Bách khoa ơi, nhớ lắm...

(Dân trí)-Sáng 15/10, về thăm ĐH Bách khoa Hà Nội nhân kỷ niệm 55 năm thành lập trường (1956-2011), trong tôi dâng lên cảm xúc bồi hồi khó tả. Trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống, kỷ niệm ngày xưa nguyên vẹn trở về, đưa tôi về ký ức của những ngày ngồi trên ghế giảng đường ĐH.

Còn nhớ như in ngày đầu nhập học, từ một học sinh phố huyện, tôi bước chân ra thủ đô với tâm thế rằng từ đây mọi thứ sẽ thay đổi. Dù đã sẵn sàng và tinh thần đã lên cao nhưng những bước chân đầu tiên bước qua cổng trường, sự ngỡ ngàng đã thực sự choáng hết tâm trí của tôi. Ngỡ ngàng bởi trường quá rộng, bởi giảng đường sao mà mênh mông thế. Ngỡ ngàng để rồi lo sợ, lo rằng liệu mình có đủ sức để đi hết khuôn viên của trường, liệu rằng mình có đủ lực để học tại ngôi trường nổi tiếng này không. 

Vậy mà đã 10 năm kể từ ngày ấy. 10 năm cũng là một dấu mốc đặc biệt với ngôi trường đã nuôi dưỡng tôi. 10 năm trước, ĐH Bách khoa Hà Nội, nơi “vùng vẫy” của những nam sinh viên, đã thành lập thêm khoa Ngoại ngữ vốn là ngành học thu hút nhiều nữ giới. Tôi, và những người bạn cùng niên khóa - K45, chính là những người đã ghi dấu sự thay đổi này. Những ngày đầu chúng tôi nhập học, hàng trăm con mắt của các nam sinh viên đổ về lớp học, họ lạ lẫm, họ tò mò bởi từ trước đến nay, ĐH Bách khoa Hà Nội làm gì có nhiều nữ sinh đến thế. Nhớ lại, trong tôi, một cảm xúc bồi hồi.

Bách khoa ơi, nhớ lắm... - 1
Trại của khoa Ngoại Ngữ chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Kỷ niệm của 4,5 năm ngồi trên ghế giảng đường của khoa Ngoại ngữ là những tiết học sôi động và đầy năng lượng của cô giáo Diệu Linh. Lối dẫn dắt dí dỏm và thông minh của cô đã giúp tôi cởi bỏ những bỡ ngỡ, những tự ti của một cô gái tỉnh lẻ để hòa nhập với những bộ môn mới lạ. Cô giáo Việt Hà thật sắc sảo trong các tiết dạy dịch, và chính cô là người “đe nẹt” chúng tôi trong các giờ trông thi.

Có một người đã để lại dấu ấn sâu sắc nhất với tôi, dù trong những ngày ngồi trên ghế giảng đường, tôi mơ hồ về bài học mà cô truyền lại cho chúng tôi qua chính hoàn cảnh khó khăn mà cô phải trải qua. Chuyện cô kể về cậu con trai bị bệnh tăng động giảm chú ý, một căn bệnh rất lạ lẫm với chúng tôi thời đó. Cô nói bằng tiếng Anh rằng bé “too active and usually hurt himself” (bé quá năng động và thường tự làm đau mình, như đập đầu vào tường...). Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng trẻ con nghịch ngợm thế là đúng thôi. Nhưng, câu chuyện của cô nối dài bằng đôi mắt ngấn nước, cô kể rằng gia đình cô đã bán tất cả, nhà cửa, đồ đạc để có tiền để chữa bệnh cho bé, và hàng ngày phải đưa bé đến bác sỹ để chữa trị, cô nói rằng cô sẽ làm tất cả để chữa bệnh cho con, và điều quan trọng nhất là phải kiên trì... Đến lúc đó tôi đã phần nào hiểu được rằng đấy là căn bệnh khó chữa và có ảnh hưởng lớn đến một đời người.

Hiểu là như vậy nhưng phải nhiều năm sau, sau khi ra trường và lập gia đình, sinh con, tôi mới thực sự thấm tháp nỗi đau của cô bởi lúc này, sự quan tâm của tôi về những đổi thay của đứa trẻ đã thôi thúc tôi tìm hiểu về bệnh tăng động giảm chú ý. Ký ức về cô ùa về và tôi luôn thầm nghĩ lòng kiên trì sẽ giúp cô và gia đình đạt được kết quả tốt trong cuộc chiến trường kỳ với bệnh tật…

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, 6 năm ra trường, hôm nay, chúng tôi tụ tập về trường, về khoa để kỷ niệm 55 năm thành lập trường và 10 năm thành lập khoa, cùng ôn lại những kỷ niệm xưa cũ. Sự thay đổi lớn nhất mà tôi nhận thấy ở các bạn là đã chững chạc lên rất nhiều, cũng có người thành đạt và cũng có người đang tìm hướng đi riêng cho mình nhưng nhìn trong mắt họ tôi biết, tình cảm của họ dành cho ngôi trường này cũng lớn lao và chất chứa bao kỷ niệm.

Nguyễn Hương
Cựu sinh viên K45, khoa Ngoại Ngữ, ĐH Bách khoa Hà Nội