Trịnh Tuấn - Người muôn năm cũ

(Dân trí) - Trong không khí cuối năm đầy hân hoan, người viết muốn giới thiệu đến quý độc giả một gương mặt “lạ mà quen” trong bộ môn nghệ thuật Thư pháp: Trịnh Tuấn- “người muôn năm cũ”.

Những ai yêu thích cái hồn “muôn năm cũ” trong bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên, cái không khí cảm động và thiêng liêng của cảnh cho chữ trong tác phầm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân hẳn có cảm nhận về những người say mê nghệ thuật thể hiện câu chữ bằng “mực Tàu, giấy đỏ”.

Trước khi thành “ông đồ gàn”…

Quê xứ Thanh, đất “địa linh” đã sản sinh rất nhiều bậc tài hoa, sự ảnh hưởng từ một vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, những gương danh nhân, anh hùng đã ảnh hưởng không ít trong chàng trai này. Thấp thoáng đâu đó về hình ảnh xa xưa của “một thời vang bóng” đã ảnh hưởng đến anh chăng? Có thể, nhưng trong hành trang đời của Trịnh Tuấn còn có cả tuổi thơ cực nhọc nhưng đầy tình yêu thương. Nếu không, hẳn Tuấn đã không lấy NICK là Quan_Di_Ngo (tên tự của Quản Trọng thuở cơ hàn) trên diễn đàn Trái tim Việt Nam để tự răn mình, nhắc mình dù đi đâu, làm gì cũng phải nhớ đến cái gốc văn hóa của mình. Nhiều người quý Tuấn hẳn cũng vì đức tính ấy.

Tiết thanh minh 15 năm về trước, trẻ con tranh nhau xem cúng với hy vọng chờ xôi, chờ thịt. Tuấn thì khác, những nét chữ như rồng bay, phượng múa trên nền giấy đỏ đã mê hoặc anh. Muốn luyện chữ trong khi cái ăn còn chưa đủ thì lấy đâu ra bút lông, mực Tàu. “Cái khó ló cái khôn”, Tuấn đã đập dập đầu tre, mài gạch non làm mực để có “dụng cụ” mà luyện chữ.

Đằng sau những câu chữ có khí, có hồn trên nền giấy dó, giấy điệp của ông đồ trẻ tài hoa có mấy ai biết được Tuấn từng phải bươn chải mưu sinh cực nhọc thế nào trong những ngày đầu vào phương Nam lập nghiệp. Ngày học tập, đêm làm việc nhưng Tuấn vẫn dành thời gian để luyện chữ. Chính những chất “đồ gàn” ngày ấy mà Trịnh Tuấn đã vượt qua tất cả khó khăn để trở thành “ông đồ thời @” như bây giờ nhiều người vẫn gọi. Riêng người viết, tôi thích gọi anh bằng biệt danh “người muôn năm cũ” hơn.

Đến ước mơ về một nền thư pháp Việt

Thư pháp, hiểu đơn giản là cách người viết đưa Tâm lực, Thần khí được tập trung cao độ của mình để thể hiện cái hồn của câu chữ. Tuy vậy, đối với Trịnh Tuấn, nhà thư pháp trẻ tài hoa mới ngoài hai mươi tuổi thì lời nhắc nhở của người thầy còn hơn cả nỗi ám ảnh. Thầy của anh cho rằng: “Hán Văn là của Trung Quốc, thư pháp cũng xuất xứ bên Tàu, nhưng khi đã vào đến Việt Nam thì cần phải có những nét đặc sắc của Việt Nam…” Chính từ lúc này, một nét bản sắc Việt trong thư pháp đã xuất hiện trong đầu Tuấn, mới chỉ mơ hồ thôi nhưng nó ảnh hưởng rất đậm nét và phát triển cho đến sau này.

