Thừa Thiên - Huế:

55 năm phát triển vững mạnh của Đại học Huế

Trong chặng đường 55 năm phát triển từ 1957 đến 2012, Đại học Huế (Thừa Thiên - Huế) đã vượt qua nhiều khó khăn, trở thành cánh chim đầu đàn trong công tác đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế để cho ra đời hàng chục vạn con người đầy tài năng cống hiến cho quốc gia.

Đại học Huế tiền thân là Viện Đại học Huế, được thành lập vào năm 1957 với các phân khoa, đó là: Sư phạm, Khoa học, Văn khoa, Luật khoa, Y khoa, Trường Cao đẳng Mỹ thuật và Quốc gia Âm nhạc. Sau ngày đất nước hoà bình thống nhất, từ tháng 10/1976 giáo dục đại học ở Huế được tổ chức lại theo mô hình các trường đại học chuyên ngành trực thuộc các Bộ chủ quản, đó là Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Tổng hợp, Trường Đại học Y Khoa. Năm 1983, giáo dục đại học ở Huế được tăng cường về quy mô và đa dạng ngành nghề khi có thêm Trường Đại học Nông lâm Huế trên cơ sở sáp nhập Trường Đại học Nông nghiệp II Hà Bắc và Trường Cao đẳng Nông lâm Huế.

Với mục tiêu tập trung lực lượng để xây dựng một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới, ngày 4/4/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/CP thành lập Đại học Huế trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các trường đại học, cao đẳng hiện có ở  Huế.

Sau 18 năm thực hiện Nghị định 30/CP của Thủ tướng Chính phủ, Đại học Huế đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Từ năm 1994 đến năm 2009, Đại học Huế đã thành lập mới 2 Trường đại học, 3 Khoa trực thuộc và Phân hiệu tại Tỉnh Quảng Trị, đó là: Trường Đại học Kinh tế (2002), Trường Đại học Ngoại ngữ (2004), Khoa Giáo dục Thể chất (2005), Phân hiệu Đại học Huế tại Tỉnh Quảng Trị (2006), Khoa Du lịch (2008) và Khoa Luật (2009); Nhà xuất bản, Viện TNMT-CNSH và nhiều Trung tâm đào tạo, NCKH trực thuộc khác.

Ngày nay, Đại học Huế là đại học trọng điểm quốc gia với 7 trường đại học thành viên, 3 khoa trực thuộc, Phân hiệu tại Tỉnh Quảng Trị và nhiều trung tâm, viện nghiên cứu. Là một cơ sở giáo dục đại học sớm nhất khu vực miền Trung, 55 năm qua, Đại học Huế đã thực hiện sứ mệnh cao cả là đào tạo cho đất nước một đội ngũ trí thức đông đảo, đầy đủ mọi phẩm chất tốt đẹp để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Từ những giảng đường của Đại học Huế, hàng chục vạn thanh niên đã được rèn luyện trưởng thành để bước vào cuộc đời với một hành trang tri thức đầy đủ và một trái tim nhiệt huyết. Đại học Huế đã góp phần đắc lực trong việc tạo dựng tiềm lực to lớn để phát triển đất nước nói chung, khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng; đào tạo và cung cấp một đội ngũ đông đảo các nhà trí thức, nhà quản lý, các nhà chuyên môn có trình độ cao, có năng lực hoạt động thực tiễn cho nhiều cơ sở, ở nhiều lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, như giáo dục, y tế, kinh tế, khoa học kỹ thuật, nghệ thuật, nông nghiệp, báo chí...

55 năm phát triển vững mạnh của Đại học Huế
Ban giám đốc Đại học Huế chụp ảnh kỷ niệm với các GS, TS trong và nước ngoài nhân kỷ niệm 55 năm.

