Bi hài kịch sáng kiến kinh nghiệm

(Dân trí) - Nhiều người giáo viên đánh mất lòng tự trọng khi viết sáng kiến kinh nghiệm như một cách đối phó với bệnh thành tích, hình thức.

Sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) của người giáo viên nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng trong việc giảng dạy, quản lý. Nhưng chỉ ở mặt lý thuyết, còn thực tế việc giáo viên (GV) viết SKKN như một tấn bi hài kịch để đảm bảo điều kiện thi GV dạy giỏi hay để xét chiến sĩ thi đua.

Nhiều GV viết SKKN chỉ để đối phó vì nhiều lý do như bí đề tài, không có thời gian đầu tư, có sáng kiến nhưng hạn chế khả năng viết. Và đặc biệt hơn ai hết, họ hiểu rõ việc viết SKKN thực chất là cần thiết nhưng thực tế lại chỉ là hình thức.

Thế nên mới có tình trạng GV có SKKN giống nhau; hay họ dùng những sáng kiến của năm trước, chỉ thay đổi một số thông tin, dữ liệu; xáo xào của người này người nọ thành SKKN của mình. Có GV viết SKKN không xuất phát từ thực tế và bản thân họ cũng không đưa vào ứng dụng mà chỉ để làm đẹp “bộ mặt” hồ sơ.

Sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên chưa thật sự hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng dạy học. 
Sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên chưa thật sự hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng dạy học. 

“Đích đến” của SKKN - kể cả những SKKN có giá trị - là vấn đề đáng bàn. Hầu hết chỉ dừng lại đọc ở tổ, ở trường rồi khóa vào tủ. Nhiều sáng kiến chuyển lên Sở GD-ĐT để chấm loại xong rồi lại xếp vào kho. Đau lòng hơn chính GV còn ví von, sau mùa SKKN, trường học lại có thêm mớ giấy vụn.

TS Hoàng Ngọc Hùng, ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho rằng mỗi năm chúng ta có hàng ngàn SKKN của GV trùm mền nhờ các chiêu như xào, nêm lại của người khác; biến tấu từ các sáng kiến cũ của mình...

Hài kịch nằm ở chỗ: “Sáng kiến mang tính hình thức, cóp của người khác còn phần nào hiểu được nhưng đến kinh nghiệm cũng copy của người khác thì hết nói”, ông Hùng bức bối.

Chưa kể, việc đánh giá SKKN cần có hội đồng khoa học. Trong khi GV lao đầu vào viết SKKN nhưng nhiều trường lại chưa có hội đồng này. Có những trường có hội đồng khoa học lại không đáp ứng được vì những người đánh giá trái ngành, trái chuyên môn. Ở cao hơn là cấp phòng, cấp sở cũng không tránh được tình trạng đó.

Điều này triệt tiêu sự đầu tư nghiêm túc của người thầy khi viết SKKN, họ chọn cách viết cho có, viết đối phó như những “diễn viên tài ba”.

Hình thức, thành tích là một một trong những vấn nạn của giáo dục, điều này càng thể hiện rõ qua việc viết SKKN như hiện nay của GV. Điều này đòi hỏi cần nghiêm túc xem lại việc viết, đánh giá và công nhận SKKN của người thầy. Viết ra sáng kiến để làm gì khi không đưa vào ứng dụng? Không thể để tình trạng vì những sáng kiến lấy điểm mà nhiều người thầy đánh mất tự trọng - họ dùng hình thức để đối phó với bệnh hình thức, thành tích.

Và phải chăng thay vì “đổ đầu” GV viết một cách ồ ạt, chỉ quan tâm đến số lượng như hiện nay thì nên tập trung đến việc nhân rộng, phổ biến những SKKN thật sự hiệu quả và có tính ứng dụng.

Hoài Nam