Bài giải gợi ý đề thi môn Ngữ văn THPT quốc gia 2017

(Dân trí) - 866.000 thí sinh vừa hoàn thành môn thi Ngữ Văn THPT quốc gia 2017. Dưới đây là bài giải gợi ý đề thi môn Ngữ Văn để thí sinh tham khảo.

TS.Trịnh Thu Tuyết – Nguyên giáo viên Ngữ văn – Trường THPT Chu Văn An – Hà Nội nhận định: Từ năm 2017, đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn có sự thay đổi lớn từ cấu trúc, nội dung đến thời gian thi. Không còn một bài thi Ngữ văn thông thường với thời gian làm bài là 180 phút, đề thi năm 2017 chỉ có thời gian làm bài là 120 phút với hai phần là Đọc hiểu và Làm văn. Từng phần của đề thi cũng có sự điều chỉnh để phù hợp với thời gian làm bài.

Thầy giáo Đặng Ngọc Khương đề Văn THPT Quốc gia 2017 khá hay và có khả năng phân loại học sinh. Nội dung kiến thức của đề bám sát với bám sát phương án thi đã được Bộ GD&ĐT công bố trước đó. Cấu trúc đề và biểu điểm cho từng phần không có gì thay đổi.

“Nhìn chung, đề thi Ngữ văn 2017 đáp ứng được yêu cầu của kì thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia. Đối với học sinh khá, giỏi thì đây sẽ là một đề thi hay, là cơ hội để các em thể hiện kiến thức và kỹ năng. Còn đối với những học sinh trung bình thì việc đạt được điểm 5 cũng cũng không quá khó”, thầy Khương đánh giá.


Đề thi môn Ngữ Văn THPT quốc gia 2017

Đề thi môn Ngữ Văn THPT quốc gia 2017

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2. Theo tác giả, thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ.

Câu 3. Nhận xét về hành vi của các nhân vật được nhắc tới trong văn bản

- Đứa bé ba tuổi sẵn sàng chìa con gấu bông của mình cho em bé sơ sinh để dỗ em bé đang khóc.

- Cô gái nhăn mặt cảm nhận được cái đắng ngắt của vị thuốc mà bạn mình đang phải uống.

- Cậu bé Bồ Đào Nha an ủi một cổ động viên người Pháp sau trận chung kết EURO 2016.

Các hành động ấy, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhiều nền văn hoá khác nhau, trong những hoàn cảnh không giống nhau nhưng đều thể hiện sự cảm thông, sẻ chia với những buồn đau, mất mát, những khó khăn của người khác - dẫu cho người ấy là bạn hay là đối thủ của mình. Đó là những hành động đẹp, thể hiện sự thấu cảm và lòng trắc ẩn. Những hành động đẹp làm nên vẻ đẹp nhân cách của con người, vẻ đẹp văn hoá của xã hội.

Câu 4. Học sinh có thể nêu quan điểm riêng của mình về vấn đề (đồng ý hoặc không đồng ý hoặc có bổ sung ...) nhưng cần phải lập luận mạch lạc, thuyết phục.

- Đồng ý với ý kiến trên vì lòng trắc ẩn là tấm lòng thương xót người khác một cách kín đáo, sâu xa. Chỉ có thể yêu thương người khác khi ta thực sự hiểu họ, đồng cảm với họ. Và để làm được điều đó, ta phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, đồng cảm với người khác. Đó chính là sự thấu cảm. Vậy thấu cảm chính là nguồn gốc của lòng trắc ẩn.

- Bổ sung: nhiều khi sự thấu cảm thôi chưa đủ để tạo nên lòng trắc ẩn. Con người cần có tình yêu thương, lòng nhân ái, vị tha. Xã hội cũng cần có sự bao dung và đề cao những giá trị nhân văn. Có như vậy, lòng trắc ẩn, tình yêu thương mới được lan toả trong cộng đồng.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Nghị luận xã hội

* Yêu cầu về hình thức:

+ Học sinh viết đoạn văn với nội dung và dung lượng theo yêu cầu đề bài.

