An toàn trường học: Bất an!

(Dân trí) - Học sinh đánh nhau, sử dụng thuốc ho gây nghiện, bị người lạ dụ dỗ ngay trong trường, chết đuối khi đi học bơi… Ngay trong trường học có không ít nguy cơ thiếu an toàn “rình” học trò.

Nguy hiểm ngay trong trường

Chỉ trong một thời ngắn, tại TPHCM xảy ra hai trường hợp đáng tiếc đối với an toàn của học sinh ngay trong trường học.

Chiều 5/3, lúc đi vệ sinh vào cuối giờ học lúc đang chờ mẹ đến đón, em Nguyễn Huỳnh A.T, học sinh (HS) lớp 5 trường tiểu học Kỳ Đồng, Q.3 gặp một người đàn ông lạ mặt đến tiếp cận và dụ dỗ cho T. ăn kẹo Singum. Theo lời T. kể, ăn xong thì em mơ màng và bị người này đưa đi bằng xem máy. Đến đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.1, T. mới giật mình khi thấy người lạ chở mình đi nên đã nhảy khỏi xe tháo chạy, đến cổng một khách sạn khóc lớn và được hai bảo vệ ở đây giúp đỡ.

Học sinh Trường tiểu học Lưu Hữu Phước, Q.8 xếp hàng chờ phụ huynh đến đón sau giờ học. 
Học sinh Trường tiểu học Lưu Hữu Phước, Q.8 xếp hàng chờ phụ huynh đến đón sau giờ học. 

Khi mẹ em T. đến trường đón nhưng không thấy con, gia đình và nhà trường hoảng hốt tìm em khắp nơi. May mắn là em T. xử lý kịp thời, biết nhờ người giúp đỡ để gọi điện về cho mẹ nên sớm trở về nhà sau khoảng 1,5 tiếng đồng hồ “đi lạc", không xảy ra chuyện đau lòng.

Cái chết của một HS lớp 6 Trường THCS Trần Quang Khải (Q. Tân Phú) ngay trong giờ học bơi mới đây không chỉ là nỗi đau tột cùng của gia đình mà còn gây hoang mang cho nhiều phụ huynh.

Đó chỉ mới là số ít trong sự việc liên quan đến an ninh trường học. Từ đầu năm học đến nay, hàng loạt sự việc liên quan đến an toàn học đường đã xảy ra tại TPHCM.

Vấn đề này được ông Nguyễn Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác Học sinh - Sinh viên (Sở GD-ĐT TPHCM) đề cập tại buổi giao ban công tác HS - SV lần 3 năm học 2013-2014 diễn ra vào ngày 14/3 với nhấn mạnh: An toàn trường học đang phát sinh rất nhiều vấn đề.

Ông Huy liệt kê các dẫn chứng như HS đánh nhau; sử dụng thuốc ho gây nghiện rất nguy hiểm nhưng lại tưởng rằng uống vào sẽ hưng phấn, thông minh hơn; phụ huynh đứng đón con trước cổng trường bị cắt cổ; HS bị bắt cóc và đặc biệt là trường hợp HS chết đuối khi đi học bơi. Chưa kể, với đội ngũ HS ngoại trú, rất khó kiểm soát các em ngoài giờ ở trường, nhiều tệ nạn xuất phát từ đối tượng này.

“Mất bò mới lo làm chuồng”

Ông Nguyễn Khắc Huy cho rằng, công tác an ninh trường học là việc các trường cần phải thực hiện thường xuyên từ tuyên truyền, nhắc nhở HS và kết hợp với lực lượng công an. Đặc biệt, ông nhắc nhở các trường phải chú ý đến công tác rèn luyện kỹ năng, ứng phó với các sự cố cho các em như ứng phó với người lạ, cháy nổ, kỹ năng bảo vệ bản thân. Đồng thời, trong mọi hoạt động, nhà trường phải làm tròn trách nhiệm của mình đối với HS, không thể lơ là.

Không phải đến bây giờ an toàn trường học mới được đề cập. Có nhiều lý do dẫn đến an ninh trường học thiếu an toàn như xã hội ngày càng phức tạp, các em thiếu kỹ năng sống, nhà trường chưa làm tròn trách nhiệm… Và trong đó, dường như còn có phần của cách quản lý theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.

Học sinh Trường tiểu học Lê Quý Đôn, Q.7 trong giờ học bơi. 
Học sinh Trường tiểu học Lê Quý Đôn, Q.7 trong giờ học bơi. 

Ngay sau khi HS của trường bị bắt cóc và may mắn trở về an toàn, trường Tiểu học Kỳ Đồng tức tốc tổ chức sinh hoạt kể lại sự việc trên với toàn thể HS và nhắc nhở các em không đi theo người lạ. Đồng thời, tăng cường thêm lực lượng bảo mẫu có mặt tại các lớp vào giờ tan trường mỗi ngày.

Trong khi công việc này, đặc biệt là đối với HS bậc tiểu học, mầm non phải được nhắc nhở, cảnh báo thường xuyên.

Thật đau lòng khi phải nói rằng, tính mạng của một em HS đã tạo tiền đề ra đời cho văn bản chấn chỉnh hoạt động dạy bơi ở trường học mới đây của Sở GD-ĐT TPHCM. Nhiều nội dung đảm bảo toan toàn cho các em giờ mới được đề cập như học sinh mới bơi lần đầu các em phải được trang bị áo phao, mỗi GV giám sát một HS…

Đãng lẽ, khi đưa môn học này vào, từ những khó khăn thực tế của các các trường, những yêu cầu đảm bảo an toàn cho các em đã phải được thực hiện nghiêm ngặt ngay từ đầu. Còn giờ chúng ta vẫn đang trong tình trạng chờ đợi, cứ xảy ra việc gì đó rồi mới vội vã tìm cách khắc phục. Vậy ai dám đảm bảo sẽ không còn những trường hợp đáng tiếc xảy ra với HS mà lẽ ra có thể phòng tránh?

Hoài Nam