Bi hài chuyện giáo viên sợ… lên chức

(Dân trí) - Lương giáo viên luôn là vấn đề muôn năm cũ. Nhưng dù vậy, nhiều giáo viên có thêm nỗi lo là sợ được lên chức vì khi lên quản lý thì mất đi nhiều khoản thu nhập giống như “đã nghèo còn gặp cái eo”.

Chuyện thật như đùa được nhiều đại biểu đề cập tại Hội thảo góp ý cho dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục tổ chức tại TPHCM sáng ngày 12/12.

Bà Nguyễn Thị Hương, hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng Anh (Q.5, TPHCM) cho biết, bà rất vui khi dự thảo đã đặt ra việc tăng lương cho giáo viên. Thế nhưng, có một vấn bất cập lâu nay ai cũng thấy là nhiều giáo viên tiêu biểu, giáo viên, quản lý giỏi ở cơ sở khi được chọn lên Phòng, Sở GD-ĐT làm việc thì rất ngại. Vì khi lên chức đồng nghĩa với việc mất phụ cấp thâm niên, thu nhập giảm đi một nửa so với ở cơ sở. Trong khi công việc lại rất nhiều, trách nhiệm nặng nề và bị ràng buộc về thời gian làm việc.

Nhiều giáo viên tránh việc được đề bạt về Phòng, Sở GD-ĐT làm việc vì... thu nhập giảm (Ảnh minh họa)
Nhiều giáo viên "tránh" việc được đề bạt về Phòng, Sở GD-ĐT làm việc vì... thu nhập giảm (Ảnh minh họa)

“Như ở quận 5 chúng tôi, khi được đề bạt lên Phòng GD-ĐT làm việc thì nhiều người từ chối ngay, được lên chức nhưng nhiều thầy cô không vui. Tôi nghĩ, chúng ta nên xem lại chính sách đối với những người quản lý ở Phòng, Sở để họ được hưởng chế độ thâm niên”, bà Hương nói.

Bà Hương cũng góp ý về Dự thảo ở nội dung về trình độ giáo viên mầm non. Hiện nay, nhiều giáo viên mầm non khi ra trường đi làm có trình độ CĐ, ĐH nhưng lại chỉ được xếp hệ số lương trung cấp khởi điểm là 1.86 là bất hợp lý. Điều này dẫn đến các trường công lập rất khó tuyển được giáo viên.

Dẫn chứng cụ thể cho trường hợp không muốn lên chức, ông Bùi Văn Hoàng, hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long (Đồng Nai) thông tin, lãnh đạo ngành từng đề xuất ông làm Trưởng phòng GD-ĐT nhưng ông từ chối. Và nhiều giáo viên giỏi cũng có từ lý từ chối khi được đề xuất lên làm chuyên viên hay lãnh đạo ở phòng.

Ông Hoàng phân tích, khi lên làm quản lý thì không còn chế độ phụ cấp thâm niên, thu nhập giảm đi thấy rõ. Chưa kể, giáo viên có thời gian nghỉ hè, còn chuyên viên ở phòng thì làm việc quanh năm, chỉ hưởng ngày nghỉ phép.

Ông Hoàng đồng tình việc nâng lương cho nhà giáo nhưng cũng đề xuất cần xem lại“khoảng trắng” trong quản lý ngành. Ông đề xuất Luật giáo dục nên định nghĩa lại khái niệm nhà giáo, không chỉ là thầy cô trực tiếp giảng dạy mà cả đội ngũ chuyên viên, quản lý từ phòng trở nên thì mới tránh được việc giáo viên giỏi không muốn lên chức.

Trước đó, trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo TPHCM, ông Phan Văn Quang, Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình cũng đề cập đến việc giáo viên nghe tin được đề bạt lên chức là lo. Nhiều người giỏi điều lên Phòng, Sở làm nhưng từ rồi thu nhập giảm nhiều khi mất các nguồn phụ cấp, thâm niên…

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục của Bộ GD-ĐT sửa đổi 29 điều và bổ sung một điều mới. Hiện dự thảo đang được Bộ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi. Được biết, sau khi ghi nhận ý kiến, Bộ sẽ tiếp thu, chỉnh sửa trước khi trình lên Chính phủ vào đầu năm 2018.

Hoài Nam