Tuấn Ngọc: Không thích sự kỹ tính

Người đàn ông được coi là tượng đài trong số những giọng ca vàng không quá cao lớn vững chãi nhưng vẫn dễ làm người đối diện cảm thấy dễ bị lung lay. Anh điềm đạm, bình thản, đôi khi có những cái nhìn chậm đầy lãng mạn…

Sự thanh lịch của Tuấn Ngọc tự thân đã lý giải những cảm xúc quyến rũ mà anh mang đến cho những bài hát của mình.

Anh nhận xét thế nào về những ca sĩ đang kiên nhẫn đi theo con đường của anh?

Tôi cũng có nghe nói nhiều đến điều này và để ý, nhưng thực ra theo tôi có nhiều người không đến nỗi bị gọi là bản sao. Đến vĩ nhân còn ảnh hưởng người đi trước. Mỗi ca sĩ mới khởi đầu đều cố gắng tìm một hình tượng thành công để học hỏi, điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Tôi cũng khởi đầu như vậy, nhưng lúc đó tôi thuận lợi hơn là học hỏi và bắt chước ca sĩ nước ngoài nên không bị đánh giá. Học hỏi và chọn lọc cái hay, để từ đó tìm ra thế mạnh và khẳng định phong cách riêng cho mình.

Điều đó không đơn giản nhưng cần thời gian và sự thông minh là có thể làm được. Còn nếu mãi mãi là bản sao, thì người nghe cứ đi tìm bản chính là điều hiển nhiên rồi. Ngày còn ở Việt Nam, tôi cứ nghĩ là hát nhạc Mỹ càng giống người Mỹ thì càng hay nhưng sang đấy rồi thì càng giống... thằng hề. Ở Mỹ người ta chuộng sự đặc biệt.

Nhưng rõ ràng, giọng hát của anh không phải không có nhược điểm, ví dụ như cách phát âm chẳng hạn nhưng anh khéo léo biến nhược điểm thành dấu ấn cá nhân. Nhưng có nhiều ca sĩ trẻ không có tật lại cố bắt chước nhược điểm đó của anh, anh nghĩ sao?

Tôi hát nhạc Mỹ từ bé nên đọc và hát rất hay nuốt âm nên xem ra đọc và hát tiếng Việt không chuẩn, tròn trịa lắm. Ai chẳng có nhược điểm nên ca sĩ trẻ phải rất cẩn thận. Họ phải nhìn ra được nhược điểm và tránh chứ không thể dập khuôn cả sự thiếu sót được.

Con đường khẳng định cái riêng của anh diễn ra như thế nào?

Tôi nghe nhạc nước ngoài từ bé, chủ yếu là nhạc Mỹ đủ các thể loại từ jazz đến đồng quê. Thuận lợi là gia đình tôi đều sinh hoạt văn nghệ và có nhóm nhạc riêng. Tôi không bỏ một thể loại nào, miễn là tìm được một bài nhạc hay là thích. Tôi hát nhạc Tây như một bản sao từ năm 11 tuổi và học hỏi cách lấy hơi nhả chữ kiểu Mỹ. Sau này một thời gian chỉ hát nhạc Mỹ, tôi mới quay trở lại nhạc Việt Nam.

Tôi đã học rất nhiều "thày", là những giọng ca Mỹ để có được một cách xử lý và cảm âm nhạc phù hợp với tân nhạc Việt Nam. Tân nhạc Việt hay còn gọi là nhạc tiền chiến đều là những tác phẩm ảnh hưởng nặng nề nhạc nước ngoài. Tôi cho rằng mình đã tìm đúng "thày" trước khi khẳng định được phong cách của mình. Tôi thấy mình giống Trương Vô Kỵ, cũng tôn một bức tượng đá làm thày. Nhưng ở đời là vậy, học được ai cái gì thì mình cũng là trò người ta rồi.

Tôi yêu thích tân nhạc và thực sự thích và hiểu những cảm xúc của bài hát. Các tác giả thuộc dòng tân nhạc và nhạc lãng mạn sau này có thế mạnh về ca từ, rất đẹp và sâu sắc nên tôi tìm thấy bản thân mình trong mỗi ca khúc. Ngay từ bé, bài nào tôi phải thích thì mới hát và sau này cũng vậy. Mình phải là mình trước hết. Nhưng phải công bằng mà nhận xét, thì nhạc Việt của chúng ta vẫn chú ý quá nhiều đến giai điệu mà còn thiếu nhiều về tiết tấu.

Trong sự biến chuyển cấp tiến của âm nhạc, vậy mà anh vẫn ung dung và ở trên đỉnh cao không lay chuyển. Tại sao vậy?

Cũng phải vừa làm vừa để ý đến người nghe cả đấy. Nghề hát cũng là một nghề nhiều cảm xúc, hát không người nghe thì chẳng bằng độc thoại à. Như ông Van Gogh đó, cả đời vẽ tranh mà không được ai chú ý cả. Phải sống cô đơn cả đời, đâu có biết hậu thế sau này ngưỡng mộ đâu. Tôi rất mê nhạc jazz, nhưng nhạc jazz càng đỉnh cao càng xa với quần chúng. Có những sở thích là của riêng mình nhưng cũng phải biết cái gì dành cho người nghe.

