5 năm chưa đưa ra nổi định nghĩa về giáo dục đại học mở?

(Dân trí) - Năm 2013, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) đã có chỉ đạo về: Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học… Tuy nhiên, đến nay gần 5 năm, ngành GD vẫn chưa có bất kỳ định nghĩa chính thức nào về hệ thống giáo dục mở. Vì sao?

Ngày 4/11/2013, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Theo đó, có một số quan điểm chỉ đạo quan trọng của Nghị quyết như :

“Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hoá, hiện đại hoá giáo dục và đào tạo”;

“Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước”.

Tuy nhiên từ đó đến nay, mặc dù đã 5 năm, nhưng chúng ta vẫn chưa có bất kỳ định nghĩa chính thức nào về hệ thống giáo dục mở. Khái niệm này vẫn được hiểu khá cảm tính, hiểu chưa chắc chắn, chưa đầy đủ cơ sở khoa học, và do đó xuất hiện các quan niệm khác nhau, khi giải thích về nó.

Ngày 16/5, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh Tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự hội nghị.


Hội thảo quốc gia Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế

Hội thảo quốc gia "Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế"

Mục tiêu của hội thảo là kêu gọi và tạo điều kiện cho các cán bộ quản lý giáo dục, các học giả thống nhất quan điểm về Hệ thống giáo dục mở cũng như các mô hình, công nghệ, hay các chuẩn mực về giáo dục trên thế giới hiện nay cũng như xu hướng trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra.

Từ đó, cùng đề xuất kiến nghị các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29 là tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.

Phát biểu tại hội thảo, GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, rất cần phải thúc đẩy giáo dục mở ở Việt Nam, bởi chỉ giáo dục mở mới đảm bảo được cho từng công dân Việt Nam có khả năng có được tri thức nhân loại lớn nhất với chi phí nhỏ nhất và với số lượng người được tiếp cận các tri thức lớn nhất và là cách nhanh nhất để có được các kỹ năng cần thiết để sống, làm việc và học tập trong kỷ nguyên số - kỷ nguyên tri thức.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, đến nay, chúng ta chưa có bất kỳ định nghĩa chính thức nào về giáo dục mở. Khái niệm này vẫn được các học giả nước ta hiểu một cách ít nhiều cảm tính và do đó có những cách hiểu khác nhau.

Theo ông Tiến, nước ta, chủ trương chuyển từ một hệ thống giáo dục đóng sang hệ thống giáo dục mở là một bước chuyển vừa căn bản, vừa đột phá. Tuy nhiên, để không dừng lại ở một sáo ngữ, điều trước tiên là cần có cách hiểu thống nhất về khái niệm này.

Phải mở về tư duy và cơ chế quản lý trong giáo dục đào tạo

TS Vũ Ngọc Hoàng cho biết, rất tiếc là cho đến nay, đã 5 năm rồi, kể từ khi ra nghị quyết, nhưng các cơ quan liên quan vẫn chưa cụ thể hóa cho rõ nghĩa là hệ thống giáo dục “mở” bao gồm những yêu cầu và nội dung gì.

Theo ông Hoàng, đặc điểm đầu tiên và bắt đầu của nền giáo dục mở chính là sự thoáng mở về tư duy và cơ chế quản lý trong giáo dục đào tạo, nhằm mục tiêu hình thành những con người “tự nó”, tự chủ, có năng lực tư duy độc lập, có thoái quen phản biện, có bản lĩnh bảo vệ chân lý, luôn chủ động và sáng tạo, có năng lực hành động trong công việc... Tức là hiểu đặc trưng “mở” ấy của nền giáo dục ở phương diện mục tiêu đào tạo.

Ông Hoàng phân tích, nền giáo dục mở cần thể hiện ở môi trường phát triển đối với con người. Để đạt được mục tiêu đào tạo đó, cần thiết phải thay đổi phương pháp tiếp cận và tác động vào người học theo hướng mở. Người thầy không phải là nhà truyền giáo, áp đặt một chiều các kiến thức có sẵn, mà là một người bạn đồng hành cùng với học sinh trong quá trình đi tìm chân lý.

Thoáng mở đầu vào để tạo cơ hội cho người học tiếp cận với các cơ sở giáo dục-đào tạo khi họ thật sự muốn học cũng là một đặc điểm của hệ thống giáo dục mở. Tất nhiên việc thoáng mở đầu vào phải gắn với quản lý chất lượng đầu ra.

