Bí mật may mắn của cô bé đoạt học bổng 67.000 đôla Úc

(Dân trí) - Nhận được suất học bổng trung học lớn nhất nước Úc từ trường tư thục nổi tiếng The Peninsula School, với Cẩm Thanh, đây là sự may mắn. Nhưng đằng sau đó là những tiết lộ thú vị về cô bé lanh lợi vừa bước sang tuổi 17 sắp một mình sang Úc du học.

Khi tiếng Việt cũng là ngoại ngữ

 

Trở về Việt Nam khi 8 tuổi, với Cẩm Thanh, tiếng Việt đã là môn ngoại ngữ vì 18 tháng tuổi em đã nói tiếng Nga. Em sinh ra và học mẫu giáo, lớp 1 ở Nga. Lúc đó, em có một cái tên dễ thương Ta-nhi-a. 6 tuổi, Cẩm Thanh mới làm quen với tiếng Việt.

 

Về Việt Nam vào năm 1999, xin vào học lớp 3 trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM), cô hiệu trưởng bán tín bán nghi nhưng vẫn chấp nhận vì nếu theo được chương trình thì đây sẽ là tấm gương cho những học sinh khác.

 

Mất 3 tháng hè ở nhà “quần thảo” với bố mẹ về tiếng Việt, nhưng buổi đầu tiên Cẩm Thanh bị dính ngay điểm 1 môn chính tả. Cô bé nhớ lại, “khi đó em khóc quá trời, tại bên Nga không có môn chính tả và em không quen giọng Nam bộ”. Ở nhà bố mẹ em nói giọng xứ Nghệ nên em quen rồi. Nhưng cũng từ điểm 1 này, Cẩm Thanh học tiến bộ vùn vụt, năm nào cũng là học sinh giỏi.

 

Nhưng cũng từ đây, vốn tiếng Nga từng là ngôn ngữ mẹ đẻ đã bị quên lãng. Khi còn bên Nga, Cẩm Thanh học lớp 1 đã đọc thuộc vanh vách những bài thơ dài của Puskin. Về Việt Nam, sợ con không mau học tiếng Việt, bố mẹ cấm tiệt em xem phim, đọc sách tiếng Nga. Nhưng giờ đây, khi sắp sang Úc du học, Cẩm Thanh muốn khôi phục lại vốn tiếng Nga bằng cách mời thầy giáo về nhà dạy.

 

Bố mẹ Cẩm Thanh từng tu nghiệp lấy bằng tiến sĩ Luật bên Nga. Mẹ em giờ là luật sư trong Đoàn luật sư TPHCM. Bố em là giảng viên ĐH Luật TPHCM. Cô Ngọc Lâm, mẹ Cẩm Thanh cho biết cô muốn em có thể tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau. Mà ngoại ngữ là chìa khóa để mở cánh cửa tri thức nhân loại. Nhà không ép em học ngoại ngữ nhưng nếu em thích, gia đình sẽ tạo điều kiện.

 

Từ việc nắm bắt tiếng Việt nhanh chóng, nên khi tiếp xúc với tiếng Anh, Cẩm Thanh tỏ ra khá nhanh nhẹn. Bắt đầu học thêm ngoại ngữ này từ lớp 9 tại trung tâm ngoại ngữ trong 3 tháng nhưng kỳ thi vào lớp 10, Cẩm Thanh đỗ 3 ba trường lớn: Trung học thực hành (ĐH Sư phạm TPHCM), chuyên Toán trường THPT Trần Đại Nghĩa và chuyên Anh trường THPT Năng khiếu (ĐHQG TPHCM).

 

Vốn tiếng Anh của em cũng dày dặn với IELTS đạt điểm 7.0. Với số điểm này nên ông hiệu trưởng trường The Peninsula School tuyên bố: Cẩm Thanh không cần phải qua vòng phỏng vấn nữa. Có sẵn cách học ngoại ngữ nên giờ đây song song với việc học tiếng Nga, Cẩm Thanh cũng đang học tiếng Hoa.

 

Tại trường trung học The Peninsula School (Úc), chương trình học có 4 môn bắt buộc và 4 môn tự chọn. Cẩm Thanh chọn tiếng Hoa là môn ngoại ngữ dù rằng nếu chọn tiếng Việt thì sẽ dễ dàng cho em. Nhưng cô bé láu lỉnh nhắm rằng trong tương lai với tỷ lệ người sử dụng tiếng Hoa được đếm bằng cho số hàng tỷ thì ngôn ngữ này sẽ rất thông dụng.

 

Học bổng đến từ lòng trắc ẩn

 

Chuyện săn học bổng của Cẩm Thanh cũng giống như bao teen khác ở các trường nổi tiếng TPHCM. Lớp chuyên Anh của Cẩm Thanh ở trường THPT Năng khiếu đã có hơn 10 bạn đi du học. Chọn năm 11 để du học tự túc, Cẩm Thanh cho biết đây là thời điểm thích hợp vì sau 2 năm là đủ sức để kiếm một suất học bổng vào một trường đại học ở nước ngoài.

 

Theo con đường du học tự túc, Cẩm Thanh nộp hồ sơ vào Văn phòng IDP Education Australia tại TPHCM. Chọn nước Úc để học trung học vì qua các anh chị đi trước, em thấy môi trường ở đây thân thiện, tốt cho việc học.

 

Bộ hồ sơ của Cẩm Thanh nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của IDP và khi văn phòng này chuyển ngay tới trường trung học hàng đầu nước Úc The Peninsula School, ông hiệu trưởng trường này đồng ý tức thì. Với giá trị 67.000 đô la Úc thì đây là học bổng trung học do trường trực tiếp cấp có giá trị lớn nhất từ trước đến nay mà một học sinh Việt Nam nhận được. Cẩm Thanh đã được trường The Peninsula School cấp học bổng bao gồm cả học phí và sinh hoạt phí cho lớp 11 và 12.

 

Cô Ngọc Lâm - mẹ của Cẩm Thanh vui vẻ cho biết: So với những bạn học cùng lớp thì học lực của em cũng không vượt trội. Có lẽ vì em là người phát triển hài hòa, biết học biết chơi nhiều môn thể thao: tennis, bóng chuyền, bóng rổ.  Ngoài thời gian học, Cẩm Thanh tham gia công tác xã hội, đến thăm người già neo đơn, các mái ấm tình thương. Có lần khi dẫn Cẩm Thanh đến quán Hoa Anh Đào, nơi có trẻ khuyết tật làm phục vụ thì thấy em ngồi tần ngần cả buổi trời. Để rồi, em thủ thỉ với mẹ rằng sẽ mở một lớp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại quán để các em có việc làm.

 

Cẩm Thanh được dạy phải tự lập, tự tìm đường đi cho mình. Khi bản thân đã giàu mạnh thì mới đủ điều kiện chia sẻ với xã hội. Tri thức là tài sản vô giá, không thể mất được, càng cho người khác thì càng giàu thêm. Có lẽ vì thế Cẩm Thanh chọn kinh doanh là hướng đi cho tương lai của em sau này.

 

Cô Ngọc Lâm cho biết sẽ cố gắng tạo điều kiện cho Cẩm Thanh thường xuyên về Việt Nam để có cái nhìn chính xác và định hướng đúng đắn cho con đường đi. Vì đã từng du học ở Nga nên có lẽ cô biết rõ trong quá trình học sẽ có những lựa chọn, những trăn trở trước nhiều con đường. Cô muốn khi con mình làm điều gì thì phải liên quan đến đất nước đến người thân. Vì trên hết bé phải là người Việt Nam đã.

 

Hiếu Hiền