Trung Quốc:

“Bùng nổ” trào lưu đi học trường quốc tế

(Dân trí) - Chen Xueyang, 18 tuổi là một nữ sinh cấp ba nhưng khác với bạn bè đồng trang lứa đang học tại các trường công lập, cuộc sống của Chen không có những kỳ thi nối tiếp nhau liên tục và hàng đêm, cô cũng không phải thức khuya để làm bài tập về nhà.

“Bùng nổ” trào lưu đi học trường quốc tế  - 1
Một lớp học ở Học viện Thanh thiếu niên Thế giới Bắc Kinh - một trường quốc tế ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: China Daily)

Hiện Chen Xueyang đang theo học ở Học viện Thanh thiếu niên Thế giới Bắc Kinh (BWYA) tại khu Wangjing. Cũng như Chen, ngày càng nhiều học sinh Trung Quốc đăng ký học các trường quốc tế.

“Điều mà tôi thích nhất ở ngôi trường quốc tế này là chỉ có khoảng 20 học sinh trong một lớp. Nếu ở một ngôi trường bình thường khác, con số này phải là 60 học sinh”, Chen nói. Trước đây, Chen đã từng học một năm tại Trường trung học cơ sở Ritan Beijing, một trường công lập hàng đầu

Chen cho biết: “Tôi học tốt hơn ở một lớp nhỏ hơn. Tôi có thể gặp các giáo viên và hỏi họ bất cứ khi nào tôi cần. Ngược lại, khi học ở Ritan, tôi không có nhiều cơ hội được nói chuyện với các giáo viên ở đó”.

Chen đang nhắm mục tiêu đi du học ở Mỹ vào năm tới. Hiện cô đã gửi đơn xin nhập học tới 10 trường đại học tại quốc gia này.

Hiện nay, việc các gia đình chấp nhận trả học phí cao để con em họ theo học các trường quốc tế đang trở thành một xu hướng“bùng nổ”. Các bậc phụ huynh muốn cho con em mình có sự chuẩn bị tốt trước khi sang học đại học ở nước ngoài. Được biết, chi phí 1 năm học ở BWYA lên đến 110.000 NDT.

Xia Juan, trợ lý của chủ tịch Trường BWYA,  cho biết đang có một sự gia tăng đáng kể số học sinh Trung Quốc đăng kí học tại trường này.

Vào năm 2003, chỉ có chưa đến 10 học sinh Trung Quốc trên tổng số 400 học sinh học tại BWYA. Con số này đã tăng lên khoảng 60 em vào năm 2008 và tăng lên 100 em vào năm 2009. Hiện BWYA đang lên kế hoạch mở thêm 2 lớp 9 và lớp 10 với khoảng hơn 20 học sinh mỗi lớp do số lượng học sinh Trung Quốc ngày càng tăng.

“Năm nay, chúng tôi dự định nhận nhiều nhất 130 học sinh Trung Quốc. Số lượng học sinh Trung Quốc do đó sẽ chiếm khoảng 1/3 tổng số học sinh ở đây”, Xia cho biết.

Để được vào học tại BWYA, học sinh phải vượt qua các bài kiểm tra đánh giá, bao gồm các kì thi tuyển sinh tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, Toán cũng như phải trải qua các vòng phỏng vấn bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Ngoài ra, Xia cho biết, học sinh còn phải được duyệt hồ sơ lý lịch.

Theo Xia, các trường quốc tế khác cũng đang đón nhận ngày càng đông số học sinh Trung Quốc đăng kí học.

Chỉ tính riêng Bắc Kinh, hiện đang có khoảng 20 trường quốc tế. Những trường thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc giống như BWYA được phép tuyển sinh cả học sinh Trung Quốc và học sinh nước ngoài. Một số trường khác như trường Canadian International School of Beijing (CISB) nhận tài trợ của các công ty và chính phủ nước ngoài và chỉ được tuyển sinh học sinh có hộ chiếu nước ngoài theo quy định của Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Laurianne Gidrol, phụ trách bộ phận báo chí của CISB, cho biết ngày nào trường CISB cũng nhận được các cuộc điện thoại từ những bậc phụ huynh Trung Quốc mong muốn trường nhận con cái họ vào học.

“Người phụ trách việc tuyển sinh của chúng tôi luôn phải giải thích với họ rằng chúng tôi không nhận học sinh có hộ chiếu Trung Quốc”.

Ông Chen Bin, cha của Chen đã quyết định gửi cô con gái của mình đến học tại một trường quốc tế để Chen có sự chuẩn bị tốt hơn cho kế hoạch tiến thẳng vào một trường đại học Mỹ.

“Tôi muốn con gái tôi học đại học ở nước ngoài”, ông Chen Bin giải thích. “Ở một trường quốc tế, con bé có thể làm quen dần với hệ thống giáo dục nước ngoài để sau này đi du học. Chất lượng giáo dục và hệ thống đánh giá ở nước ngoài tiên tiến hơn trong nước. Mặc dù, học phí ở đây rất cao nhưng tôi nghĩ nó là một khoản đầu tư hiệu quả cho con gái tôi”.

Xia cho biết những lợi thế của học sinh theo học tại các trường quốc tế là tín chỉ những khóa học nâng cao về toán và kinh tế có thể được chuyển đến những trường học hàng đầu ở nước ngoài và các em có cơ hội tốt hơn để có thể được nhận vào các trường đại học nước ngoài.

Xia còn khẳng định khoảng 90% học sinh tốt nghiệp của BWYA đã được nhận vào học tại những trường đại học hàng đầu trên thế giới. Số còn lại chủ yếu là những sinh viên muốn tiếp tục học tập tiếp tại Trung Quốc.

Các trường quốc tế cũng có một chương trình “sáng tạo và linh hoạt”, Xia nhấn mạnh. Ngoài những môn học chính như tiếng Anh và toán, ở lớp, Chen còn được học thêm thiết kế, nghệ thuật và thể thao.

Bên cạnh đó, hầu hết giáo viên ở các trường quốc tế đều là người nước ngoài và họ giảng dạy bằng tiếng Anh. Do đó, học sinh sau khi tốt nghiệp ở đây đều nói, đọc và viết tiếng Anh thành thạo.

Ông Chen Bin cũng đồng ý với quan điểm trên.

“Tiếng Anh của con gái tôi đã được cải thiện rõ rệt. Ngôn ngữ hàng ngày của con bé là tiếng Anh và con bé viết bằng tiếng Anh rất tốt”, ông chia sẻ.

Võ Hiền
Theo China Daily