TPHCM:

Âm ỉ “làn sóng” chạy trường

Đến hẹn lại lên, đầu tháng 6, phụ huynh bắt đầu nhốn nháo chạy trường cho con. Ai cũng muốn tìm chỗ học thuận tiện, “ngon lành” cho con mà chưa lường hết những hệ lụy kéo theo.

Tiện đưa rước

Anh Ng. nhà ở quận Thủ Đức, làm việc ở quận 3, còn vợ anh thì làm ở quận 10. Năm nay, con trai anh đến tuổi vào lớp 1. Ngay từ tháng 4, vợ chồng anh đã huy động hết tất cả mối quan hệ và đặt vấn đề không ngại chi để con anh được học một trường tiểu học ở quận 3 hay quận 10 để anh chị tiện việc đưa rước nhưng không có kết quả. Anh chị cũng chưa biết tính toán như thế nào vì nếu học ở Thủ Đức thì không ai đưa rước cháu, học ở các quận khác thì không được vì các trường không nhận trái tuyến.

Anh Ng. bức xúc: “Học trường nào cũng được, tôi không nề hà. Cái chính tôi muốn cháu học ở quận 3 hoặc 10 chỉ để tiện việc đưa rước con. Quy định cứng nhắc của ngành giáo dục đã đưa tôi vào thế bí! Ngành giáo dục nên dành một khoảng % nhất định để giải quyết cho những trường hợp đặc biệt”.

Anh Nguyễn Văn Cường, tài xế taxi, đang dở khóc dở mếu vì anh có hộ khẩu thường trú ở quận 11, do điều kiện kinh tế khó khăn vợ chồng anh bán nhà sang sinh sống ở quận 12, con anh đang học lớp 5 phải gửi nhờ chú trông giúp. Nay cháu lên lớp 6, phải theo ba mẹ nhưng do anh chưa cắt hộ khẩu ở quận 11 và cũng chưa có hộ khẩu mới ở quận 12. Nếu xét đúng tuyến thì cháu phải học tiếp lớp 6 ở quận 11 nhưng người chú không chịu nhận nuôi. Vợ chồng anh Cường đang vất vả “chạy” cho cháu vào một trường THCS ở quận 12 để thuận lợi chuyện học hành của con.

Tìm chỗ tốt

Khác với anh Ng., anh Cường, chị Kim Ngân thường trú ở đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 8, quận Phú Nhuận có đứa con gái học xong lớp 5 ở trường tiểu học Khởi Nghĩa, học lực được xếp loại giỏi. Năm nay lên lớp 6, con chị được phân tuyến về trường THCS Ngô Tất Tố nhưng chị Ngân vẫn tìm cách “chạy” cho con vào trường THCS Cầu Kiệu. Chị lý giải: Trường Cầu Kiệu xưa nay nổi tiếng dạy tốt, học tốt với đội ngũ giáo viên dạy giỏi. Trước khi có chủ trương bỏ thi tốt nghiệp THCS, trường luôn có tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Con gái chị hơn điểm tuyển sinh của trường 1,25 điểm nên chị nhờ một giáo viên trong trường “giúp đỡ”. Nếu được thì học, không thì đành học Ngô Tất Tố.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, ngụ quận 1, nhìn thẳng vấn đề: “Đối với phụ huynh chúng tôi, chạy trường để tìm một chỗ học tốt cho con không có gì là xấu cả”.

Chị cho biết cách đây 17 năm, từ Bắc vào chị cũng đã chạy trường cho con rồi. Giờ con gái chị đã tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, đi làm lương 20 triệu đồng/tháng. Con trai chị đang học lớp 12 tại một trường THPT ở quận 3 cũng trải qua lộ trình y như chị của cậu.

Chị Hạnh kết luận, việc các cháu học giỏi, cha mẹ tìm một ngôi trường tốt với đội ngũ thầy cô giáo giỏi là một nhu cầu thụ hưởng nền giáo dục tốt. Vấn đề là ngành giáo dục phải xây dựng được nhiều ngôi trường uy tín, chất lượng để phụ huynh an tâm.

Giỏi được ưu tiên

Năm nay, Phòng Giáo dục quận Tân Bình và Tân Phú có xét tuyển theo nguyện vọng, tức là học sinh giỏi được nộp đơn xin xét tuyển vào bất kỳ trường THCS nào trên địa bàn quận. Nếu học sinh nào không có nhu cầu, phòng Giáo dục sẽ phân bổ vào lớp 6 theo nguyên tắc gần trường tiểu học mà học sinh đó đã học. Việc một số phòng giáo dục thực hiện chủ trương cho trường dành 20% chỉ tiêu để xét tuyển theo nguyện vọng đã giúp phụ huynh “giải tỏa” được nhu cầu có con học giỏi chọn trường giỏi, giảm bớt “uất ức”.

Bà Hoàng Thị Hồng Hải - Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Phú cho biết: “Mấy năm qua, Tân Phú luôn dành cho học sinh giỏi quyền được chọn trường tốt để học. Tân Phú không để học sinh giỏi nào mất cơ hội, còn dạng học sinh không đủ điểm, được gửi gắm ngành chỉ đạo các trường kiên quyết không nhận. Danh sách học sinh trúng tuyển vào trường luôn được công khai”.

Ông Nguyễn Văn Ngai - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: Hiện tượng phụ huynh chạy trường cho con là có thật, là một nhu cầu từ nhiều năm nay. Nói đến Phú Nhuận là phụ huynh nào cũng muốn cho con vào trường THCS Cầu Kiệu, Gò Vấp là THCS Nguyễn Du, quận 10 là THCS Nguyễn Văn Tố, quận 5 là THCS Hồng Bàng. Việc tuyển sinh các lớp đầu cấp, ngành giáo dục giao cho UBND các quận, huyện tùy tình hình điều kiện cơ sở vật chất, địa phương phối hợp với phòng giáo dục phân bổ chỉ tiêu và phương thức tuyển miễn sao không trái với quy chế tuyển chung của TP.
 
Sở cũng lưu ý phương thức tuyển phải được tính toán kỹ nhằm bảo đảm sự công bằng cho mọi học sinh. Để tạo sự yên tâm cho phụ huynh, các trường cần công khai phương thức tuyển sinh và thông báo kịp thời cho phụ huynh. Còn việc các trường có tiêu cực trong tuyển sinh, lãnh đạo ngành sẽ xử lý triệt để khi có tố cáo.
 

Từ năm 2004 đã bỏ tên gọi trường “trọng điểm chất lượng cao”

Trường trọng điểm chất lượng cao được ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên... Tuy nhiên theo lãnh đạo ngành giáo dục, việc công nhận trường trọng điểm chất lượng cao đã gây ra một số bất bình trong phụ huynh như tự thu các mức thu “chất lượng cao” cao hơn so với quy định, chưa kể đến áp lực “chạy trường”.

 

Theo ông Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, từ năm học 2004-2005, ngành giáo dục đã xóa tên gọi “trọng điểm chất lượng cao”. Chủ trương của ngành là nâng cao chất lượng giáo dục giữa các trường trong quận đồng đều bằng cách luân chuyển giáo viên giỏi từ những trường có tiếng sang các trường khác và ngược lại. TP vẫn đang chú trọng đầu tư giáo dục cho các quận, huyện ngoại thành về cơ sở vật chất cũng như nguồn giáo viên để rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa nội thành và ngoại thành.

 
 
Theo Quốc Việt
Pháp Luật TPHCM