3 “kiều nữ” của Sao Tháng Giêng

(Dân trí) - Trong Lễ trao giải thưởng “Sao tháng Giêng” năm học 2008-2009 vừa tổ chức có 3 kiều nữ gây ấn tượng với mọi người bằng thành tích học tập đặc biệt xuất sắc và hết mình cho hoạt động đoàn, hội. Dân trí xin giới thiệu 3 gương mặt tiêu biểu đó.

Lê Thị Yến, Học viện Âm nhạc Quốc gia: Cô gái “quê” đoạt giải âm nhạc Đông Nam Á 

3 “kiều nữ” của Sao Tháng Giêng - 1
Yến trong cuộc thi âm nhạc Piano Chopin Đông Nam Á
 
Yến là SV năm thứ 3 khoa Piano, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Từng đạt khá nhiều giải thưởng về âm nhạc: Giải nhì cuộc thi Piano Chopin Đông Nam Á mở rộng tổ chức tại Malaysia năm 2008; Giải ba cuộc thi tài năng trẻ Piano “Concour Mùa thu 2007”.
 
Cuộc thi Piano Chopin đã để lại cho Yến nhiều ấn tượng khó quên. Những vũ khúc thôn dã của quê mẹ Ba Lan đã thấm vào âm nhạc của Chopin, đòi hỏi người biểu diễn phải thành thạo cả về kỹ thuật lẫn âm nhạc để có thể chuyển tải đến người nghe những giai giai điệu mãnh liệt mà da diết. Và Yến đã thành công khi chinh phục được kể cả những giám khảo khó tính nhất.

Giải thưởng Sao Tháng Giêng năm nay được trao cho 218 cán bộ đoàn, hội thuộc 218 trường ĐH, CĐ trong cả nước. Đây hầu hết là SV “2 giỏi” đang học năm thứ 3 có thành tích học tập xuất sắc và nhiệt tình tham gia công tác đoàn, hội (số nữ SV chiếm tỷ lệ 59,52%).

Làm quen với đàn organ từ năm 9 tuổi, đến năm 11 tuổi Yến chuyển sang học piano. Phát hiện ra cô có khả năng về âm nhạc, giáo viên đã khuyên gia đình Yến cho con thi vào Học viện Âm nhạc. Trước khi bắt đầu kỳ thi, suốt 3 tháng ròng rã, bố Yến chở con từ Bắc Ninh lên Hà Nội luyện đàn. Sự vất vả ấy cuối cùng cũng được bù đắp khi công bố kết quả Yến đỗ thủ khoa. Hiện tại, mỗi ngày Yến dành 6 tiếng cho việc luyện tập, cuối tuần còn dạy thêm và âm nhạc luôn giúp Yến cảm thấy tâm hồn thư thái, trẻ trung.

Ngoài việc học, Yến còn là Chủ tịch Hội SV của Học viện Âm nhạc. Bí quyết để có thể vừa học tốt, vừa có thể làm tốt công tác đoàn, hội của Yến chỉ đơn giản là với công việc nào cũng làm hết mình bằng sự yêu thích và say mê với mong muốn có thể gắn kết và nâng cao hiểu biết cho SV trong trường.

 Bạch Thị Nhã Nam, Học viện Ngoại giao: Cô gái đa tài
 
3 “kiều nữ” của Sao Tháng Giêng - 2

Cũng như Yến, Nhã Nam hiện cũng đang là Chủ tịch Hội SV Học viện Ngoại giao. Năm 2008, Nam từng đạt giải Nhất Hội thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Đảng ủy cơ quan Bộ Ngoại giao tổ chức; đại diện cho SV Việt Nam dự Hội thảo quốc tế ASEAN LOGICS được tổ chức tại Indonesia; đại diện SV Việt Nam dự Hội thảo quốc tế MODEL ASEAN được tổ chức tại ĐHQG Singapore năm 2007...

