An Giang, Đồng Tháp: Hơn 1.100 học sinh tạm nghỉ học do lũ

(Dân trí) - Tính đến hôm nay 26/9, tổng số học sinh phải tạm nghỉ học do nước lũ dâng cao ở An Giang và Đồng Tháp là 1.143 học sinh. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp có tới 1.063 học sinh phải tạm nghỉ học do lũ.

Tại tỉnh Đồng Tháp, do mấy ngày qua mưa liên tục nên nước lũ tiếp tục dâng cao ở một số huyện, thị trấn đầu nguồn. Báo động nhất là ở thị trấn Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) làm 1.063 em học sinh (HS) ở các trường như Trường tiểu học Bình Thạnh, Trường tiểu học Tân Hội I, … phải tạm nghỉ học.

Cụ thể tại Trường tiểu học Bình Thạnh, tuyến đường dài hơn 1km dẫn vào trường đã bị ngập sâu. Có đoạn ngập sâu hơn nửa mét. Nên từ chiều 21/9, Ban giám hiệu trường đã cho 476 em học sinh từ khối 1 đến khối 5 tạm nghỉ học.

Tương tự như Trường tiểu học Bình Thạnh, xung quanh và đường đi vào Trường tiểu học Tân Hội I (có 198 HS) và Trường tiểu học Tân Hội (có 295 HS) đều ngập nước. Trước tình thế nước lũ bủa vây, ban giám hiệu hai trường đã cho các em tạm nghỉ học.

Thầy giáo Lê Văn Trung - Phó phòng giáo dục thị xã Hồng Ngự cho biết các điểm trường ở Tân Hội ngập lũ là do đê bao bảo vệ lúa và khu dân cư bị vỡ vào ngày 23/9 nên trường bị ngập rất nhanh, phía trước sân và đường đi ngập sâu hơn 50cm. 


An Giang, Đồng Tháp: Hơn 1.100 học sinh tạm nghỉ học do lũ - 1

Xung quanh trường học chỉ là biển nước nên để đảm bảo an toàn cho các em một số trường đã cho các hoc sinh tạm nghỉ học.

Ngoài ra, ông Trung còn cho biết: Riêng điểm trường THCS Tân Hội, mặc dù vẫn còn HS tới lớp nhưng cũng sẽ phải nghỉ học trong nay mai vì phía trước sân trường và những đoạn đường quanh trường đều đang ngập. Để đảm bảo chương trình năm học, trường dự kiến sẽ cho dạy bù thứ 7 sau khi trở lại học.

Hiện tại các trường cũng đã phân công các giáo viên trực 24/24h, bảo quản tài sản bàn ghế cũng như thiết bị giảng dạy đồng thời triển khai kế hoạch dạy bù để đảm bảo chương trình học của các em. Tuy nhiên vấn đề lo lắng hiện nay là công tác huy động HS ra lớp, nhất là khối đầu cấp khi việc học của các em bị gián đoạn.

Phòng GD-ĐT thị xã Hồng Ngự cho biết các huyện đầu nguồn khác như Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình vẫn chưa có báo cáo tình hình các điểm trường nghỉ học do lũ.

Tại tỉnh An Giang, nước lũ tiếp tục tăng cao ở các huyện đầu nguồn như Tân Châu, An Phú. Do đó sáng nay chủ tịch UBND tỉnh An Giang vừa ký công bố trình trạng lũ khẩn cấp trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 26/9.

Cụ thể ngày 26/9 tại Tân Châu là 4,55m, tại Châu Đốc là 3,86m; dự báo ngày 27/9 tại Tân Châu là 4,7m và tại Châu Đốc là 4 m, cùng diễn biến áp thấp và bão số 4 đã hình thành tại biển Đông, với lượng mưa gia tăng từ thượng nguồn và ĐBSCL.

Theo ghi nhận của PV Dân trí tại hai huyện đầu Tân Châu, An Phú nước lũ lên nhanh làm ngập nhiều tuyến đường dẫn đến các trường học, nhưng do địa phương tổ chức tốt việc đưa rước học sinh đến trường nên việc đi lại và học hành của các em vẫn diễn ra bình thường.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thanh Bình - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang cho biết: “Hàng ngày có trên 2.000 HS được các phương tiện tàu ghe đưa đón đến lớp an toàn. Và tính đến chiều hôm nay An Giang chỉ mới có 2 điểm phụ của một trường mẫu giáo ở xã Phú Hội, huyện An Phú là cho 80 HS tạm nghỉ học do nước lũ làm ngập trường. Ngoài ra Sở chưa nhận một công văn nào của các trường từ tiểu học đến THPT gởi về xin cho HS nghỉ học do lũ”.
 

Ngừng hoạt động ngoại khóa trong thời gian bão lũ

Ngày 26/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có công điện gửi các Sở Giáo GD-ĐT các tỉnh, thành phố; các trường ĐH, CĐ thuộc các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long về phòng chống bão lũ.

Trước diễn biến phức tạp và bất thường của cơn bão số 4 (HAITANG), Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức bộ phận trực ban, huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra; thực hiện nghiêm túc công tác trực ban, huy động các nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ; liên hệ và phối hợp chặt chẽ với ban phòng chống lụt bão địa phương sẵn sàng phối hợp để ứng phó với các tình huống thiên tai; theo dõi sát diễn biến của bão, lũ để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất của đơn vị để có biện pháp phòng tránh có hiệu quả, đặc biệt là các công trình đang thi công dở dang, các công trình trọng yếu, các công trình có độ an toàn thấp, chú trọng đến các phòng thí nghiệm, phòng máy vi tính, thư viện, phòng học bộ môn, các xưởng thực hành; có biện pháp sơ tán ngay các trang thiết bị dạy học, các kho sách đến những nơi an toàn, tránh ngập nước.

  

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, đề nghị các đơn vị ngừng các hoạt động ngoại khóa trong thời gian bão, lũ diễn ra. Đặc biệt đối với các vùng có nhiều sông suối, địa bàn phức tạp có nguy cơ lũ và sạt lở đất cao cần theo dõi sát diễn biến thời tiết để cho học sinh nghỉ học nhằm tránh những rủi ro cho học sinh khi đến trường. Đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn có phương án làm vệ sinh môi trường khi bão, lũ hết nhằm nhanh nhất đưa cơ sở giáo dục trở lại hoạt động bình thường và có phương án bố trí thời gian học bù cho các cơ sở phải nghỉ học do bão, lũ gây ra.

Hồng Hạnh

Ngô Nguyễn