Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Đổi mới cơ chế tài chính để khắc phục yếu kém

(Dân trí) - Phát biểu trong Hội nghị quán triệt Nghị quyết 29 lần thứ 8 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 19/2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn thừa nhận những yếu kém của ngành giáo dục và đưa ra những ý kiến đổi mới mạnh mẽ.

Hội nghị quán triệt Nghị quyết 29 lần thứ 8 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 19/2
Hội nghị quán triệt Nghị quyết 29 lần thứ 8 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 19/2.
 
Khắc phục hạn chế yếu kém để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
 
Phát biểu trước lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đông đảo tập thể cán bộ Đảng viên của Bộ trong chuyên đề "Nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Hiện ngành giáo dục có 6 thành tựu lớn nhưng có đến 10 hạn chế yếu kém được ghi trong Nghị quyết của Đảng.
 
Bộ trưởng đã không ngần ngại nhìn nhận những yếu kém hạn chế còn tồn tại của ngành trong thời gian qua. Đó là vấn đề thiếu liên thông: vấn đề này thể hiện trong hệ thống các trường do Bộ GD-ĐT quản lý với các trường do Bộ Lao động, thương binh và xã hội quản lý. Vấn đề thiếu liên thông thể hiện ngay giữa các trường với nhau trong khối các trường Bộ GD-ĐT quản lý, thậm chí thiếu liên thông ngay trình độ đào tạo trong nội bộ của trường đó.
 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại hội nghị.
 
Vấn đề tiếp theo là về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Bộ trưởng cho biết: “Thời gian gần đây ngành giáo dục đã được bổ sung thêm số lượng giáo viên, trình độ các giáo viên cũng được nâng cao rõ rệt nhưng trình độ thật không đúng với trình độ bằng cấp, đó là một bất cập. Hiện có nhiều trường học đã đạt chuẩn, thậm chí trên chuẩn nhưng trình độ thật lại vênh so với thực tế kiểm tra.
 
Vấn đề còn yếu kém tiếp nữa là cơ chế tài chính giáo dục còn mang nặng cơ chế hành chính bao cấp. Theo Bộ trưởng, ngành giáo dục đã có những chính sách miễn giảm học phí cho học sinh sinh viên vùng khó khăn hay có những chế độ đãi ngộ cho các thầy cô giáo nhưng ngay bản thân các thầy cô và các em học sinh vẫn chưa thật hài lòng. Ngay trong nội bộ ngành giáo dục, các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập liên tục kiến nghị có những chính sách công bằng hơn khi họ cho rằng họ không được đầu tư gì cả. Trong khi đó những trường công lập cũng cho rằng họ bất bình đẳng vì những trường ngoài công lập được tự quyết định mức học phí, được tự quyết việc chi tiêu trong khi các trường công lập luôn luôn phải xin ý kiến. Trong thời gian tới, tôi mong Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp cùng chúng tôi đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục để khắc phục những hạn chế này”.
 
Vấn đề yếu kém cuối cùng được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn trao đổi đó là cơ sở vật chất trang thiết bị giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa. Bộ trưởng cho biết cá nhân ông đã từng đến thăm và chứng kiến nhiều trường lớp học ở những vùng sâu, vùng xa trống trơn như ở ngoài trời hay còn rất nhiều các em học sinh phổ thông hiện vẫn phải học nhờ, học tạm, học ca ba trong các nhà văn hóa của địa phương. Thậm chí có một thực tế hiện nay nhiều trường lớp ở địa phương đã có điện, có điện thoại, có Internet nhưng khi hỏi đến thì đồng chí hiệu trưởng cho biết trường phải cắt hết do không có tiền trang trải, toàn bộ tiền được cấp chỉ vừa đủ để trang trải tiền lương cho giáo viên.
 
Mong nhận được ý kiến đóng góp của toàn xã hội
 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá cao nền giáo dục cách mạng nước nhà trải qua 3 lần cải cách và đã đạt được nhiều thành tựu để đến Nghị quyết 29 lần thứ 8 Ban chấp hành TW khóa XI lần này chúng ta đã tự hào rằng chúng ta có 6 thành tựu rất quý báu. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, cả ba lần cải cách đó đều không nói đến vấn đề phương pháp, cách thức tổ chức, cách thức đánh giá giáo dục. Từ trước đến nay từ cấp học phổ thông cho đến bậc đại học, chúng ta đều truyền thụ kiến thức một chiều theo hướng thầy dạy, trò ghi. Theo cách dạy đó chúng ta có thể có cá thể các nhà khoa học nhưng không thể có một êkip các nhà khoa học được. Cách dạy, cách học này thế giới cách đây mấy chục năm cũng thế nhưng họ đã thay đổi và bây giờ chúng ta phải quyết tâm thay đổi.
 
Chúng ta cần chuyển sang cách dạy, cách học chú trọng năng lực, kỹ năng của học sinh sinh viên. Chúng ta không coi việc truyền thụ kiến thức là mục tiêu cuối cùng mà đó là phương tiện để hoàn thành kỹ năng cho học sinh. Mục tiêu của chúng ta là phải giáo dục để các cháu có được kỹ năng tổ chức cuộc sống riêng.
 
Từ mục tiêu này, Bộ trưởng cho rằng cách thiết kế chương trình dạy và học cũng phải thay đổi. Cần phải lấy lợi ích là việc hình thành năng lực cho học sinh để thiết kế chương trình. Cùng với đó là phải thay đổi cách thi, kiểm tra và đánh giá.
 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố rộng rãi dự thảo phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đến toàn xã hội để mong nhận được những đóng góp thiết thực, những hiến kế cho ngành và đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của dư luận xã hội. Bộ GD-ĐT xin tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đó và báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về cách đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay và những năm tới.
 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: "Ngay trong nội bộ ngành giáo dục, các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập liên tục kiến nghị có những chính sách công bằng hơn cho họ khi họ cho rằng họ không được đầu tư gì cả. Trong khi đó những trường công lập cũng cho rằng họ bất bình đẳng vì những trường ngoài công lập được tự quyết định mức học phí, được tự quyết việc chi tiêu trong khi các trường công lập luôn luôn phải xin ý kiến. Trong thời gian tới tôi mong Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp cùng chúng tôi đổi mới chế tài chính trong giáo dục để khắc phục những hạn chế này".

Kim Anh