lượng thường chịu trách nhiệm chủ yếu về hoạt động kiểm định và khảo thí.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Ngày 02/01/2009, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi các trường đại học, cao đẳng, học viện thông báo sẽ tổ chức hội thảo toàn quốc về đổi mới phương pháp giảng dạy đại học (dự kiến tháng 3/2009) để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo sự hứng thú, say mê cho người dạy và người học bậc đại học. Nhưng cho đến nay thông báo này vẫn nằm trong ngăn kéo chưa được thực hiện! 

Trong bối cảnh công nghệ dạy học ngày càng có nhiều ứng dụng mới và lý luận/phương pháp giảng dạy đại học không ngừng phát triển thì việc xây dựng các đơn vị chuyên trách đổi mới phương pháp giảng dạy là rất cần thiết nhằm hỗ trợ giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy có hiệu quả. Lâu nay chúng ta hay kêu gọi giảng viên đại học đổi mới phương pháp giảng dạy, nhưng thực tế nhiều giảng viên không biết phải đổi mới như thế nào, đơn vị nào trong trường có thể giúp đỡ hay hỗ trợ họ trong việc đổi mới?

 

Các trường đại học hiện nay đang tập trung đầu tư cho các giảng viên công bố các bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế, xem đây như là một tiêu chí khẳng định đẳng cấp của trường đại học, nhưng rất xem thường các công trình khoa học về đổi mới phương pháp giảng dạy trên tạp chí trong nước. Họ cho rằng nghiên cứu phương pháp giảng dạy là công việc của trường phổ thông, thậm chí có giảng viên được nhà nước công nhận PGS về phương pháp giảng dạy đại học nhưng trường chủ quản không đề nghị bổ nhiệm, lý do: trường không có nhu cầu sử dụng?. Với những nhận thức và hành động như vậy, giáo dục đại học Việt Nam sẽ tiến về đâu?

 

Ngô Tứ Thành

Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông

 

LTS Dân trí - Bài viết trên của một cán bộ giảng dạy đại học cho thấy một “nghịch lý” rất đáng quan tâm về cách dạy và học rất thụ động ở bậc đại học. Nhiều năm qua, phương pháp giảng dạy đại học hầu như không được đổi mới, vẫn là cách dạy thụ động của nhiều năm trước, cho nên không bảo đảm yêu cầu của chất lượng đào tạo.

 

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học thì đi đôi với việc hiện đại hóa chương trình, giáo trình cũng như phương tiện đào tạo, còn cần có đội ngũ giảng viên vừa có trình độ chuyên môn vững vàng vừa nắm vững phương pháp giảng dạy tích cực, giúp cho sinh viên hào hứng chủ động và sáng tạo trong học tập. Điều đó đòi hỏi các trường đại học phải quan tâm nhiều hơn việc khuyến khích những đề tài nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy; khi bổ nhiệm chức danh GS và PGS cũng nên xem xét cả tiêu chuẩn về phương pháp giảng dạy và kết quả thực tế đạt được trong công tác giảng dạy ở bậc đại học.