GS toán học Nguyễn Duy Tiến nổi tiếng về xác suất - thống kê qua đời

(Dân trí) - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Duy Tiến nguyên Chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ - Tin học, nguyên Chủ nhiệm Khoa Quốc tế ĐHQGHN đã từ trần hưởng thọ 79 tuổi.

GS toán học Nguyễn Duy Tiến nổi tiếng về xác suất - thống kê qua đời - 1

GS toán học Nguyễn Duy Tiến - người đặt nền móng hệ đào tạo Cử nhân Khoa học tài năng qua đời

 Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Duy Tiến sinh ngày 1 tháng 11 năm 1942 tại Đô Lương (Nghệ An) nguyên Bí thư chi bộ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ - Tin học, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Xác suất Thống kê, nguyên Chủ nhiệm Khoa Quốc tế ĐHQGHN đã từ trần vào hồi 22 giờ 48 phút ngày 02 tháng 12 năm 2020 (tức ngày 18 tháng 10 năm Canh Tý), hưởng thọ 79 tuổi.

GS toán học Nguyễn Duy Tiến nổi tiếng về xác suất - thống kê qua đời - 2

Lễ viếng và truy điệu Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Duy Tiến được tổ chức từ 7 giờ 30 phút đến 9 giờ sáng Chủ nhật, ngày 06 tháng 12 năm 2020 (tức ngày 22 tháng 10 năm Canh Tý) tại Phòng số 3, Nhà tang lễ Cầu Giấy, số 1 Trần Vỹ, Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Lễ hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Hà Nội lúc 11 giờ cùng ngày.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Duy Tiến quê ở làng Hoàng Mai, một làng cổ của đất Kinh kỳ Thăng Long xưa (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Sau khi tốt nghiệp Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1965, ông được giữ lại làm giảng viên của Khoa Toán và tiếp tục giảng dạy ở đó cho tới nay.

Năm 1971, ông sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh và năm 1974 bảo vệ luận án tiến sĩ tại Tbilisi (nay thuộc Cộng hòa Grudia). Năm 1981, ông sang Balan làm thực tập sinh cao cấp và bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học tại Viện Toán học Wroclap năm 1983. Năm 1991, ông được phong học hàm Giáo sư.

GS Nguyễn Duy Tiến là một trong những nhà toán học Việt Nam có uy tín trong lĩnh vực Xác suất - Thống kê. Ông là tác giả và đồng tác giả của 44 công trình khoa học có giá trị được đăng tải trên những tạp chí có uy tín trong nước và quốc tế. Ông đã hướng dẫn thành công nhiều luận án tiến sĩ (trong đó có một nghiên cứu sinh người Tây Ban Nha) nhiều lần làm phản biện hoặc tham gia các hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp nhà nước.

Ông chủ trì nhiều xêmina về Giải tích ngẫu nhiên, sinh hoạt khá đều dặn thu hút nhiều cán bộ trẻ tham gia. Năm 2002, ông là Trưởng Ban tổ chức Hội nghị Xác suất - Thống kê toàn quốc lần thứ II và năm 2002 tại Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ VI ông lãnh trách nhiệm làm Trưởng tiểu ban Xác suất - Thống kê.

GS toán học Nguyễn Duy Tiến nổi tiếng về xác suất - thống kê qua đời - 3

Hình ảnh học trò, đồng nghiệp tại sinh nhật của GS, Nguyễn Duy Tiến, 1/11/2018

GS Nguyễn Duy Tiến là một nhà sư phạm tâm huyết với nghề. Ông đã giảng dạy ở nhiều trường đại học trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước và một số trường đại học ở nước ngoài (Nga, Ba Lan, Tây Ban Nha).

Sau 40 năm đứng trên bục giảng đến nay ông đã có rất nhiều học trò. Họ là các sinh viên đại học, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Những vấn đề trừu tượng và sâu sắc của Toán học và Lý thuyết xác suất đã được ông giảng hấp dẫn và dễ hiểu. Với tài năng sư phạm của mình, ông đã khiến cho các lý thuyết Toán học khô khan "đầy màu xám" trở nên thú vị, mang hơi thở của cuộc sống và màu xanh của cây đời.

Ông có nhiều đóng góp trong công tác biên soạn, cải tiến chương trình, giáo trình, một khâu có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng đào tạo.

Ông luôn luôn quan tâm trăn trở đến chương trình giảng dạy Toán học nói chung và chuyên ngành Xác suất - Thống kê nói riêng, mong muốn chúng vừa hiện đại vừa tinh giản và phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam.

Cho đến nay, ông là tác giả và đồng tác giả của 9 cuốn sách về Giải tích, Lý thuyết độ đo và tích phân, Lý thuyết xác suất, quá trình ngẫu nhiên. Cuốn sách: "Lý thuyết xác suất và các kết luận thống kê" (viết chung) xuất bản lần đầu năm 1969 là cuốn sách Xác suất đầu tiên do các tác giả Việt Nam biên soạn.

