Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Đổi mới giáo dục là một “trận đánh” lớn

(Dân trí) - Nghị quyết số 29 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khoá XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã làm “rung chuyển” nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã ví Nghị quyết như “một trận đánh lớn”.

Vậy, ngành giáo dục sẽ làm gì để huy động mọi nguồn lực của xã hội tạo nên những chuyển biến mang tính quyết định, đưa giáo dục Việt Nam vượt qua thử thách, tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại. Trước thềm năm mới 2014, phóng viên báo Dân trí đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận về vấn đề này. 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Không có quyết định nào là dễ dàng!

Điều tâm đắc, băn khoăn, trăn trở nhất của Bộ trưởng trong năm 2013 là gì?

Điều tâm đắc nhất đối với tôi trong năm 2013 là Ban Chấp hành TW Đảng đã thảo luận, ban hành Nghị quyết số 29 NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đề án này kết tinh trí tuệ và tình cảm của toàn Đảng và cả xã hội, trong đó có sự đóng góp của các thầy cô giáo, các nhà khoa học và quản lý giáo dục.

Còn về những điều băn khoăn, trăn trở… Tôi không có gì băn khoăn. Chúng tôi đã cố gắng hết sức mình và đã nhận được sự đánh giá công bằng của nhân dân, phụ huynh và cả bạn bè quốc tế. Nhưng trăn trở thì còn nhiều. Khi Trung ương chưa ra Nghị quyết thì chúng tôi nỗ lực hoàn thiện Đề án trình Trung ương thảo luận, xem xét. Khi Trung ương ban hành Nghị quyết, chúng tôi ngay lập tức phải phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lo việc tổ chức, phối hợp triển khai Nghị quyết một cách có hiệu quả. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29 NQ/TW, sớm đưa nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.

Bộ GD-ĐT cũng đã hoàn thành việc xây dựng đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT - SGK) phổ thông sau năm 2015, đang gửi xin ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ.

Từ khi nắm cương vị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, quyết định nào là quyết định khó khăn nhất với Bộ trưởng? Và, khi ký quyết định, Bộ trưởng nghĩ đến điều gì đầu tiên?

Trước bất kỳ quyết định nào, tôi cũng cân nhắc rất kỹ lưỡng, và không có quyết định nào là dễ dàng. Chủ thể và khách thể của giáo dục đều là con người. Các quyết định trong giáo dục đều liên quan trực tiếp đến con người, đến học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo và sau đó là đông đảo phụ huynh học sinh. Khi ra quyết định, tôi luôn phải cân nhắc đến lợi ích của con người, trước hết là học sinh sinh viên, kế đến là giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; cân nhắc cả lợi ích trước mắt và nhất là lợi ích lâu dài.

Trong thời gian đầu khi tôi mới là Bộ trưởng, các quyết định của Bộ GD-ĐT phần lớn nhằm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, sửa chữa những lệch lạc, thiếu sót, khuyết điểm, tạo điều kiện cho cả hệ thống phát triển đúng hướng và ổn định. Gần đây, các quyết định nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới hoạt động của ngành đã xuất hiện nhiều hơn.

Giáo dục không có chỗ cho thử nghiệm

Bộ trưởng coi đổi mới giáo dục lần này là “một trận đánh lớn”, với tư cách là người Tổng Chỉ huy, theo bộ trưởng, trận đánh lớn này, yếu tố nào là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công?

Tôi có dùng hình ảnh “một trận đánh lớn” để nói đến lực lượng gồm nhiều binh chủng, phối hợp nhiều chiến dịch, giải quyết nhiều mục tiêu. Ví dụ như: mục tiêu cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mang được lá cờ Tổ quốc cắm trên Dinh Độc Lập. Nhưng ngay lập tức từ năm 1954 mà chúng ta muốn mang cờ vào Dinh Độc Lập thì là điều không thể. Chúng ta phải đánh bằng nhiều lực lượng, đánh nhiều trận, đánh thắng từng bước để tiến tới thắng lợi cuối cùng.

Giáo dục cũng vậy, mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để thực hiện mục tiêu này phải triển khai từng bước. Chúng tôi đã thảo luận và đi đến thống nhất sẽ bắt đầu từ những khâu xung yếu nhất, không cần phải đầu tư nhiều kinh phí mà vẫn có thể bảo đảm được yếu tố chắc thắng nếu chuẩn bị chu đáo, từ đó sẽ lan tỏa, làm lay chuyển các khâu khác. Đối tượng của giáo dục là con người, không có chỗ cho thử nghiệm thắng hay không thắng, mà phải chắc chắn thắng.

Để thực hiện thành công đổi mới giáo dục lần này, chúng tôi cho rằng đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức là khâu khởi đầu và theo tôi, có ý nghĩa rất quan trọng, thậm chí là yếu tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới. Bởi vì, nếu không có nhận thức mới, không có tư duy phù hợp thì không thể có chương trình, kế hoạch chuẩn xác để triển khai được.

Vậy giải pháp nào là giải pháp then chốt nhất trong đổi mới, thưa Bộ trưởng?

Chúng tôi xác định đổi mới quản lý là giải pháp then chốt. Bởi vì đổi mới giáo dục và đào tạo không phải là việc của riêng Bộ GD-ĐT hay Bộ trưởng, mà là của gần 2 triệu thầy cô giáo, của 20 triệu học sinh, sinh viên. Mà cũng không phải chỉ có 22 triệu thầy cô giáo, học sinh, sinh viên ngành giáo dục triển khai đổi mới. Trên thực tế, tất cả các ngành, các cấp, cả xã hội sẽ cùng với chúng tôi thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy, đổi mới giáo dục đòi hỏi sự chỉ đạo, phối hợp rất ăn khớp và đồng bộ.

