Bộ trưởng GD-ĐT “thừa nhận” quá coi trọng đầu vào đại học

(Dân trí) - “Hiện chúng ta đang quá coi trọng vấn đề đầu vào đại học, dẫn đến cả trong nhận thức và hành động, vấn đề tuyển sinh lấn át và làm lu mờ nhiều việc quan trọng khác. Cần đổi mới căn bản tư duy, nhận thức về việc này”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết TW8 và tổng kết năm học 2012-2013 khối Giáo dục đại học được tổ chức mới đây.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Chất lượng đầu ra và khả năng tìm việc làm của sinh viên mới quan trọng

Chia sẻ với các trường ĐH, CĐ về khó khăn trong việc tự chủ tuyển sinh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: “Thi tuyển sinh là một vấn đề rất quan trọng nhưng không phải là khâu duy nhất trong hoạt động đào tạo của chúng ta. Để đảm bảo và nâng cao chất lượng đại học cần phải có một ngưỡng chất lượng đầu vào, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Một ví dụ đơn giản, các em học sinh của chúng ta thi trượt đại học trong nước, được gia đình cho đi du học nước ngoài thì vẫn học được. “Nói thế không phải là coi nhẹ yếu tố chất lượng đầu vào, nhưng hiện chúng ta đang quá coi trọng vấn đề này, dẫn đến cả trong nhận thức và hành động, vấn đề tuyển sinh lấn át và làm lu mờ nhiều việc quan trọng khác. Cần đổi mới căn bản tư duy, nhận thức về việc này”.

Về việc một số nhà trường than phiền không tuyển được sinh viên vào học do quy chế tuyển sinh không phù hợp, Bộ trưởng Luận đưa ý kiến có thể ở một số trường cụ thể, một vài chi tiết cụ thể của phương án tuyển sinh vừa qua đã làm các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh. Nhưng đó chỉ là một trong các lý do. Chất lượng đầu ra và khả năng tìm được việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp mới là điều quan trọng và quyết định vấn đề tuyển sinh của các trường.

“Nghị quyết ĐH 11 và NQ TW 8 (khoá XI) lần này không chỉ chúng ta quán triệt, mà toàn dân đã, sẽ quán triệt và triển khai thực hiện. Các bậc phụ huynh học sinh sẽ tự cân nhắc và cùng với con em mình lựa chọn ngành, trường cho các cháu vào học. Bằng đồng tiền của mình, họ sẽ lựa chọn trường và bỏ phiếu đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo của chúng ta. Tôi đề nghị các đồng chí có suy nghĩ rộng thêm ở điểm này” - ông Luận nhấn mạnh.

Đổi mới tuyển sinh phải thận trọng vì liên quan tới hàng triệu học sinh, hàng triệu gia đình.

Đổi mới tuyển sinh phải thận trọng vì liên quan tới hàng triệu học sinh, hàng triệu gia đình.

Thời khắc quan trọng…

Bộ trưởng Luận khẳng định: “Việc tự chủ thi tuyển sinh là việc dứt khoát phải làm. Luật Giáo dục đại học đã ghi rõ; Nghị quyết TW 8 tiếp tục khẳng định việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường trong tuyển sinh. Chúng ta phải nghiêm túc và gương mẫu thực hiện Luật”.

Về việc triển khai thực hiện vấn đề tự chủ tuyển sinh nhiều ý kiến còn băn khoăn, lo lắng khi thực hiện. Vị đứng đầu ngành giáo dục giải thích vì sao Đảng và Quốc hội lại quyết định như vậy, việc này mang lại ích lợi gì. Nghị quyết TW8 khẳng định chúng ta sẽ chuyển từ giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang chú trọng hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học. Vậy nếu không thay đổi cách thi tuyển sinh đại học thì làm sao thay đổi được cách học, cách dạy ở phổ thông để nâng cao chất lượng? Nếu không thay đổi việc thi tuyển sinh đại học thì làm sao có đầu vào của trường đại học là những học sinh có đủ năng lực và phẩm chất cần thiết để đào tạo ra con người lao động mới?

“Chúng tôi giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các đồng chí, không phải là để quay trở lại thời kỳ trước “ba chung”, để các đồng chí lại tiếp tục tổ chức tuyển sinh theo khối A “toán, lý, hóa” hay C “văn, sử, địa”…, mà là để các đồng chí dựa vào trí tuệ của tập thể sư phạm với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, với hiểu biết có được về năng lực, kỹ năng, phẩm chất cần có của sinh viên sau tốt nghiệp mà xác định phương thức tuyển sinh cho phù hợp với từng ngành/lĩnh vực đào tạo của mình, qua đó góp phần hỗ trợ cho những đổi mới ở giáo dục phổ thông, và giúp trường của các đồng chí tuyển đúng được sinh viên theo yêu cầu của đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường” - ông Luận nói.

Theo đó, Bộ GD-ĐT, không giới hạn hình thức thi hay xét tuyển, mà giao các trường hoàn toàn tự quyết định.

Bộ trưởng Luận nhấn mạnh: “Vì lợi ích của người học, vì lợi ích lâu dài của đất nước, chúng ta phải đổi mới. Và trong quá trình đổi mới đó, chúng ta phải giành phần khó về mình, nhường phần dễ cho các em học sinh. Theo tôi, đó là cách suy nghĩ và hành động đúng của chúng ta trong thời khắc quan trọng này”.

Đề án tuyển sinh phải làm thận trọng

Theo dự thảo tuyển sinh, các phương án tuyển sinh mới phải được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Bộ trưởng Luận cho rằng phải làm như vậy vì chúng ta phải chuẩn bị thật chu đáo, phải thay đổi phương thức tuyển sinh trong trật tự, có lộ trình và công bố công khai, rộng rãi. Chúng ta chỉ thay đổi phương thức tuyển sinh khi các cháu học sinh đã hiểu rõ, hiểu đúng phương án tuyển sinh mới và sẵn sàng tham gia. Vì sao phải làm như vậy? Vì tuyển sinh là vấn đề lớn, liên quan đến hàng triệu học sinh và hàng triệu gia đình.

Ông Luận chia sẻ với các trường cần chú trọng công tác truyền thông; Cẩn thận, chắc chắn nhưng không trì trệ; Khẩn trương, tích cực nhưng không vội vàng hấp tấp. Tập trung trí tuệ tập thể chuẩn bị phương án tuyển sinh mới cho đơn vị mình. Nếu năm nay chưa kịp chuẩn bị kỹ, chưa có lực lượng đầy đủ thì các trường vẫn có thể dùng phương án “ba chung”. Nhưng phải tích cực bắt tay vào chuẩn bị ngay từ bây giờ để có thể chuyển sang phương án mới trong các năm tới, muộn nhất là vào năm 2017.

“Chúng tôi tôn trọng quyền tự chủ của các trường, đồng thời sẵn sàng giúp đỡ các trường chưa có đủ điều kiện “tự chủ”, nhưng chỉ trong thời gian có hạn” - Bộ trưởng Luận nhắc nhở.

Hồng Hạnh