Các trường khối chuyên nghiệp:

Các trường sẽ gặp khó khăn nếu về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội?

(Dân trí) - Đó là ý kiến của đa phần đại diện các trường khối chuyên nghiệp theo họ nếu giao giáo dục nghề nghiệp về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có nhiều bất cập trong vấn đề xây dựng chương trình, liên thông của hệ thống và quan trọng nhất là tuyển sinh sẽ gặp khó khăn.

Thay vào đó, một số đại diện trường chuyên nghiệp (trường nghề, trường trung cấp và cao đẳng chuyên nghiệp) mong muốn cần có một cơ quan thống nhất đầu mối quản lý giáo dục nghề nghiệp, không phân tán như hiện nay.

Nhiều trường khối chuyên nghiệp không mong muốn về với Bộ LĐ, TB-XH. (Ảnh minh họa)
Nhiều trường khối chuyên nghiệp không mong muốn về với Bộ LĐ, TB-XH. (Ảnh minh họa)

Trong buổi tọa đàm “Quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp” do Hội Dạy nghề TPHCM tổ chức mới đây, ông Trần Văn Hùng - hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Sài Gòn Tourist, cho rằng “nếu về Bộ LĐ, TB-XH, tôi không tưởng tượng được trường chúng tôi sẽ sống thế nào!”.

Theo ông Hùng, các trường nghề thuộc Bộ LĐ, TB-XH được thực hiện nhiều dự án hợp tác quốc tế và được kinh phí đầu tư rất lớn nhưng việc tuyển sinh, đào tạo bấy lâu nay không hiệu quả. Nhiều trường giờ sống bằng ngân sách, khi “bầu sữa” ấy cạn thì các trường sẽ rất khó khăn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Tuấn - phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại, dẫn chứng rằng nhiều trường nghề được đầu tư lớn nhưng hoạt động chưa hiệu quả, tuyển sinh rất khó khăn. Trong khi Bộ LĐ, TB-XH quản lý hệ nghề chưa tốt nếu giao thêm hệ chuyên nghiệp nữa thì sẽ rất khó khăn. Nếu về Bộ LĐ, TB-XH thì liệu rằng các trường chuyện nghiệp có tránh được việc tuyển sinh gặp khó khăn như các trường nghề lâu nay.

Thay vào đó, ông Tuấn cho rằng, Bộ GD-ĐT quản lý sẽ tốt hơn khi thống nhất đầu mối quản lý, xây dựng chương trình, chính sách cũng như đảm bảo tính liên thông cho cả hệ thống giáo dục.

Luận giải thêm những bất cấp nếu hệ chuyên nghiệp về Bộ LĐ, TBXH, bà Lê Kiều Nương - phó Chủ tịch Hội Dạy nghề TPHCM cho rằng Bộ LĐ, TB-XH quản lý mảng dạy nghề, Bộ GD-ĐT quản lý mảng giáo dục chuyên nghiệp, mỗi bên đều xây dựng chương trình đào tạo riêng. Do đó, chủ trương liên thông từ nghề lên CĐ, ĐH là có nhưng rất khó khăn. Những đối tượng tốt nghiệp trường nghề liên thông lên ĐH hầu như các trường phải đào tạo lại, không có sự thừa nhận và liên thông chương trình.

Đại diện các trường đề xuất rằng nên có một bộ mới để quản lý hệ thống giáo dục chuyên nghiệp. Theo ông Dương Minh Kiên - Hội Dạy nghề TPHCM thì cần phải có một bộ quản lý thống nhất cả hệ thống từ trung cấp đến ĐH để thống nhất chương trình, liên thông không bị tắc nghẽn. Nhiều ý kiến đề xuất bộ mới ra đời dựa trên cơ sở tách và sáp nhập Tổng cục dạy nghề từ Bộ LĐ, TB-XH, vụ giáo dục chuyên nghiệp và ĐH từ Bộ GD-ĐT.

Trong khi đó, ông Lưu Đức Tiến - phó Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp và ĐH (Sở GD-ĐT TPHCM), lại đưa ra đề xuất rằng “luật hiện nay qui định bậc ĐH vẫn thuộc Bộ GD-ĐT nên việc lập bộ mới, tách luôn bậc ĐH khỏi bộ này đòi hỏi phải điều chỉnh nhiều luật khác nhau. Cách dung hòa có thể thành lập Tổng cục nghề nghiệp trực thuộc Chính phủ để quản lý giáo dục nghề nghiệp”.

Luật Giáo dục Nghề nghiệp vừa được Quốc hội thông qua nhưng khi xin ý kiến về việc phân công trách nhiệm quản lý cho cơ quan nào của Chính phủ vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Trong các phương án giao cho Bộ LĐ, TB-XH, Bộ GD-ĐT, giao chính phủ phân công… không có phương án nào được trên 50% đại biểu Quốc hội nhất trí. Quốc hội quyết định giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và phân công cụ thể cơ quan thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý.

Hà Minh
 

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!