Theo PGS.TS.NGƯT. Nguyễn Văn Toàn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Huế, phát huy truyền thống và lợi thế của một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, Đại học Huế đã tập trung đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao, thuộc các lĩnh vực y học, nông - lâm - ngư, kinh tế, sư phạm, các ngành thuộc khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và nghệ thuật, công nghệ đáp ứng toàn diện sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Hiện nay, Đại học Huế tổ chức đào tạo 98 ngành trình độ cử nhân, 67 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 27 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, 62 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú. Trong số các chuyên ngành đào tạo nói trên, có các chương trình đào tạo liên kết và các chương trình tiên tiến với các đại học nước ngoài. Bình quân hàng năm có gần 10.000 bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo và hơn 1.200  thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp ra trường, tỏa đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước mà trực tiếp là các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ.

Chủ trương của Đại học Huế là tập trung xây dựng các khoa, các ngành trọng điểm bên cạnh các ngành đào tạo liên kết với nước ngoài, tạo thành các ngành chất lượng cao trong biểu đồ phát triển ngành nghề đào tạo, từng bước nâng mặt bằng chung về chất lượng đào tạo của các ngành hiện có, phấn đấu đưa một số ngành trọng điểm đăng ký kiểm định các tổ chức quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng và từng bước tiếp cận trình độ đào tạo khu vực. Mặt khác, Đại học Huế chủ trương phát triển mạnh đào tạo sau đại học, xem quy mô và chất lượng đào tạo sau đại học là cơ sở để khẳng định vị thế của mình trong tương quan với các đại học trong nước cũng như quốc tế.

Với quan điểm coi việc xây dựng đội ngũ trí thức, nhà giáo, cán bộ quản lý mạnh là yếu tố cốt lõi hình thành nên tiềm lực của một đại học, đội ngũ cán bộ Đại học Huế trong những năm qua đã có bước phát triển nhanh về số lượng và vững mạnh về chất lượng, trở thành một trong những đơn vị đào tạo dẫn đầu trong khu vực về công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ. Bằng chủ trương thực hiện công tác quy hoạch cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ và khuyến khích tài năng, Đại học Huế đã tạo ra động lực cho cán bộ giảng viên tích cực học tập để đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Hiện nay, Đại học Huế có 3.320 cán bộ, trong đó có 2529 giảng viên với 180 giáo sư, phó giáo sư và 19 Giáo sư danh dự ; 373 tiến sĩ, 986 Thạc sĩ, 350 Giảng viên cao cấp, Giảng viên chính; 76 Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú. Tỉ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ từ thạc sĩ trở lên ở Đại học Huế đạt 70%.

Với đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học kỹ thuật đông đảo, với trang thiết bị hiện đại, Đại học Huế được coi là một trung tâm nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ và giao lưu khoa học lớn ở miền Trung, là chỗ dựa vững chắc, là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá khu vực và cả nước. Từ các phòng thí nghiệm, các cơ sở nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Đại học Huế, hàng trăm đề tài, dự án lớn, các chương trình nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã ra đời. Các đề tài nghiên cứu, các dự án khoa học đã bám sát các chương trình trọng điểm của nhà trước về khoa học - công nghệ, các chương trình phát triển các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Một số đề tài nghiên cứu đã tạo ra được các sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị, phục vụ sản xuất và đời sống kinh tế - văn hoá xã hội.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ ngày càng được hiện đại hóa. Hiện nay, Đại học Huế có 47 cơ sở thí nghiệm, thực hành đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên.

Nghiên cứu khoa học trong sinh viên trở thành một hoạt động có sức thu hút, lôi cuốn nhiều sinh viên tham gia. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên được đánh giá cao và nhận được nhiều giải thưởng của các Bộ, ngành trung ương. Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở Đại học Huế đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ cán bộ giảng viên, trong việc gắn nghiên cứu khoa học với công tác đào tạo.