Khi ở vị trí của những thần tượng, chiều chuộng khán giả theo anh cần thiết đến mức nào?

Tôi nghĩ một người nổi tiếng có vai trò quan trọng lắm. Họ phải hướng dẫn khán giả chứ không nên đua theo và chiều chuộng khán giả được. Khán giả chỉ là những người thưởng lãm, không có thời giờ để học hỏi hay nghiên cứu âm nhạc đâu. Người làm nghệ thuật, nhất là những người được ngưỡng mộ theo tôi phải nên học hỏi nhiều hơn để giúp công chúng nhìn thấy những sự phát triển đi lên.

Anh từng nói, Mỹ Linh là một người làm được điều này. Cô ấy phủ nhận thành công và thuyết phục được công chúng đến với một Mỹ Linh thuộc miền âm nhạc mới. Anh có thể lý giải rõ hơn về nhận xét này?

Mỹ Linh là một giọng hát xuất sắc, tôi rất thích giọng hát và cách làm việc của cô ấy. Mỹ Linh hát sang trọng và trân trọng ca từ. Nghe và nhìn Mỹ Linh làm việc, tôi thấy cô ấy bộc lộ một giọng hát có văn hoá. Nghe đâu đời sống của Linh cũng rất chuẩn mực.

Trong những lần về nước, anh có hay tìm đến các chương trình ca nhạc để nhìn nhận đời sống âm nhạc trong nước?

Tôi không thích ra ngoài nhiều, về nước thường tranh thủ đi du lịch khắp nơi. Đó là sở thích riêng của cả gia đình. Nếu đi nghe nhạc, tôi thích đến phòng trà 2B của ca sĩ Mỹ Hạnh. Tuy vậy, tôi không cảm thấy thoải mái lắm khi lần nào cũng bị lôi lên hát.

Tại phòng trà Văn nghệ của bố vợ anh, ca sĩ Tùng Dương đã nhìn thấy anh ngồi nghe từ đầu đến cuối. Anh nhận xét gì về giọng hát này?

Tùng Dương có thể nói là ca sĩ trẻ xuất sắc nhất trong số những người tôi đã gặp. Ở tuổi của Dương mà đã bộc lộ những cá tính, thích làm khác mọi người, đáng quý lắm. Cậu ấy đã là một nghệ sĩ đặc biệt, hoàn toàn độc lập không giống ai. Điều tối quan trọng tôi thấy ở Dương, cậu ấy cần thêm thời gian để biết tiết chế cảm xúc riêng.

Lần trở về này, anh xuất hiện cũng rất ít dù anh ở lại Việt Nam khá dài. Vì sao vậy?

Ngay từ lần về nước đầu tiên năm 1992, tôi vẫn nghĩ khán giả của mình chỉ tương đối thôi, không nhiều và không bao giờ bằng các ca sĩ nhạc pop đương thời. Tuy vậy tôi vẫn mong mỏi những lần được đứng trên quê hương và hát. Lần trở về này đối với tôi là có nhiều cơ hội được hát trên những sân khấu sang trọng và đàng hoàng, đó là quá đủ.

Trước đây tôi muốn hát song vẫn phải thận trọng tìm được ban nhạc và người tổ chức tốt. Bây giờ tôi đã hoàn toàn tâm phục với nhạc sĩ Hoài Sa và ban nhạc của anh ấy. Tôi sẽ tiếp tục trình diễn cùng họ khi cần thiết. Mới đây tôi gặp và thực sự mê tiếng kèn của nghệ sĩ trẻ Hồng Kiên. Anh ấy và khán giả Hà Nội khiến tôi nghĩ đến một chương trình tại Hà Nội. Tôi còn trở về nhiều lần nên không cần thiết phải vội vàng.

Sự cẩn trọng của nhắc anh phải từ tốn như vậy, dù vẫn còn nhiều khán giả vẫn mong được nhìn thấy anh nhiều hơn?

Thì càng trưởng thành càng thấy sự cẩn thận sẽ tốt hơn. Trong việc gì cũng vậy, nếu có thất bại thì cũng đỡ phải ân hận là mình đã không cẩn trọng. Mình không còn con nít để làm sai điều gì cũng có thể hồn nhiên nói xin lỗi được. Tôi cẩn trọng bản tính nhưng không phải là người kỹ tính. Tôi không thích sự kỹ tính, đàn ông thì nên phóng khoáng một chút hấp dẫn hơn.

Tôi cũng chẳng có gì đến mức phải cẩn thận với báo giới cả, luôn cố gắng trò chuyện với các bạn một cách không khách sáo. Phải tránh kiểu nói thì chí lý mà ngẫm nghĩ không ra gì… (cười).

Theo Đàn Ông