Phát triển một nền thư pháp Việt ngữ, ở đó, con chữ tài hoa có thể chuyển tải được thần khí người viết, thể hiện được ý nghĩa câu chữ ở tầng bậc nghệ thuật, trở thành một nét văn hóa trong đời sống văn hóa tinh thần phong phú của người Việt. Với ước mơ đó, Trịnh Tuấn đã tự mình nghiên cứu và học hỏi các bậc tiền bối để nâng cao tay bút cả về kỹ thuật lẫn thần khí. Giảng dạy không ít lớp học trò, Trịnh Tuấn nhận ra rằng cần phải có một mô hình đào tạo cần thiết, có chiều sâu và tính liên tục. Hé lộ với người viết vài “bí mật” về một mô hình dự kiến trong tương lai gần, tôi thấy mắt anh sáng lên sự hy vọng. Cũng phải thôi, người đã coi sự thể hiện mình không phải là quan trọng thì cần gì phải dùng lời lẽ “đao to, búa lớn”. Đối với Tuấn, “…thực ra là để cầm tay cuộc đời” chứ những lần gọi là triễn lãm chỉ để “gọi cho hay”.

Và những điều chưa biết về ông đồ trẻ

 

Trịnh Tuấn - Người muôn năm cũ - 1
 

Một đoạn sử dụng đại tự trong
thư pháp Truyện Kiều

Bạn bè Tuấn nói về anh với sự thích thú và cảm phục, nhất là khi Trịnh Tuấn luôn tham gia hết mình vào các hoạt động xã hội, làm từ thiện mà không hề đòi hỏi điều gì. Được biết, Trịnh Tuấn là một trong những thành viên tích cực nhất của BIG HEART- Cộng đồng tình nguyện viên Việt Nam và Quốc tế. Những hoạt động tình nguyện mà anh tham gia luôn để lại dấu ấn rõ nét, với hình ảnh một ông đồ quần tây, áo sơ mi, điện thoại dắt túi gò lưng vẽ chữ, vì mục đích từ thiện bất kể nắng hay mưa.

Ngoài ra, “người muôn năm cũ” này còn sử dụng khá thành thạo các phương tiện kỹ thuật số và rất năng động trong công việc như nhiều thành viên 8x tích cực khác trong thời đại “số hoá”. Nhìn vào lịch làm việc của Tuấn, mọi người hẳn sẽ cảm thấy choáng ngợp, đủ thứ công việc khiến anh không có nhiều thời giờ để ngủ, và “bạn thân” hàng ngày của ông đồ này trong lúc làm việc là cà phê và trà mạn. Dẫu mệt mỏi là vậy nhưng Trịnh Tuấn vẫn rất hăng say vì anh tìm được ý nghĩa, niềm vui trong công việc mình đang làm.

Được biết, Trịnh Tuấn đang thực hiện một cuộc hành trình xuyên Việt với Truyện Kiều bằng thư pháp, trong khoảng thời gian nửa tháng cuối năm Ất Dậu. Anh sẽ thể hiện 3254 câu Kiều trên ba cuộn giấy lớn (mỗi cuộn dài 100m, rộng 0,84m), bằng hình thức gấp sóng tỉ lệ 10/100, và đang tiến vào giai đoạn cuối của việc hoàn thành tác phẩm.

Anh cho biết, tác phẩm kỷ lục này sẽ được triển lãm lần đầu tiên tại Hà Nội, trước tết nguyên đán khoảng nửa tháng và có thể sẽ tiến hành một chuyến xuyên Việt với thư pháp truyện Kiều. “Tôi chỉ muốn gửi gắm tình yêu của mình với truyện Kiều, bằng hình thức gấp sóng tác phẩm, tượng trưng cho cuộc người dúm dó những trầm tích khổ cực của Nguyễn Du và sắc nhan chìm nỗi của Nàng Kiều. Đồng thời để tỏ lòng trân trọng với Tố Như qua thư pháp…”- Trịnh Tuấn cho biết. Chúc anh thành công với dự định của mình. 

Yên Hà