38% Tiến sĩ sẽ được đào tạo tại nước ngoài

(Dân trí) - Đề án “Đào tạo trình độ tiến sĩ cho giảng viên các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2008- 2020” vừa được Bộ GD-ĐT hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt. Tổng kinh phí của Đề án dự kiến là 700 triệu USD.

Đề án đưa ra 3 phương thức đào tạo chính là: Đào tạo ở nước ngoài, Đào tạo phối hợp trong và ngoài nước và Đào tạo trong nước. Trong đó, số lượng đào tạo ở nước ngoài chiếm khoảng 38%, đào tạo phối hợp chiếm khoảng 15% và đào tạo trong nước chiếm khoảng 47%. Một hợp phần quan trọng trong Đề án là bắt buộc nghiên cứu sinh trong nước phải có thời gian thực tập trao đổi khoa học ở nước ngoài.

Trong thời gian qua, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã bàn luận khá nhiều về tính khả thi của Đề án này. Bộ GD-ĐT đã đưa ra một loạt các con số để chứng tỏ Bộ có nhiều khả năng thực hiện thành công Đề án.

Đó là, theo thống kê cập nhật tính đến ngày 15/8/2008, Cục Đào tạo với nước ngoài đã nhận được báo cáo về số lượng giảng viên đi đào tạo tại nước ngoài từ năm 2007 đến năm 2010 của 71 trường (55 trường ĐH và 16 trường CĐ) với 2.161 người đăng ký đào tạo tiến sĩ và 1.611 người đăng ký đào tạo thạc sĩ. Cụ thể: Năm 2007 có 604 người, năm 2008 có 610 người, năm 2009 có 1.228 người, năm 2010 có 1.333 người.

Như vậy, số người đăng ký đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ tại nước ngoài năm 2010 sẽ tăng 2,2 lần so với năm 2007. Mục tiêu đào tạo tiến sĩ đến năm 2020 là trong “tầm tay” nếu có sự tích cực chuẩn bị và tham gia vào Đề án của mỗi giảng viên, mỗi nhà trường trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Phát biểu trong một cuộc Hội thảo về giáo dục ĐH, CĐ vừa được Bộ tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định chỉ những người giỏi nhất mới trở thành giảng viên ĐH, vì thế cần phải bắt buộc giảng viên đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, nếu không đi, sẽ ra khỏi trường.

Còn Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết thêm, Bộ đã lên kế hoạch, đối với các trường CĐ mỗi năm cử 3% giảng viên đi đào tạo tiến sĩ, 20% giảng viên đi đào tạo thạc sĩ. Đối với hệ ĐH, mỗi năm cử 10% giảng viên đi đào tạo tiến sĩ, 15% đào tạo thạc sĩ.

M.M