6 nỗi khổ khi thực hiện phân ban thí điểm

(Dân trí) - Sáng nay 26/4, tại diễn đàn Hội nghị hiệu trưởng các trường THPT khu vực phía Bắc, vấn đề phân ban thí điểm làm “nóng” các cuộc thảo luận. Đại diện các trường thực sự lo lắng sau khi nghe một hiệu trưởng “bộc bạch” 6 “nỗi khổ” của trường khi triển khai thí điểm chương trình.

Vị hiệu trưởng đó là ông Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), một trong 47 trường thực hiện phân ban thí điểm.

 

1. Mời phụ huynh học sinh đến để chiêu sinh

 

Trong tuyển sinh và phân ban cho học sinh, ông Đại cho biết: Khi học sinh lớp 9 đăng ký tuyển sinh vào lớp 10 chưa hiểu hết về đặc trưng và yêu cầu của các ban, rất ảo tưởng, đồng thời chưa đánh giá đúng về năng lực và năng khiếu của mình, định hướng ngành nghề chưa rõ vì thế thường đăng ký ban theo cảm tính và theo sự chỉ đạo của bố mẹ dẫn đến tình trạng chênh lệch quá lớn về số học sinh giữa các ban.

 

Để tránh cảm tính của phụ huynh khi chọn ban cho con, nhà trường đã phải mời phụ huynh và học sinh đến giới thiệu về chương trình phân ban. Sau đó, trường đưa ra biện pháp xếp ban cho học sinh dựa trên kết quả học tập ở THCS.

 

2. Giáo viên thừa “ảo”

 

Khi thực hiện phân ban dẫn đến tình trạng số tiết dạy từng môn thay đổi. Trong năm đầu tiên thực hiện chương trình phân ban thì chỉ lớp 10 theo chương trình thí điểm, còn lớp 11 và 12 thực hiện theo chương trình cũ làm cho số tiết dạy của từng môn tăng hoặc giảm ảo từng học kỳ. Việc phân công ai dạy phân ban, dạy mấy ban, ai không dạy phân ban và làm thế nào để giảm số bài soạn mới, đó là câu hỏi lớn.

 

Bên cạnh đó, việc sắp xếp thời khoá biểu với 30 tiết/tuần, các trường học ngày 2 ca cũng gặp khó khăn nên trường không thể bố trí các cuộc họp và sinh hoạt chuyên môn đoàn thể. Đối với môn Tin học thì mỗi trường chỉ có một phòng máy vì vậy phải xếp như thế nào thì các lớp mới không bị trùng giờ.

 

Với những khó khăn trên, Ban giám hiệu nhà trường đã phải lên phương án tính số tiết của mỗi môn học cả năm cho mỗi giáo viên. Ưu tiên những giáo viên tham gia dạy phân ban. Những giáo viên sắp đến tuổi nghỉ hưu được phân dạy các lớp theo chương trình cũ.

Với những giáo viên giảm giờ do phân ban thì sẽ phân làm chủ nhiệm, dạy giáo dục hướng nghiệp để vẫn đảm bảo số tiết/ tuần như quy định.

 

3. Dạy tự chọn - đánh đố nhà trường

 

Dạy tự chọn, đây là hoạt động mới mà cả thầy lẫn học sinh đều bỡ ngỡ và cán bộ quản lý lúng túng trong việc tổ chức thực hiện. Năm vừa qua, trường THPT Nguyễn Gia Thiều tuyển sinh được 570 học sinh. Sau khi sắp xếp lớp, nhà trường yêu cầu học sinh đăng ký môn học tự chọn thì 60% học sinh chọn môn thể dục vì học môn này kiểu gì cũng đỗ, còn với các môn khác như toán, lý, hoá... thì kiếm điểm cao rất khó (điểm môn tự chọn cũng được tính như môn học bình thường) nên đa số học sinh né.

 

Theo lý thuyết thì nhà trường phải có đủ 55 phòng học mới đáp ứng được học môn tự chọn, trong khi đó nhà trường chỉ có hơn 20 lớp. Riêng môn Toán tự chọn mà Bộ đưa ra thì có 18 chủ đề/năm học. Với kiến thức trong môn tự chọn đó quá nặng và nhiều nên mỗi năm nhà trường chỉ dạy được 2 chủ đề. Hơn nữa, số tiết dạy tự chọn không thể chia đều cho giáo viên nên nhà trường đã phải bố trí tiết dạy để giáo viên không thể “ngồi chơi xơi nước” là trong buổi dạy tự chọn.

 

4. Giáo dục ngoài giờ - trường luôn bị khống chế

 

Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và giáo dục hướng nghiệp là hoạt động chiếm thời lượng không nhỏ trong chương trình nhưng lại chưa có giáo viên chuyên trách và không hề đánh giá cho điểm đối với học sinh. Các giáo viên được giao tổ chức thực hiện 2 hoạt động này thường kêu ca vì không được đào tạo, không biết gì về lĩnh vực đó.

 

Ví dụ: Về chuyên đề giới tính, giao thông, ma tuý... thì nhà trường phải mời các nhà chuyên môn bên ngoài vào nói chuyện với học sinh. Hơn nữa, các hoạt động này lại cần có phòng riêng, có âm thanh loa đài để thực hiện nhưng không được ảnh hưởng đến việc học của các khối lớp khác. Muốn thực hiện tốt và thường xuyên phải có đầu tư kinh phí nhưng nguồn kinh phí nhà trường hạn hẹp và bị khống chế.

 

5. Cơ sở vật chất - thiếu hàng loạt

 

Để thực hiện tốt chương trình phân ban, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phải được tăng cường nhưng kinh phí nhà trường có hạn vì cùng một lúc mua sắm nhiều thì không có và không biết tìm nguồn kinh phí ở đâu?

 

Ví dụ: Giờ tin học, tối thiểu 2 học sinh phải có một máy tính; học ngoại ngữ thì phải có radio casstte để học sinh nghe băng... Nhà trường đành phải vận động các cơ quan, đơn vị, cha mẹ học sinh, tập thể học sinh cũ tặng quà bằng hiện vật là các trang thiết bị phục vụ cho dạy và học trong nhà trường.

 

6. Giáo viên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình

 

Khi thực hiện chương trình lớp 10 phân ban, giáo viên gặp khó khăn rất nhiều vì chương trình thay đổi về nội dung, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá học sinh, yêu cầu sử dụng đồ dùng dạy học. Trong khi đó các lớp tập huấn do Bộ và Sở tổ chức thường hạn chế về thời gian, giới hạn thành phần tham dự, khó có thể tiến hành thường xuyên. Hơn nữa, nội dung tập huấn thường là những vấn đề lớn chính vì vậy giáo viên khó có thể đáp ứng chương trình.

 

Đây là 6 vấn đề mà trường THPT Nguyễn Gia Thiều đã gặp khi thực hiện phân ban thí điểm lớp 10. Năm học 2006 - 2007 sẽ triển khai đại trà phân ban, các trường THPT trong cả nước chắc chắn sẽ không tránh khỏi khó khăn này.

 

Mai Minh - Hồng Hạnh (ghi)