Với lợi thế của đại học đa ngành, đa lĩnh vực, Đại học Huế đã tạo dựng cho mình một vị thế trong quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế. Đại học Huế và các trường thành viên đã thiết lập quan hệ với gần 100 trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học của trên 30 quốc gia trên thế giới ở hầu hết các châu lục như: Mỹ, Pháp, Úc, Áo, Bỉ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Ý, Hà Lan, Trung Quốc, Belarus...

55 năm phát triển vững mạnh của Đại học Huế
PGS. TS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự của Đại học Huế cho các giáo sư nước ngoài ghi nhận những đóng góp có ý nghĩa của các giáo sư đối với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học cho Đại học Huế.

Qua các chương trình, nội dung hợp tác, Đại học Huế đã xây dựng được mối quan hệ với nhiều tổ chức tài trợ, thực hiện được nhiều chương trình đào tạo liên kết; triển khai thành công nhiều dự án hợp tác với một số trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín trong khu vực và thế giới, tiếp nhận nhiều suất học bổng của các tổ chức quốc tế và cá nhân, thu hút hàng trăm giảng viên và sinh viên tình nguyện nước ngoài đến học tập và giảng dạy tại Đại học Huế mỗi năm... Với những nỗ lực, cố gắng trong công tác hợp tác quốc tế, Đại học Huế đã nhận được các giải thưởng và vinh danh của các tổ chức quốc tế và nhà nước.

Để phục vụ ngày càng cao công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, Đại học Huế đã sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí được cấp, khai thác triệt để mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Nhiều dự án đầu tư lớn đã được thực hiện với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Bộ mặt của các trường đại học trong khuôn viên nội thành đã có sự thay đổi quan trọng, đặc biệt Đại học Huế đã xây dựng mới cơ sở vật chất tại khu quy hoạch Trường Bia với 150 ha, như Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại ngữ, Khoa Giáo dục Thể chất, Khoa Luật và khu ký túc xá của sinh viên tập trung. Nhiều hạng mục công trình quan trọng với hệ thống cơ sở hạ tầng, giảng đường, nhà làm việc, ký túc xá sinh viên,... bước đầu hình thành nên diện mạo khang trang, hiện đại của một khu đô thị đại học.

Đại học Huế và các trường đại học thành viên luôn quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho sinh viên, tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục lành mạnh. Một trong những nguyên nhân cơ bản của thành tựu đạt được trong thời gian qua là Đại học Huế có một tổ chức Đảng vững mạnh. Đảng bộ có 12 đảng bộ, chi bộ cơ sở, với 1.940 đảng viên. Gần 18 năm qua, kể từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ luôn phát huy tốt vai trò, hạt nhân chính trịnh lãnh đạo các đơn vị chấp hành nghiêm túc mọi chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Đảng uỷ Đại học Huế cũng như các Đảng uỷ cơ sở, chi uỷ cơ sở luôn có những chủ trương và biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, tích cực, sâu sát trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức nên đã tạo ra sự nhất trí, quyết tâm cao trong toàn thể cán bộ đảng viên, viên chức -  lao động và sinh viên.

Với những nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi và những thành tích xuất sắc đạt được trong 55 năm qua, Đại học Huế đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Giải phóng hạng Nhất cho thanh niên, sinh viên, học sinh thành phố Huế (1975), Huân chương Độc lập hạng Ba (1998), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2002).

Đặc biệt, với thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong lao động sáng tạo, góp phần cùng toàn Đảng toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhân dịp kỷ niệm 55 năm xây dựng và phát triển, Đại học Huế được Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất. Đây là phần thưởng có ý nghĩa to lớn đối với cán bộ viên chức lao động và sinh viên, khẳng định sự phát triển lớn mạnh và toàn diện của Đại học Huế trong suốt 55 năm qua.

