Bộ có “vượt” Luật không?

(Dân trí) - Trước một số thông tin cho rằng Bộ GD-ĐT bỏ qua Luật Giáo dục để “nhắm mắt” soạn thảo Đề án đổi mới thi và tuyển sinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Nguyễn An Ninh đã có các phân tích chứng minh Bộ không “vượt” Luật.

Để rộng đường dư luận, Dân trí xin giới thiệu về 4 vấn đề mà TS Nguyễn An Ninh đã đưa ra để chứng minh cho điều này.

1. Tên gọi kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi THPT quốc gia là trái với luật định vì theo Điều 31 Luật Giáo dục thì không có kỳ thi THPT quốc gia mà chỉ có kỳ thi THPT và Giám đốc sở cấp bằng THPT?

Điều 31 của Luật Giáo dục quy định: “Học sinh học hết chương trình THPT có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được giám đốc sở GD-ĐT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp bằng tốt nghiệp THPT”.

Dự thảo Đề án không có nội dung nào trái với Điều này, vì để được công nhận tốt nghiệp, học sinh vẫn được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được giám đốc sở GD-ĐT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Luật Giáo dục chỉ đề cập đến dự thi chứ không quy định cụ thể tên kỳ thi, do dó việc Đề án đề xuất tên kỳ thi là kỳ thi THPT quốc gia để phản ánh đúng bản chất của kỳ thi, hoàn toàn không trái với luật định.

2. Có phải Chủ tịch Hội đồng thi là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương?

Lãnh đạo UBND tỉnh chỉ tham gia Ban chỉ đạo và kiểm tra thi của cấp tỉnh, còn Chủ tịch các Hội đồng coi thi, chấm thi đều là các cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục.

3. Không còn tính công bằng, tính quốc gia của kỳ thi khi lộ trình cải tiến thi và tuyển sinh của Bộ, từ năm 2012 tổ chức thi theo các thời điểm khác nhau với các đề khác nhau ở các địa phương?

Dự thảo Đề án đề cập tới việc: khi đã chuẩn bị đủ điều kiện, sẽ tổ chức thi theo các thời điểm khác nhau với các đề khác nhau ở các địa phương. Lúc đó các đề thi đã được xây dựng nhiều năm theo công nghệ tiên tiến, kết quả thi có tính tương đương cao, do đó việc tổ chức thi theo các thời điểm khác nhau vẫn đảm bảo tính công bằng, tính chất quốc gia của kỳ thi, tương tự như các kỳ thi TOEFL mà Viện Khảo thí Hoa Kỳ (ETS) đã và đang áp dụng trên toàn thế giới.

4. Đề án cải tiến thi và tuyển sinh của bộ trái với Điều 38 vì chỉ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và làm một căn cứ quan trọng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp?

Điều 38 quy định: Đào tạo trình độ cao đẳng được thực hiện từ hai đến ba năm học tuỳ theo ngành nghề đào tạo đối với những người có bằng tốt nghiệp phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp; từ một năm đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp cùng chuyên ngành.

- Đào tạo trình độ đại học được thực hiện từ bốn đến sáu năm học, tuỳ theo ngành nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, từ hai năm rưỡi đến bốn năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng chuyên ngành, từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp cao đẳng cùng chuyên ngành.

Tuy nhiên, trong phần Đăng ký xét tuyển vào trường ĐH, CĐ, TCCN của Dự thảo Đề án đã ghi rõ: “Sau khi đã được công nhận tốt nghiệp THPT và đã có kết quả thi các môn tuyển sinh đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của trường, thí sinh gửi hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường ĐH, CĐ, TCCN. Như vậy một tiêu chí quan trọng đối với thí sinh để được xét tuyển ĐH, CĐ là đã được công nhận tốt nghiệp, điều này hoàn toàn phù hợp với Luật Giáo dục.

Trong quá trình soạn thảo Đề án, Bộ đã tổ chức nhiều buổi thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của các địa phương, đơn vị liên quan và của các nhà khoa học. Riêng tháng 12/2007, Tổ soạn thảo Đề án đã nhận được văn bản góp ý kiến của 208 đơn vị, tổng hợp từ 9.721 ý kiến cá nhân của các cán bộ, giáo viên, giảng viên…

Trên cơ sở phân tích, tiếp thu những ý kiến góp ý và phản biện, Dự thảo 10 của Đề án đã hoàn tất và được báo cáo trước thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, ngày 4/1/2008.

Hiện nay, Tổ soạn thảo Đề án đang tiếp tục hoàn thiện các nội dung chi tiết của Đề án trước khi lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành liên quan.

Mai Minh