Trong nội bộ ngành giáo dục, chúng tôi xác định đổi mới thi cử là khâu có ý nghĩa đột phá vì các lý do sau: Thứ nhất, nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang nặng về ứng thí, đổi mới thi cử sẽ dẫn ngay đến đổi mới trong nội dung, phương pháp học và dạy. Đổi mới thi cử không là mục tiêu cuối cùng, nhưng nếu làm tốt sẽ làm lay chuyển các khâu xung yếu khác, dẫn đến sự thay đổi trong cả hệ thống và sẽ tạo ra những thay đổi về chất. Thứ hai, thi cử đang là một khâu gây nhiều bức xúc, được cả xã hội quan tâm. Thứ ba, nếu chuẩn bị chu đáo thì chúng ta có thể thực hiện được ngay đổi mới thi cử, đảm bảo được yếu tố chắc thắng mà không cần phải đầu tư nhiều kinh phí, cơ sở vật chất...
 
Trao đổi về đề thi môn Toán, các thí sinh cho rằng câu số 6 quá khó. (Ảnh: Khánh Hiền).
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Trong nội bộ ngành giáo dục, chúng tôi xác định đổi mới thi cử là khâu có ý nghĩa đột phá". Trong ảnh: Thí sinh dự thi đại học năm 2013.

Cương quyết lập lại kỷ cương giáo dục

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói rất là buồn vì vấn đề cải tiến chế độ lương cho giáo viên được đặt ra 15 năm nay chưa thực hiện được. Trong Đề án lần này việc lương lại được đặt ra và có định hướng là lương của giáo viên sẽ cao nhất trong thang bảng lương. Xin Bộ trưởng cho biết, làm thế nào để việc này không bị trì trệ và vai trò của Bộ GD-ĐT như thế nào?

Vấn đề lương giáo viên được đặt ra từ Nghị quyết TW2 khóa VIII năm 1996 nhưng chưa làm được do nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan. Tôi không có điều kiện hiểu hết giai đoạn trước, nhưng tôi biết giải quyết bài toán tiền lương liên quan đến nhiều nhân tố và điều kiện thuộc các lĩnh vực khác nhau và phải giải quyết từng bước theo nhịp điệu tăng trưởng  và phát triển của nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết 29 NQ/TW nêu lại vấn đề này với quyết tâm và giải pháp triển khai mới để sớm đưa chủ trương đúng đắn này vào thực hiện.

Ngoài vấn đề lương, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới các chế độ đối với giáo viên như phụ cấp nghề nghiệp, thâm niên, phụ cấp thu hút cho thầy cô giáo miền xuôi lên miền núi giảng dạy, chế độ, điều kiện làm việc cho các GS, PGS…

Tuy nhiên, cùng với những đãi ngộ, sẽ có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các thầy cô giáo vi phạm kỷ luật của ngành. Bên cạnh việc tôn vinh đãi ngộ, chúng tôi sẽ kiên quyết quyết đưa ra khỏi ngành những người không đủ phẩm chất, năng lực; không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Bộ trưởng có thể phác họa diện mạo mới của ngành GD-ĐT khi thực hiện Nghị quyết TW 8?

Tôi tin tưởng sâu sắc rằng việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT sẽ mang lại nhiều thay đổi lớn, về đại thể có thể nói tóm tắt như sau:

Đối với GD đại học và GD nghề nghiệp, chúng ta sẽ chuyển sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội và nhu cầu của thị trường lao động; sẽ tiến tới thực hiện cơ chế đặt hàng trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng của một số loại hình dịch vụ đào tạo. Các cơ sở GD đại học sẽ được trao quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm cao trước xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý trong ngành GD-ĐT sẽ được đẩy mạnh, hiệu lực và hiệu quả quản lý được nâng cao. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ nghiên cứu khoa học được tăng cường mạnh mẽ. Các cơ sở GD đại học sẽ được phân tầng, phân loại theo định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng, định hướng thực hành trên cơ sở năng lực, kết quả kiểm định chất lượng GD các nhà trường. Chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo của Việt Nam sẽ được nâng lên, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và từng bước đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Đối với GD phổ thông, sẽ có sự thay đổi lớn về chương trình GD, sách giáo khoa (SGK) và tổ chức quá trình GD trong nhà trường. Chương trình và SGK mới sẽ được thiết kế với những nội dung phù hợp với tâm lý, kỹ năng, nhận thức của học sinh phổ thông, gần với cuộc sống, thiết thực giúp các em hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động mới.

Về phương pháp dạy và học, chúng ta sẽ chuyển từ dạy nhiều, tự học ít như hiện nay sang dạy ít, tự học nhiều. Vai trò của người thầy sẽ không chỉ là truyền thụ kiến thức cho học sinh, mà còn là hướng dẫn học sinh cùng thảo luận theo từng nhóm để hoàn thành nhiệm vụ bài học.

Về đánh giá, kiểm tra và thi cử, chúng ta sẽ chuyển cách thi, kiểm tra hiện nay (chủ yếu là kiểm tra việc tiếp thu kiến thức của học sinh) sang thi, kiểm tra năng lực và phẩm chất được hình thành của học sinh.

Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!

Hồng Hạnh (thực hiện)