Báo Thái Lan: Việt Nam, một quốc gia đang chuyển động

(Dân trí)-Hôm nay, trên tờ <i>The Nation</i> của Thái Lan có bài báo của giáo sư ĐH Mỹ viết rằng một yếu tố lớn đóng góp cho sự thành công về kinh tế của VN trong những năm gần đây là những cam kết của quốc gia này trong sự phát triển giáo dục và nguồn nhân lực.

Hôm nay 19/3, trên mục Opinion (Ý kiến) của tờ The Nation, Giáo sư Gerald W Fry, Khoa Lãnh đạo Tổ chức, Chính sách và Phát triển, Đại học Minnesota (Mỹ) có bài báo tựa đề “Việt Nam, một quốc gia đang chuyển động” viết về giáo dục Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu bài báo:
 
Một yếu tố lớn đóng góp cho sự thành công về kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây là những cam kết của quốc gia này trong sự phát triển giáo dục và nguồn nhân lực. Việt Nam khác với các nước láng giềng ở châu Á bằng nhiều cách.
 
Báo Thái Lan: Việt Nam, một quốc gia đang chuyển động
Học sinh Việt Nam đã đạt được những thành công ấn tượng trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc tế. Trong ảnh: Đoàn học sinh Việt Nam tại buổi khai mạc kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) lần thứ 52 - năm 2011. (Ảnh: Vnmath)
 
Trên thực tế, dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của đạo Khổng, về mặt văn hóa, Việt Nam đôi khi được xếp vào cùng nhóm các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Cũng giống như Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt Nam đã trải qua những cuộc chiến tranh tàn phá nặng nề.

Để hiểu Việt Nam và động lực kinh tế hiện nay cũng như hệ thống giáo dục của quốc gia này, phải hiểu được lịch sử phong phú của dân tộc Việt Nam.

Có 4 yếu tố chính của lịch sử Việt Nam quan trọng để hiểu về đất nước này. Trước hết, Việt Nam trải qua hơn 1.000 năm dưới sự ảnh hưởng trực tiếp của Trung Quốc (thời kỳ Bắc thuộc). Thứ hai, Việt Nam thường xuyên đối mặt với thiên tai như bão, lũ. Điều này khiến Việt Nam phải phát triển những sáng kiến như việc đắp những con đê lớn để bảo vệ Hà Nội trước lũ sông Hồng. Thứ ba, Việt Nam phải đối mặt với nhiều cuộc ngoại xâm. Để đánh bại kẻ xâm lược, Việt Nam đã thể hiện rõ tài khéo léo và trí thông minh của mình. Thứ tư, trung tâm của văn hóa Việt Nam là làng xã, nơi việc dạy và học được đề cao.

Ảnh hưởng đa dạng của quốc tế cũng đã định hình nền giáo dục Việt Nam ngày nay. Trải qua hơn 1.000 năm chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc đã khiến Việt Nam thấm nhuần sâu sắc truyền thống Khổng giáo, trong đó nhấn mạnh lớn đến giá trị của việc học, tôn trọng giáo viên và động cơ học tập mạnh mẽ.

Trong thời thuộc địa Pháp, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng lớn về văn hóa. Hệ thống chữ viết La tinh Việt đã thay thế hệ thống chữ tượng hình lâu đời từ Trung Quốc. Điều này đóng góp đáng kể trong xóa mù chữ cũng như cho sự phát triển của ngành công nghiệp in ấn và xuất bản.

Sau đó, miền Bắc Việt Nam chịu ảnh hưởng của giáo dục Xô Viết. Điều này đóng góp tích cực cho nền giáo dục Việt Nam, chủ yếu ở những lĩnh vực như khoa học, toán học, y học và giảng dạy ngôn ngữ.

Ảnh hưởng giáo dục của Mỹ ở miền Nam Việt Nam cũng lớn, ví dụ, sự phát triển của các trường cao đẳng cộng đồng và sự khuếch trương một loại hình giáo dục và đào tạo mang tính thực tế hơn.

Anh hùng dân tộc, lãnh tụ Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến giáo dục. Trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào việc giáo dục trẻ em. Bác Hồ là một nhà hoạt động quốc tế biết rất nhiều ngôn ngữ.

Đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới (đổi mới kinh tế) được công bố từ năm 1986, từ đó có một sự mở rộng nhanh chóng trong nền giáo dục Việt Nam trong đó có chính sách phổ cập giáo dục tiểu học, tỷ lệ học sinh đi học cấp 2 tăng cao và số học sinh vào đại học ngày càng tăng. Đối với một đất nước ở mức phát triển kinh tế như vậy cùng với dân số trẻ, Việt Nam đã gần đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) trừ một số vùng xa xôi có dân tộc thiểu số.

Để đương đầu với khó khăn trong cung cấp giáo dục cho cộng đồng vùng sâu vùng xa, Việt Nam trả lương cao hơn cho những giáo viên tình nguyện vào giảng dạy tại những vùng này.

Từ năm 1998 - 2008, 198 trường đại học/cao đẳng và cao đẳng cộng đồng mới đã được thành lập trong đó tư nhân được cho phép đóng vai trò lớn hơn trong việc mở rộng này. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, hiện nay có 62 trường đại học. Tỷ lệ xóa mù chữ đạt con số ấn tượng 94%.

Học sinh Việt Nam đã đạt được những thành công ấn tượng trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc tế. Ví dụ, trong kỳ thi Olympic Toán học quốc tế năm 2009, một cô gái Việt Nam người dân tộc Nùng đến từ miền trung nước này đã giành Huy chương Vàng. Trong Olympic Toán quốc tế 2007, Việt Nam đứng thứ ba trong số 93 quốc gia, đưa Việt Nam trở thành một “hiện tượng” trong làng toán quốc tế.

Với lực lượng lao động được đào tạo tốt hơn, Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều bạn bè của tôi là doanh nhân ở các nước Đông Á như Nhật Bản và Hàn Quốc đã bày tỏ sự hài lòng đáng kể với người lao động Việt Nam. Tôi cho rằng, Việt Nam có thể có lực lượng lao động có chất lượng tốt nhất (so với chi phí)  trên thế giới.

Một lực lượng tích cực mạnh mẽ khác là việc quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam, đặc biệt ở cấp đại học, và sự tăng trưởng số lượng người Việt Nam có thể du học nước ngoài.

Mặc dù có những thành công kể trên, Việt Nam vẫn có những tồn tại lớn trong giáo dục, cụ thể là chất lượng trong tất cả các cấp học, một hệ thống quản lý chưa tỏ rõ hiệu quả, các trường đại học không có đầy đủ quyền tự chủ, và giáo viên các trường đại học còn phải làm thêm ngoài giờ để lo cho cuộc sống vì tiền lương thấp (ảnh hưởng xấu đến năng suất nghiên cứu của họ).

Mặc dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam có một tương lai tươi sáng về kinh tế và giáo dục, chủ yếu dựa trên truyền thống Khổng giáo mạnh mẽ được phản ánh trong lý tưởng: tin tưởng rằng việc tự trau dồi thông qua việc thu thập kiến thức một cách có kỷ luật là con đường hoàn thiện con người.

Xuân Vũ
Theo The Nation