Hội thảo với chủ đề “Thu hẹp sự khác biệt về văn hóa và sắc tộc” do ĐH Quốc gia Indonesia tổ chức để lại cho Nam nhiều ấn tượng nhất khi được tiếp xúc với những SV trong khu vực, rất năng động hòa đồng, nói tiếng Anh rất lưu loát, vui vẻ, tự tin. Thông qua những hoạt động này, SV trong khu vực - thế hệ tương lai của cộng đồng Asean nâng cao được ý thức đoàn kết cộng đồng và sự hiểu biết lẫn nhau.

Theo Nam, Hội SV giống như một người bạn của SV, hỗ trợ đời sống tinh thần cho SV, là cầu nối giải đáp các thắc mắc liên quan giữa nhà trường và SV cũng như chuyển tải những nguyện vọng của SV đến nhà trường. Các phong trào đoàn, hội nếu muốn thu hút được SV tham gia phải thông tin được về sự bổ ích thiết thực của các chương trình đến từng SV.

Trong Hội thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với câu chuyện “Đôi dép Bác Hồ” Nam đã xuất sắc vượt qua hơn 40 thí sinh với số điểm gần như tuyệt đối. Qua cuộc thi này, nhiều bài học quý báu đã được đúc kết, đồng thời cũng tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, từ đó góp phần thực hiện thành công cuộc vận động này.

Nguyễn Thị Cẩm Anh, Khoa Ngữ Văn, ĐHSP - ĐH Thái Nguyên: Cô thủ khoa có tài tận dụng thời gian
 
3 “kiều nữ” của Sao Tháng Giêng - 3

Năm 2005, Cẩm Anh là thủ khoa khối C của trường ĐH Thái Nguyên. Hiện tại, là SV năm thứ ba khoa Ngữ văn, trường ĐHSP, ĐH Thái Nguyên và là Bí thư chi đoàn trường. Khó khăn lớn nhất với cô khi tham gia công tác đoàn, hội là phải làm thế nào bố trí thời gian hợp lý để vừa học tốt, vừa hoạt động tốt. “Tranh thủ và tận dụng thời gian một cách tối đa. Khi mới vào trường, mới bắt đầu làm quen với cường độ làm việc cao, em cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng sau này em cũng thích nghi được và có thể tận dụng thời gian hợp lý hơn” - Cẩm Anh chia sẻ về bí quyết để làm tốt mọi việc của mình.

Trong thời gian hoạt động đoàn, hội, kỷ niệm đáng nhớ nhất với Cẩm Anh là cuối năm thứ nhất được tham gia chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh 2 tuần tại xã Phú Lạc, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đây là lần đầu tiên cô xa nhà, lần đầu tiên cùng sống, cùng ăn và cùng làm với người dân. Các công việc hái chè, đi cấy, làm đường, san đất... dù khó khăn nhưng Cẩm Anh thấy rất ấm áp bởi tình cảm của người dân nơi đây.

Là một giáo viên Văn tương lai, Cẩm Anh hy vọng, có thể giúp học sinh thực sự yêu thích văn chương, và tạo lập được cho học sinh phương pháp để các em có thể tự mình tìm hiểu và cảm thụ các tác phẩm văn chương. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống sư phạm, Cẩm Anh từng là học sinh chuyên văn, trường chuyên Thái Nguyên. Trong nhiều năm liền là học sinh giỏi toàn diện và đã “rinh” được khá nhiều giải trong các kỳ thi học sinh giỏi. Lên ĐH, cô cũng là SV giỏi trong 3 năm liền và đạt giải khuyến khích Giải thưởng SV nghiên cứu khoa học toàn quốc. Tháng 4/2009, cô sẽ tham dự hội nghị NCKH SV các trường sư phạm toàn quốc tổ chức tại Huế.

Cẩm Anh khoe, những lúc rảnh cô thích tô tượng - một sở thích rất trẻ con nhưng đã giúp cô có được một bộ sưu tập tượng và chắc chắn nó sẽ còn phát triển.

Hồng Hạnh