Tạm ngừng tuyển sinh hai trường ĐH:

Ai sẽ đảm bảo quyền lợi của thí sinh?

(Dân trí) - Đưa ra quyết định tạm ngừng tuyển sinh khi các trường đã công bố điểm thi, trong khi đó thí sinh không thể điều chỉnh nguyện vọng trong hồ sơ ĐKDT. Cách làm “trái khoáy” của Bộ khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Ai sẽ đảm quyền bảo lợi của thí sinh?

Chấn chỉnh hay bộc lộ yếu kém?

Ngày 5/8/2010, Bộ GD-ĐT quyết định tạm ngừng tuyển sinh năm 2010 đối với ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh) và ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) với lý do có nhiều sai phạm.

Theo đó, Trường ĐH Công nghệ Đông Á được thành lập từ cuối năm 2008 theo quyết định của Thủ tướng, hơn một tháng sau Hội đồng quản trị của trường được Bộ GD-ĐT công nhận. Năm 2009, trường bắt đầu tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được Quy chế tổ chức và hoạt động. Hội đồng quản trị mất đoàn kết, ảnh hưởng đến uy tín của ngành, địa phương và nhà trường.

Còn đối với Trường ĐH Phan Châu Trinh thì vào năm 2007 đã tuyển sinh khi chưa được sự đồng ý của Bộ, có nhiều sai sót trong khâu ra đề, chấm thi, xét tuyển; tự ý tăng điểm giãn cách giữa các khu vực ưu tiên không đúng quy định; một số ngành xét tuyển thí sinh không đúng khối thi vào học. Sau hơn 2 năm thành lập, hiện trường chưa có Hội đồng cổ đông, không họp Hội đồng quản trị, chưa có Ban kiểm soát...

Nhìn những lý do mà Bộ GD-ĐT đưa ra khi quyết định tạm ngừng tuyển sinh năm 2010 đối với hai trường này chắc hẳn ai cũng đồng tình. Thế nhưng nếu nhìn vào thực tế, khách quan hơn thì vẫn có nhiều điều đáng bàn.

Nếu như những sai phạm của Trường ĐH Công nghệ Đông Á diễn ra trong thời gian khá ngắn, thì với Trường ĐH Phan Châu Trinh, với mốc thời gian sai phạm ngay từ mùa tuyển sinh khóa I diễn ra từ năm 2007 nhưng đến tận năm 2010 Bộ GD-ĐT mới quyết định xử lý. Dư luận đạt ra câu hỏi: Gần 3 năm qua Bộ GD-ĐT đã giám sát Trường ĐH Phan Châu Trinh, một ngôi trường mới thành lập như thế nào?!

Không những thế, theo quy định thì sau khi kết thúc tuyển sinh các trường phải báo cáo với Bộ GD-ĐT về số lượng thí sinh trúng tuyển thực tế, dữ liệu những thí sinh trúng tuyển… Với yêu cầu khắt khe như vậy nhưng Trường ĐH Phan Châu Trinh vẫn “vượt mặt” để rồi vẫn ung dung được Bộ phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh năm 2008, 2009 và thậm chí là năm 2010.

Ai sẽ đảm bảo quyền bảo lợi của thí sinh?

Vào cuối tháng 10/2009, nhằm chấn chỉnh tình trạng giáo dục ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị các trường ĐH, CĐ phải thực hiện “3 công khai”. Theo đó, Bộ sẽ kiểm tra thực tế tại một số trường trước ngày 15/1/2010 và trường nào không thực hiện nghiêm túc “3 công khai” sẽ không được tuyển sinh trong năm 2010.

Tuy nhiên, đến hết ngày 31/1/2010 mới chỉ có 34% trong tổng số các trường báo cáo đầy đủ nội dung. Mặc dù còn gần 70% số các trường còn lại không thực hiện đúng theo đề nghị của Bộ GD-ĐT nhưng rồi cũng chẳng có đơn vị đào tạo nào bị tạm dừng tuyển sinh. Sau đó, Bộ GD-ĐT “chữa cháy” bằng cách yêu cầu: “Chậm nhất là 15/4/2010 phải công khai. Bộ sẽ có công văn gửi tới từng trường THPT danh sách những trường chưa công khai tài chính và đề nghị học sinh thận trọng khi thi vào các trường này”.

Sở dĩ chúng tôi đề cập đến các mốc thời gian trên bởi lẽ, mùa tuyển sinh năm 2010 Bộ GD-ĐT đã tăng cường khâu giám sát hơn rất nhiều so với các năm trước nhưng chẳng hiểu sao những sai phạm của Trường ĐH Công nghệ Đông Á và ĐH Phan Châu Trinh không được sớm phát hiện?

Khi đưa ra quyết định tạm dừng tuyển sinh đối với hai trường trên vào thời điểm đã có kết quả thi thì Bộ GD-ĐT chỉ tính đến phương án giải quyết ổn thỏa đối với những sinh viên đang học tập nhưng lại “bỏ rơi” quyền lợi của những thí sinh đăng ký NV1 vào hai trường này năm nay.

Trong buổi làm việc với trường ĐH Phan Châu Trinh lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, đối với các thí sinh đăng ký NV1 được xét tuyển vào ĐH Phan Châu Trinh năm 2010, sẽ được tạo điều kiện để được đăng ký xét tuyển ở các trường khác. Tuy nhiên việc tạo điều kiện như thế nào thì Bộ GD-ĐT lại bỏ ngỏ.

Theo quy chế tuyển sinh thì đối với những trường không tổ chức thi nhưng nếu thí sinh muốn đăng ký NV1 thì có thể dự thi nhờ ở một trường có tổ chức thi. Với việc bị tạm dừng tuyển sinh năm 2010 thì toàn bộ thí sinh đăng ký NV1 vào trường ĐH Phan Châu Trinh, ĐH Công nghệ Đông Á sẽ không còn giá trị. Các thí sinh này chỉ còn cơ hội nhận giấy chứng nhận điểm thi số 1 và số 2 để tham gia xét tuyển NV2 hoặc NV3 với điều kiện đạt mức điểm sàn ĐH, CĐ.

Theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh, nếu Bộ GD-ĐT điều chỉnh NV1 cho những thí sinh này thì coi như đã tự mình phá vỡ quy luật tuyển sinh. Vì theo quy định thì sau khi kì thi diễn ra không được phép điều chỉnh bất kì thông tin nào trên hồ sơ gốc và dữ liệu tuyển sinh.

Nếu thực hiện đúng theo quy chế thì  rõ ràng những thí sinh đầu đơn NV1 vào hai trường trên bị thiệt thòi so với các thí sinh khác. Không những thế ngay cả việc nhận giấy chứng nhận điểm thi thì những thí sinh này cũng gặp không ít khó khăn bởi khi nhận quyết định tạm dừng tuyển sinh thì Hội đồng tuyển sinh nhà trường sẽ khó có thể hoạt động tiếp. Trong khi đó theo quy định của Bộ GD-ĐT thì các trường có tổ chức thi sẽ trả giấy chứng nhận điểm thi cho các trường này.

Nguyễn Hùng