55 năm phát triển vững mạnh của Đại học Huế
PGS.TS.NGƯT. Nguyễn Văn Toàn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Huế (thứ 3 từ trái qua) đón nhận Huân chương Độc lập Hạng nhất của Chủ tịch nước trao tặng

Trên cơ sở đó, Đại học Huế xác định mục tiêu phát triển đến năm 2015 và tầm nhìn 2020 với mục tiêu chiến lược: Xây dựng Đại học Huế thành trung tâm đào tạo đại học và sau đại học đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mạnh về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội - nhân văn, giáo dục, quản lý, nông nghiệp, y dược, kỹ thuật và công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng và khu vực”.

Để thực hiện mục tiêu phát triển đến năm 2015 và tầm nhìn 2020, trong thời gian tới, Đại học Huế sẽ tập trung thực hiện công tác trọng tâm sau đây:

Hoàn thiện và nâng cao hiệu lực quản lý của Đại học Huế, xây dựng cơ cấu tổ chức và hệ thống quản lý theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp của các bộ phận chức năng;  Nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng và khu vực trên cơ sở tiếp cận và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực để từng bước rà soát các chương trình đào tạo, bổ sung, xây dựng các chương trình đào tạo mới theo nhu cầu xã hội. Tạo điều kiện để các trường đại học thành viên thực hiện các chương trình đào tạo tiên tiến, các chương trình liên kết đào tạo với các đại học có uy tín trên thế giới dưới nhiều hình thức. Đầu tư một số ngành, một số khoa trọng điểm của Đại học Huế để đăng ký kiểm định các tổ chức mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á và mạng lưới các trường đại học Châu Á, từng bước nâng cao chất lượng, tiếp cận trình độ đào tạo khu vực và quốc tế.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ gắn với nhu cầu thiết thực của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Đẩy mạnh hoạt động các mô hình dịch vụ, tư vấn khoa học nhằm gắn kết các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Đại học Huế với doanh nghiệp và địa phương. Nâng cao chất lượng Tạp chí khoa học và các Tạp chí chuyên ngành của Đại học Huế ngang tầm khu vực và thế giới.

Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm đưa Đại học Huế trở thành một đầu mối giao lưu, hợp tác với các tổ chức, đại học uy tín trong khu vực và thế giới; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm huy động nguồn lực, bồi dưỡng cán bộ giảng dạy, tiếp thu công nghệ đào tạo và nâng cao vị thế của Đại học Huế ở trong nước cũng như quốc tế.

55 năm phát triển vững mạnh của Đại học Huế
Hàng ngàn đại biểu là các thầy cô đã từng cống hiến cho sự phát triển Đại học Huế đã về dự lễ kỷ niệm 55 năm xây dựng và phát triển sáng 21/4/2012.

Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức theo hướng chuẩn hoá, nâng tỷ lệ cán bộ giảng dạy có chức danh và học vị cao ngang tầm với các đại học hàng đầu trong nước và khu vực. Tăng cường ngân sách cho công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên nhằm hình thành các hướng mũi nhọn trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để cán bộ viên chức tham gia các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất, nhất là Khu Quy hoạch mới của Đại học Huế. Tăng cường đầu tư thiết bị để hình thành nên các cơ sở thực tập thực hành, các phòng thí nghiệm hiện đại ở các khoa, các ngành, nhất là các ngành kỹ thuật và công nghệ.

Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong toàn Đại học Huế, xây dựng môi trường giáo dục thực sự dân chủ, tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin để mọi thành viên trong nhà trường phát hiện và ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực trong mọi hoạt động của Đại học Huế. Quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ viên chức - lao động và sinh viên.

Để thực hiện các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới, Đại học Huế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quan tâm lãnh đạo của Bộ GD-ĐT; của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, sự hỗ trợ của lãnh đạo Thành phố Huế và các ban ngành của địa phương và các tỉnh thành trong khu vực và cả nước; sự quan tâm hợp tác của các trường đại học bạn để Đại học Huế tiếp tục phát triển nhanh hơn nữa, xứng đáng với tình cảm và niềm tin của xã hội dành cho Đại học Huế.