Ai lắng nghe phụ huynh nghèo?

Năm học 2010-2011, tổng kinh phí đóng góp của ban đại diện (BĐD) cha mẹ học sinh toàn TPHCM là hơn 200 tỉ đồng, tương đương 5,4% so với tổng ngân sách đầu tư cho giáo dục của thành phố (3.700 tỉ đồng).

Nhiều trường huy động được trên dưới 1 tỉ đồng như THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Nguyễn Khuyến, THPT Hùng Vương, THPT Marie Curie... Phòng GD-ĐT quận Tân Bình huy động 14,7 tỉ đồng, Gò Vấp 14,2 tỉ đồng, Bình Thạnh 10,5 tỉ đồng... vào quỹ BĐD cha mẹ học sinh. Những con số thống kê đó được đưa ra trong hội nghị BĐD cha mẹ học sinh năm học 2011-2012 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 18/9.

Thực tế, thời gian qua BĐD cha mẹ học sinh nhiều trường đã thực hiện cho các trường rất nhiều công trình... Ngoài ra còn có những đóng góp đôi khi không thể hiện qua báo cáo thu, chi. Thiếu những đóng góp đó, nói như một hiệu trưởng trường tiểu học ở Q.4, “nhà trường như bó chân bó tay, muốn làm mà không đủ sức”. Đó là sức mạnh của xã hội hóa giáo dục.

Để có những con số ấn tượng và những công trình như trên, đòi hỏi những người được bầu vào BĐD cha mẹ học sinh phải thật sự là những người có năng lực, có khả năng tài chính vững vàng và phải có “nghệ thuật”.

Họ không chỉ hô hào mà phải đóng góp đầu tiên, đóng góp nhiều hơn và bỏ ra nhiều công sức hơn để có được sự đồng tình chung. Do vậy, không tránh khỏi mâu thuẫn giữa những người có tài chính khá vững và những phụ huynh nghèo khó, còn chạy ăn từng bữa, khi mà 600.000 đồng để lắp máy chiếu hay máy lạnh đối với họ là một số tiền quá sức. Họ có thể không đóng vì nguyên tắc của quỹ phụ huynh là tự nguyện.

Chúng tôi từng chứng kiến một vị trưởng hội phụ huynh tuyên bố: “Chúng tôi lắp máy lạnh cũng vì sức khỏe của con em các anh chị. Nếu ai cảm thấy con mình không đóng tiền mà vẫn học ké được thì tùy, chúng tôi sẵn sàng bù tiền vào”.

Cái tâm lý sợ số đông, sợ lạc loài đã khiến không ít phụ huynh phải cắn răng đóng quỹ. Nói là “tự nguyện” nhưng muốn mau chóng hoàn thành chỉ tiêu đề ra, nhiều BĐD đã chia tiền theo kiểu bình quân và thông báo hạn đóng tiền khiến có phụ huynh trốn họp, né cô giáo chủ nhiệm suốt thời gian dài.

Và còn những hệ lụy khác khi những đứa trẻ đến trường cảm thấy tự hào vì ba mẹ mình luôn được tuyên dương là mạnh thường quân, còn những đứa trẻ khác xấu hổ vì ba mẹ mình không có tên trong danh sách phụ huynh đã năng nổ đóng góp được dán đầy đủ trên bảng thông báo ở sân trường. Việc báo công, khen thưởng những BĐD mạnh vô hình trung bắt đầu thấp thoáng bóng dáng của bệnh thành tích...

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn đề nghị: “BĐD cần hết sức quan tâm, lắng nghe ý kiến từng phụ huynh, tránh áp đặt, bỏ qua những bức xúc của phụ huynh”. Song song đó, cơ quan chức năng cũng cần giám sát chặt hơn, xử lý tiêu cực trong thu, chi, quản lý quỹ phụ huynh để hai chữ “tự nguyện” trở về đúng với ý nghĩa đáng trân trọng của nó.

Theo Lưu Trang
Tuổi Trẻ