Lao Bảo, Quảng Trị:

Các điểm trường “vắng hoe”!

(Dân trí) - Các điểm trường dành cho học sinh dân tộc Pa Cô, Vân Kiều ở Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị dù nằm ngay trong bản song học sinh vẫn thay nhau nghỉ học. Lý do là các em phải phụ giúp gia đình kiếm tiền lo cái ăn.

Điểm trường Hà-Lệt (bản Hà-Lệt) chỉ có hai lớp: Buổi sáng lớp 4 và buổi chiều lớp 2. Học sinh hầu hết là con em ở trong bản. Mở điểm trường là để tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số có điều kiện đến trường. Tuy vậy, do hoàn cảnh khó khăn, ở bản Hà-Lệt rất nhiều gia đình “khuyến khích” con em nghỉ học.

Một buổi chiều khi chúng tôi có mặt tại điểm trường này, chỉ thấy thưa thớt vài em đi học. “Sỹ số là 12 em, song thường thì chỉ có năm đến bảy em đi học. Có khi đến lớp rồi “chuồn” về; hoặc giáo viên đến lớp thì không có em nào đi học cả!”, cô Lê Thị Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 4 tiết lộ.

Cô Thu cho biết thêm, hầu hết các em bỏ học giữa chừng hoặc “khi nảo rảnh mới đi học”, lý do là do các em phải phụ cha mẹ mang rau trái đến chợ Thương mại bán. Bà con dân tộc ở đây chủ yếu sống dựa vào mớ rau, gánh củi. Do vậy, các em phải nghỉ học phụ cha mẹ kiếm tiền.

Em Hồ Thư, một học sinh lớp 4 tâm sự: “Sáng nào có măng, có củi thì em phải mang lên chợ bán cùng với mẹ. Em của em còn nhỏ lắm nên chưa đi được. Nhiều khi bán cả ngày mới hết, tối về mệt quá đi ngủ nên cũng không học bài được”

Đồng thời, không ít phụ huynh nghĩ là chỉ cần cho con em mình học đến lớp 3 hay lớp 4, biết đọc biết viết là được. Chính vì vậy, giáo viên phải thường xuyên đi đến từng nhà để động viên, giải thích phụ huynh cho học sinh đến trường.

Ở điểm trường Katang (bản Katang), tình hình cũng không khá hơn. Đây là bản nằm gần cửa khẩu Lao Bảo nên nhiều em học sinh ra đây phụ cha mẹ làm bốc xếp. Có những học sinh rất muốn được đến trường nhưng vì gia đình khó khăn, các em là lao động chính trong nhà nên đành nghỉ học.

Anh Lê Việt Hùng, giáo viên của trường cho biết: “Từ ra tết đến giờ, đã có gần chục em nghỉ học. Giáo viên phải thay nhau đến từng gia đình để động viên đi học trở lại. Nhiều hôm khi đến nơi thì chỉ thấy cửa nhà đóng im ỉm!”

Duy Phiên