Cả trường thành “công trường” vẽ diều Huế mừng đại lễ

(Dân trí) - Trong những ngày này, hơn 200 sinh viên Trường ĐH Nghệ thuật Huế đang ra sức “trang điểm” cho gần 1.000 con diều nhằm chào mừng lễ hội Festival Huế 2010 và đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Được sự đồng ý của Ban tổ chức Festival Huế, Hội mỹ thuật Huế và Câu lạc bộ Diều Huế, đoàn trường ĐH Nghệ thuật Huế đã huy động hơn 200 sinh viên của 3 khoa Hội họa, Sư phạm mỹ thuật và Mỹ thuật ứng dụng cùng vẽ diều Huế mừng đại lễ.

 

Các “xưởng” vẽ có ở nhiều nơi trong khuôn viên trường, từ nhà xe, bãi cỏ, hành lang trường học, ghế đá. Cả một “đại công trường” với hơn 200 “nhân công” sinh viên, người đứng, kẻ ngồi hay có bạn... nằm vẽ dưới độ nóng hơn 35 độ oi bức của Huế.

 

Cả trường thành “công trường” vẽ diều Huế mừng đại lễ - 1
Các sinh viên ngồi vẽ trong khuôn viên Trường ĐH Nghệ thuật Huế.

 

Quệt mồ hôi lăn dài trên trán, bạn Nguyễn Văn Công, sinh viên năm 3 ngành Hội họa cho biết: “Đây là lần đầu tiên em làm quen với vẽ diều. Trong các môn học không có môn trang trí diều. Qua đợt vẽ lần này, em đã bổ sung vào kho kiến thức thực tế thêm một nghề làm thêm nữa”.

 

Ở một góc nhà xe, hai bạn nữ Lê Thị Kim Thoa và Mai Thị Sương, sinh viên ngành Sư phạm mỹ thuật vui vẻ giới thiệu với chúng tôi cặp cánh của con diều gà vừa được hoàn thành sau hơn 2 tiếng đồng hồ “cặm cụi”.

 

“Một ngày tụi em vẽ được khoảng 7 cặp cánh diều. Kỹ thuật vẽ diều Huế truyền thống không quá khó, chỉ cần để ý các khâu từ căng vải, bệt hồ, cắt cạnh, sơn là ổn” - hai bạn cho biết.

 

Cả trường thành “công trường” vẽ diều Huế mừng đại lễ - 2
Hai nữ sinh Thoa và Sương vui vẻ bên đôi cánh diều mới toanh.

 

700 con diều Huế gồm diều gà, công, trĩ, phượng hoàng đã được các bạn kỳ công chia ra các nhóm nhỏ, vẽ họa tiết lên vải diều và phơi nắng cho ráo mực. Phải trải qua 2 lần phơi nắng, vải diều mới đủ độ khô và ăn mực, giữ lâu cả chục năm vẫn không phai màu.

 

Được biết các khâu vẽ diều được nghệ nhân Nguyễn Đăng Hoàng, phó chủ nhiệm CLB Diều Huế hướng dẫn kỹ càng cho các bạn sinh viên. Những diều khó như diều hạc, diều bướm sẽ được anh Hoàng tự tay đảm nhận vẽ và lắp ráp 300 con. Tổng cộng sẽ có 1.000 con diều Huế ra mắt trong con đường sắp đặt tại Festival Huế 2010, sau đó sẽ theo hành trình từ Huế đi Vinh (Nghệ An), ra Ninh Bình và dừng chân tại thủ đô Hà Nội chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Theo Thạc sỹ Phan Thanh Bình, Hiệu trưởngTrường ĐH nghệ thuật Huế: “Diều Huế là nét đặc trưng cho thú chơi tao nhã vùng đất thần kinh. Đây là đợt vẽ huy động nhiều sinh viên trong trường nhất nhằm tạo ra một món quà bất ngờ cho cố đô Huế nhân dịp Festival và đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

 

Xin giới thiệu một số hình ảnh của hơn 200 sinh viên Tường ĐH Nghệ thuật Huế vẽ diều Huế chào mừng đại lễ:

 

Cả trường thành “công trường” vẽ diều Huế mừng đại lễ - 3
Các công đoạn vẽ gồm: kẻ đường gân cánh diều chỉ bằng bút chì.

 

Cả trường thành “công trường” vẽ diều Huế mừng đại lễ - 4
Tô màu cánh diều.

 

Cả trường thành “công trường” vẽ diều Huế mừng đại lễ - 5
Vẽ chi tiết, họa các “mắt” diều trên đuôi, cánh.

 

Cả trường thành “công trường” vẽ diều Huế mừng đại lễ - 6
Phơi diều lần 1.

 

Cả trường thành “công trường” vẽ diều Huế mừng đại lễ - 7
Chạy cho kịp nắng để phơi lần 2.

 

Cả trường thành “công trường” vẽ diều Huế mừng đại lễ - 8
 
Cả trường thành “công trường” vẽ diều Huế mừng đại lễ - 9
Ngồi và đứng để vẽ diều.

 

Cả trường thành “công trường” vẽ diều Huế mừng đại lễ - 10
Phơi diều trên bàn học.

 

Cả trường thành “công trường” vẽ diều Huế mừng đại lễ - 11
và trên ghế đá

 

Cả trường thành “công trường” vẽ diều Huế mừng đại lễ - 12
Cả cầu thang cũng được tận dụng để phơi diều.

 

Cả trường thành “công trường” vẽ diều Huế mừng đại lễ - 13
Treo diều trên dây.

 

Cả trường thành “công trường” vẽ diều Huế mừng đại lễ - 14
Cả sân trường đầy cánh diều Huế.

 

Diều truyền thống Huế gồm các loại công, phượng hoàng, trĩ, bướm… đặc trưng với họa tiết cung đình trên cánh, đuôi diều. 1.000 con diều lần này sẽ chỉ dùng triển lãm cố định tại 3 địa phương Huế, Nghệ An và Ninh Bình. Theo dự kiến, toàn bộ sẽ được tung bay trên bầu trời Hà Nội trong đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Nhằm chia sẻ khó khăn cho BTC Festival Huế, mỗi sinh viên được giao chỉ tiêu vẽ 7 con diều với giá 200 ngàn. Theo thị trường ngoài, nếu thuê người vẽ sẽ có giá mỗi con diều là 100 ngàn. Vì vậy đã tiết kiệm cho BTC được 50 triệu đồng với 700 con diều.

 

Tin, ảnh: Đại Dương