Báo động tình trạng xuống cấp đạo đức trong giới trẻ

Đạo đức giới trẻ đang có xu hướng đi xuống, tình trạng vi phạm pháp luật và tâm lý buồn chán ở các em nhiều hơn.

Đó là những thực trạng đã được các chuyên gia chỉ ra tại Hội thảo "Vi phạm pháp luật và đạo đức trong học sinh Thủ đô - Thực trạng và giải pháp" do Thành đoàn Hà Nội tổ chức sáng 30/11.

Giới trẻ đang buồn chán?

Tham luận tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, chia sẻ, một kết quả điều tra năm 2010 cho thấy, sau 5 năm, tình trạng bi quan, chán nản trong thanh niên có chiều hướng tăng lên một cách đáng lo ngại.

Cụ thể, có 73,1% thanh niên từng có cảm giác buồn chán; 27,6% từng "rất buồn," thấy mình vô tích sự đến nỗi làm cho bản thân không muốn hoạt động như bình thường. Có tới 21,3% từng thất vọng hoàn toàn về tương lai và 4,1% nảy sinh ý nghĩ tự tử.

Đặc biệt, xu hướng chung là càng ở nhóm tuổi trẻ hơn thì mức độ và tỷ lệ buồn chán càng cao. Có tới 75% người được hỏi trong độ tuổi 14-17 và 18-21 từng trải qua trạng thái đó, trong khi ở nhóm tuổi 22-25 là hơn 65%.

Trong cuộc khảo sát khác của Phó Giáo sư Tung, trong số trên 2.000 thanh niên tham gia trả lời thì có đến 84,5% cho biết họ “chưa bao giờ” nghĩ đến việc tự tử, nhưng cũng có 10,6% cho biết họ “hiếm khi”, 3,5% “thỉnh thoảng” và 1,4% “thường xuyên hay “rất thường xuyên” nghĩ đến việc tự tử.

Theo ông Tung, thông thường thì tuyệt đại đa số thanh niên sẽ tự mình hoặc với sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường và bạn bè để vượt qua được các trạng thái khủng hoảng “buồn bã,” “chán nản.” Nhưng nếu trong những điều kiện nào đó, tình trạng khủng hoảng nói trên bị tác động theo chiều hướng tăng nặng thì sẽ là nguyên nhân chính làm cho thanh niên rơi vào xu hướng sống buông thả.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, bốn đặc điểm và xu hướng lối sống tiêu cực của thanh niên Việt Nam hiện nay là: buông thả bản thân; hành xử hung bạo, bất chấp pháp luật; ích kỷ, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm và nhiệt tình của tuổi trẻ; sống hời hợt, a dua theo các trào lưu “thời thượng,” tiếp thu xô bồ ảnh hưởng văn minh, văn hóa từ bên ngoài.

Đưa ra một con số cụ thể hơn, Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, cho biết, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn thành phố đã phát hiện, xử lý 968 đối tượng trong lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường vi phạm pháp luật hình sự. Riêng năm 2011 đã phát hiện, xử lý 110 đối tượng, gia tăng so với các năm trước.

Không chỉ tăng về số lượng, mức độ nghiêm trọng của các vụ án cũng tăng lên. Nếu như những năm 2000 trở về trước, lứa tuổi học sinh, sinh viên khi thực hiện các hành vi trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, thường cố ý gây thương tích không nguy hại lớn, thì những năm gần đây tính chất, mức độ của tội phạm lại nguy hiểm hơn, hành vi vi phạm hết sức đa dạng và phức tạp.

Đặc biệt có một bộ phận thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên đã tham gia vào các băng, ổ nhóm tội phạm phạm tội có sử dụng bạo lực với tính chất côn đồ hung hãn; hậu quả hết sức nghiêm trọng.
 
Báo động tình trạng xuống cấp đạo đức trong giới trẻ  - 1
Học sinh nữ đánh nhau là một thực trạng đáng buồn đang gia tăng thời gian gần đây.

Cần bắt đầu từ gia đình

Theo Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Xã hội học, một trong những giải pháp đầu tiên để giảm thiểu những suy nghĩ và hành vi lệch chuẩn của giới trẻ là sự giáo dục từ gia đình.

Cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái trong hơn trong mọi vấn đề, nhất là đạo đức, củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, tạo nên một môi trường thuận lợi cho việc giáo dục xã hội hóa thế hệ trẻ.

"Sự gương mẫu trong cách ứng xử, lối sống, trong làm việc… của cha mẹ chính là phương pháp giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất tới con cái. Những bậc cha mẹ sống với nhau hòa thuận chung thủy và có tình nghĩa với nhau là tấm gương sáng cho con cái noi theo," ông Bình nói.

Đồng quan điểm này, Đại tá Nguyễn Đức Chung cũng cho rằng, nguyên nhân trước hết của những sai phạm trong học sinh là từ phía gia đình.

“Đây là nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu, bởi môi trường sống trong gia đình có tác động đầu tiên và ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình phát triển nhân cách của các em,” ông Chung nhận định.

Theo ông Chung, vai trò của gia đình trong việc quản lý, giáo dục trẻ em, đặc biệt là vai trò của cha mẹ, là hết sức quan trọng. Quản lý và giáo dục của gia đình là một quá trình liên tục và lâu dài, từ khi đứa trẻ sinh ra cho đến khi trưởng thành.

Gia đình nào tạo dựng được môi trường giáo dục tốt, có nề nếp kỷ cương thì dù điều kiện kinh tế có khó khăn nhưng vẫn có cuộc sống hạnh phúc, con cái có lối sống trong sáng, lành mạnh. Ngược lại, môi trường giáo dục trong gia đình không tốt sẽ là nguyên nhân dẫn con cái đến con đường vi phạm pháp luật.

Những sai lầm cha mẹ thường mắc phải là lựa chọn phương pháp quản lý, giáo dục không đúng (chiều chuộng hoặc hành hạ), gia đình thiếu trách nhiệm, không quan tâm trong việc quản lý và giáo dục con cái, ỷ lại cho nhà trường và xã hội.

Một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn; bố mẹ đang chấp hành án phạt tù, mồ côi…, trẻ em thường bị tổn thương về tâm lý do tự ti, mặc cảm, thiếu thốn tình cảm dẫn đến mất phương hướng khi hành động, dễ bị lôi kéo vào những hành vi tiêu cực, phạm tội.

Bên cạnh đó, phát biểu tại hội nghị, các chuyên gia cũng cho rằng, cần thiết lập tốt hơn nữa mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để xây dựng hệ thống phòng ngừa liên hoàn giữa ba môi trường. 

Theo Vietnam+