Bài toán giá trị thực của giáo dục ĐH Mỹ

Sinh viên có tư duy “học để kiếm bằng” nhằm gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Trong bức “tâm thư” huy động góp quỹ đầu tiên trong lịch sử của trường ĐH danh tiếng Harvard, gửi về Anh từ vùng thuộc địa Bắc Mỹ vào năm 1643, người Mỹ đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải tiến hành ngay sau khi an cư lạc nghiệp là “nâng cao và duy trì giáo dục để đi đến thịnh vượng”.

Sự nhiệt huyết đối với giáo dục bậc cao từ rất sớm và kéo dài mãi đến ngày nay đã giúp người Mỹ sở hữu một nền giáo dục bậc cao có quy mô và mức đầu tư bậc nhất thế giới. Không quá bất ngờ khi ngày càng nhiều các quốc gia khác học hỏi mô hình giáo dục của Mỹ, xây lộ trình để ngày một nhiều học sinh tốt nghiệp THPT bước vào môi trường giáo dục ĐH. Nhưng khi giáo dục bậc cao ngày càng được nhân rộng, một vấn đề mới lại được đặt ra là liệu những khoản đầu tư khổng lồ dành cho giáo dục bậc cao có thật sự xứng đáng hay không?

Phương pháp Mỹ

Theo The Economist, tỉ lệ học sinh THPT vào ĐH trên toàn cầu đã tăng từ 14% đến 32% trong vòng hai thập niên, tính đến năm 2012. Trong đó số quốc gia có tỉ lệ trên 50% đã tăng từ vỏn vẹn năm quốc gia lên tới 54 quốc gia. Thậm chí chỉ số tuyển sinh ĐH tăng còn nhanh hơn cả nhu cầu các mặt hàng thiết yếu của con người. Điều này cũng dễ hiểu bởi hiện nay mỗi thanh niên đều mơ ước có một tấm bằng “lận lưng” để sở hữu một công việc với mức thu nhập ổn định.

Bài toán giá trị thực của giáo dục ĐH Mỹ

Có hai cách cơ bản để đáp ứng được nhu cầu khổng lồ này. Thứ nhất là đầu tư ngân sách nhà nước và nguồn tài trợ cân bằng đối với tất cả các trường. Đây là cách tiếp cận phổ biến của nền giáo dục châu Âu. Cách thứ hai mang tính “thị trường” hơn, đó là kết hợp nguồn vốn nhà nước và huy động tài lực tư nhân, đầu tư mạnh hơn vào các trường tốp đầu và giảm đầu tư đối với các trường tuyến dưới. Đây chính là “phương pháp Mỹ”.

Phương pháp thứ hai hiện cũng đang là xu hướng của thế giới. Ngày càng nhiều trường ĐH thu học phí của sinh viên. Và vì một nền kinh tế tri thức đòi hỏi phải có những bộ óc nghiên cứu hàng đầu, các nguồn lực của xã hội đang được các nước huy động tập trung vào một vài viện nghiên cứu xuất sắc nhất và có đặc quyền cao nhất. Cuộc tranh đua xây dựng các trường ĐH đẳng cấp quốc tế đang ngày một khốc liệt.

Đầu tư không “đáng đồng tiền bát gạo”

Rõ ràng các trường ĐH hàng đầu là tác giả của nhiều phát minh lớn góp phần làm cho thế giới trở nên an toàn hơn, giàu có hơn và thú vị hơn. Thế nhưng chi phí cho giáo dục bậc cao lại đang ngày càng tăng. Nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới (OECD) hiện đã dành 1,6% GDP đầu tư cho giáo dục bậc cao. Con số này vào năm 2000 đã là 1,3%. Riêng với một nền kinh tế khổng lồ như Mỹ, con số này chiếm đến 2,7%. Nếu phương pháp của Mỹ tiếp tục mở rộng, mức đóng góp này sẽ còn tăng khủng khiếp hơn nữa.

Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu sự đầu tư này của Mỹ là mang lại những kết quả “đáng đồng tiền bát gạo”. Điều này có vẻ hoàn toàn đúng trên phương diện nghiên cứu. Năm 2014, Mỹ chiếm 19 trên 20 trường ĐH có số tài liệu nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Nhưng về phương diện giáo dục, bức tranh lại không được “tươi sáng” như vậy. Theo The Economist, mức nợ của sinh viên đã đạt gần 1,2 ngàn tỉ USD, vượt qua cả mức nợ thẻ tín dụng và các khoản vay mua ô tô tại Mỹ.

Điều này không có nghĩa rằng học ĐH là sự đầu tư tồi cho sinh viên. Tuy nhiên, người ta đang băn khoăn không biết liệu việc đầu tư ngày một nhiều cho giáo dục ĐH có thật hiệu quả hay không? Nghiên cứu gần đây về hoạt động tuyển dụng của các doanh nghiệp cho thấy các nhà tuyển dụng chọn các sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH hàng đầu không phải bởi tri thức của sinh viên mà do họ tin tưởng vào uy tín của trường ĐH đó. Nói tóm lại, giá trị của khoản tiền khổng lồ mà sinh viên bỏ ra đang không được tính bằng thực học mà chỉ góp phần định danh họ để sàng lọc dễ dàng hơn trên thị trường nhân lực.

Vậy tại sao các trường ĐH ở Mỹ lại trở nên tốn kém đến như vậy? Theo The Economist, nguyên nhân lớn nhất có thể là do thị trường giáo dục bậc cao của Mỹ hiện nay vẫn chưa thực sự hoạt động hiệu quả. Vì chính phủ chỉ đánh giá các trường ĐH dựa trên các công trình nghiên cứu nên có vẻ các giáo sư bắt đầu bỏ quên việc giảng dạy. Trong khi đó, sinh viên lại có tư duy “học để kiếm bằng” nhằm gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Còn nhà tuyển dụng chủ yếu quan tâm đến độ gắt gao trong tuyển sinh và cấp chứng chỉ của trường mà ứng viên theo học. Đây đều là những mục tiêu phi giáo dục.

Theo Ánh Ngọc - Trung Nhân
Pháp luật TPHCM