“Ở nước ta nhiều lúc thi vào đại học thật vất vả, nhưng vào được rồi thì gần như chắc chắn sẽ tốt nghiệp, trong khi ở nhiều nước tiên tiến, muốn học thì ghi tên để học, nhưng nếu không học nghiêm túc và tích cực thì sẽ mất thêm nhiều năm vẫn không tốt nghiệp được. Đó là hai cách làm khác nhau nhiều”.

Đặc biệt, Hệ thống giáo dục mở chắc chắn phải bảo đảm thực chất về quyền tự chủ đầy đủ và toàn diện cho các cơ sở đại học và cao đẳng. Khi nào có đủ quyền tự chủ ấy thì lúc đó mới có một nền giáo dục đại học trưởng thành.

Ông Hoàng cho rằng, chủ thể ở đây là một đơn vị đào tạo đại học. Làm chủ như thế nào và về cái gì? Tức là tự quyết định mọi công việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, công việc đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường. Chủ thể tự chủ ở đây là trường đại học! Nhưng hiểu thế nghĩa nào cho đúng ? có phải là cả trường không hay chỉ là ông hiểu trưởng? Không phải cả trường và cũng không phải một người là ông hiệu trưởng. Mà là một tập thể, đứng đầu là Hội đồng trường, cơ quan đại diện và quyền lực cao nhất của nhà trường.

“Hội đồng trường quyết định ông hiệu trưởng chứ không phải ngược lại như cách ta làm lâu nay, biến hội đồng trường thành hình thức, bảo vệ các ý kiến của hiệu trưởng”.

Theo TS Hoàng, Hệ thống giáo dục mở còn thể hiện ở sự đa dạng, linh hoạt và dân chủ về loại hình và phương thức giáo dục, đào tạo. Có các loại trường công lập, tư thục và dân lập; có trường của Việt Nam và trường của quốc tế; có đào tạo tập trung và phi tập trung; có liên tục và không liên tục; có trực tiếp và trực tuyến (qua mạng)…

Tại nhiều nước tiên tiến, ở khu vực đại học và cao đẳng, trường ngoài công lập chiếm đa số, thậm chí đến 80%, còn trường công lập chỉ số ít, nhiều nước có khoảng 20%. Nước ta thì ngược lại, công lập đến 80%, trong khi ngân sách nhà nước rất có hạn, vậy mà cứ mong muốn có một nền giáo dục đại học chất lượng cao với giá rẻ.

“Cần phải thay đổi tư duy và cách làm, mở mạnh cho hệ thống ngoài công lập phát triển, nhất là ở khu vực đào tạo sau phổ thông. Tạo nên một môi trường bình đẳng thật sự giữa công lập và ngoài công lập cũng là nội dung quan trọng của hệ thống giáo dục mở” – TS Hoàng nhấn mạnh.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến dẫn ra định nghĩa: Chẳng hạn, theo Wikipedia: “Giáo dục mở là giáo dục không đòi hỏi bằng cấp khi nhập học và được cung ứng chủ yếu theo cách học trực tuyến. Giáo dục mở mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục và đào tạo vốn được cung ứng qua các hệ thống giáo dục chính quy. Tính ngữ “mở” trong giáo dục mở nhằm nói tới việc dỡ bỏ các rào cản gây khó khăn cho người học về cơ hội cũng như về công nhận kết quả học tập tại cơ sở giáo dục”.

Trong báo cáo “Mở cửa giáo dục: về một khung hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học” (năm 2016), giáo dục mở được quan niệm là một phương thức giáo dục, thường được thực hiện thông qua các công nghệ số. “Mục đích của nó là mở rộng sự tiếp cận và tham dự thành công cho mọi người bằng cách dỡ bỏ các rào cản, làm cho việc học nằm trong tầm tay, phong phú và tùy chỉnh theo nhu cầu cá nhân. Nó cung cấp nhiều cách thực dạy và học, tạo dựng và chia sẻ tri thức. Nó cùng đem lại nhiều con đường đến với giáo dục chính quy, không chính quy và kết nối cả hai”.

Định nghĩa này hiện được chấp nhận rộng rãi bởi nó không chủ cho biết thế nào là giáo dục mở mà còn chỉ ra mục đích của giáo dục mở.

Hồng Hạnh