GS toán học Nguyễn Duy Tiến nổi tiếng về xác suất - thống kê qua đời - 4

GS. Nguyễn Duy Tiến với GS. Trần Văn Nhung và Ngô Bảo Châu (Ảnh: tư liệu của GS.NDT)

Một đặc điểm nổi bật ở GS. Nguyễn Duy Tiến là ông rất quan tâm tới việc bồi dưỡng, giúp đỡ và khuyến khích các tài năng trẻ trong toán học. Năm 1965, lớp Toán đặc biệt đầu tiên (tiền thân của khối Chuyên Toán ngày nay) của nước ta được thành lập trong Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Ông là một trong những người đầu tiên trực tiếp giảng dạy ở đó và một số học trò cũ của ông ở lớp Toán ấy sau này đã thành danh, như GS.TSKH Trần Văn Nhung, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS.TSKH Đào Trọng Thi, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong suy nghĩ và hành động của mình, ông luôn luôn tỏ ra tin tưởng vào lớp trẻ, dám mạnh dạn giao phó cho lớp trẻ những trách nhiệm để họ mau chóng trưởng thành.

Tấm lòng ấy cộng với vốn kiến thức uyên bác, sự từng trải và phong thái trẻ trung của ông đã khiến nhiều sinh viên và các cán bộ trẻ yêu mến ông. Một số bạn trẻ đã coi ông như thần tượng của mình.

Đến với ông, ngoài những hướng dẫn tận tình về nghiên cứu khoa học, họ còn nhận được từ ông những lời động viên, khuyên bảo chân tình, ân cần về các vấn đề khác nhau trong cuộc sống.

GS.TSKH Nguyễn Duy Tiến

- Nguyên Chủ nhiệm khoa Toán - Cơ - Tin học Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (năm 1992-1993), nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.

- Nguyên Chủ nhiệm khoa Quốc tế Việt - Nga, nay là Khoa Quốc tế trực thuộc ĐHQGHN (năm 2002-2004).

- Trưởng Ban Điều hành Hệ Đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng từ 2001 cho đến 2010, giáo sư đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với vai trò người tạo nền móng.

- Ủy viên Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam.

- Phó chủ tịch hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, ngành Toán.

- Phó chủ tịch hội đồng khoa học liên ngành Toán- Cơ- Tin.

Một số cuốn sách mà GS. Nguyễn Duy Tiến là tác giả và đồng tác giả:

  1. Lý thuyết xác suất và các kết luận thống kê
  2. Độ đo và tích phân
  3. Cơ sở lý thuyết Xác suất
  4. Bài tập giải tích I
  5. Lý thuyết Xác suất
  6. Các mô hình Xác suất và các ứng dụng, phần I: Xích Markov và ứng dụng
  7. Bài giảng giải tích I
  8. Các mô hình Xác suất và các ứng dụng, phần III: Giải tích ngẫu nhiên.
  9. Bài giảng giải tích tập II.
  10. Tuyển tập công trình khoa học, Hội nghị toàn quốc lần II về Xác suất Thống kê (Ba Vì- Hà Tây, 02-04/11/2001).
  11. Tuyển tập công trình khoa học, Trường Đông về Xác suất Thống kê (Vinh, 26-28/12/2003).

Ông là chủ biên 02 cuốn sách tham khảo:

  1. Cuộc đời và sự nghiệp của một số nhà toán học nổi tiếng.
  2. Kể chuyện về Toán và các Nhà toán học.

Giáo sư đã thực hiện 04 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, bao gồm:

  1. Một số vấn đề chọn lọc của Xác suất thống kê (130701)
  2. Giải tích ngẫu nhiên (130501)
  3. Giải tích ngẫu nhiên (130504)
  4. Giải tích ngẫu nhiên (10106).

Với những thành tích và cống hiến không mệt mỏi, ông đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen và Giấy khen của các cấp như:

  1. Huy chương kháng chiến hạng nhất, quyết định số 69 KT/HĐBT, ngày 15 tháng 6 năm 1989.
  2. Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, quyết định số 4494/GD- ĐT, ngày 31 tháng 10 năm 1995
  3. Huy chương vì sự nghiệp khoa học và công nghệ, quyết định số 1983/ QĐ- BKHCNMT, ngày 11 tháng 11 năm 1999.
  4. Danh hiệu cán bộ giảng dạy giỏi cấp ĐHQGHN năm 2003-2004, quyết định số 68/ 2004, ngày 31 tháng 8 năm 2004.
  5. Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, quyết định số 1248/QĐ/TTg, ngày 17 tháng 11 năm 2003.
  6. Bằng khen của giám đốc ĐHQGHN, quyết định số 112/VP, ngày 30 tháng 8 năm 2002.
  7. Bằng khen của giám đốc ĐHQGHN (Có thành tích xuất sắc trong 5 năm xây dung và điều hành Hệ Đào tạo CNKHTN, quyết định số 177/VP, ngày 21 tháng 10 năm 2002).
  8. Giấy chứng nhận Cán bộ giảng dạy giỏi cấp ĐHQGHN, số 56, ngày 28 tháng 9 năm 2001.
  9. Giấy khen của Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên (có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nhà trường giai đoạn 2000-2004) số 108-05/QĐKT, ngày 30/05/2005
  10. Bằng khen của giám đốc ĐHQGHN (có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2001-2005, quyết định số 138/CT- HSSV, ngày 01 thnág 08 năm 2005).
11. Huân chương Lao động hạng Ba