+ Diễn đạt mạch lạc, ngắn gọn, không mắc các lỗi dùng từ, đặt câu, lỗi chính tả.

* Yêu cầu về nội dung:

Học sinh có thể trình bày suy nghĩ riêng của mình về vấn đề cần nghị luận nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

- Giải thích: Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ.

- Khẳng định thấu cảm có ý nghĩa to lớn với cuộc sống con người và xã hội

+ Ý nghĩa với cá nhân người có khả năng thấu cảm: có thể thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ với những tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ của người khác. Qua đó, ta sẽ được mọi người tin cậy, yêu thương. Đó chính là chìa khoá của thành công và hạnh phúc.

+ Ý nghĩa đối với những người xung quanh: Mọi người khi nhận được sự cảm thông, sẻ chia trong những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống sẽ vơi nhẹ nỗi buồn, có thêm động lực để vượt qua những khó khăn, thử thách.

+ Ý nghĩa với xã hội: Tạo dựng một xã hội thực sự nhân văn, tốt đẹp với những mối quan hệ giữa các cá nhân được gắn kết trong sự thấu cảm và tình thương.

- Bình luận mở rộng:

+ Phê phán những biểu hiện của những người chỉ thờ ơ, vô cảm, ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình và không quan tâm đến mọi thứ xung quanh.

+ Muốn rèn luyện lòng thấu cảm, phải luôn sống chân thành, cởi mở, bao dung và vị tha.

=> Tóm lại, mỗi chúng ta cần có lối sống tích cực và xây dựng cho mình những tình cảm tốt đẹp, từ đó có sự thấu cảm trong cuộc sống.

Câu 2:

  1. Hình thức: Bài viết yêu cầu trình bày rõ ràng, sạch đẹp, đúng bố cục 3 phần: mở bài , thân bài, kết bài. Sử dụng các phép liên kết để liên kết các đoạn văn. Nội dung: Triển khai phân tich đoạn thơ theo luận điểm: Những định nghĩa, quan niệm mới mẻ về Đất Nước. Mở bài:

+ Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

+ Vị trí và nội dung đoạn thơ: Nằm ở phần đầu (những cảm nhận chung về Đất Nước), đoạn thơ nói về những định nghĩa mới mẻ về Đất Nước và lí giải nguồn gốc của người Việt.

Thân bài: Chú ý kết hợp phân tích nội dung và nghệ thuật: Nội dung:

+ Đất Nước được cảm nhận gắn liền với không gian:

Không gian riêng: Nơi anh đến trường, nơi em tắm, nơi ta hò hẹn. Không gian chung: Dân ta đoàn tụ Không gian hiện thực: Bờ sông nơi hò hẹn, con đường anh đến trường. Không gian thần thoại: Chim về, Rồng ở, chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc, cá ngư ông móng nước biển khơi…

+ Chiều dài thời gian lịch sử: “ đằng đẵng”, từ thời Lạc Long Quân và Âu Cơ đến nay, thậm chí thế hệ con cháu sau này

+ Lí giải cội nguồn của người dân Việt Nam: Nhắc lại truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ.

+ Ý thức sâu sắc và sứ mệnh của mỗi người dân Việt Nam: “Những ai đã khuất… nhớ ngày giỗ Tổ”.

Nghệ thuật:

+ Cách định nghĩa bằng cách tách từ ngữ để phân tách khái niệm đất nước thành hai thành tố (đất và nước) để soi chiếu đất nước một cách chi tiết, cụ thể sâu sắc để rồi lại tổng hợp lại để có cái nhìn toàn diện về Đất nước.

+ Điệp từ “Đất, Nước, Đất Nước, những ai…”

+ Liệt kê

+ Sử dụng chất liệu văn học dân gian: Truyền thuyết, ca dao tục ngữ…

Nguồn: Hệ thống Giáo dục HOCMAI