Nhà văn Võ Thị Hảo:

"Tôi làm rõ chuyện này vì danh dự của tôi"

Một vụ đạo văn trắng trợn, tưởng như khó tin đã xảy ra khi một người chuẩn bị là học viên của trường viết văn Nguyễn Du copy gần nguyên đúc truyện ngắn nổi tiếng "Máu của lá" của nữ nhà văn Võ Thị Hảo và hồn nhiên đăng tải trên báo Văn nghệ số 26, ra ngày 25/6.

Để hiểu thêm sự việc, phóng viên đã có cuộc chuyện trò cùng nhà văn Võ Thị Hảo:

 

Thưa chị Hảo, truyện ngắn "Máu của lá" đã được tác giả Nguyễn Văn Quân (lấy bút danh là Phạm Minh Phong) đã đăng trên báo Văn nghệ từ ngày 25/6, tại sao giờ chị mới lên tiếng bảo vệ bản quyền?

 

Thật ra tôi chẳng mấy khi đọc báo Văn nghệ nên khi truyện ngắn này đăng dưới cái tên của người khác tôi không hề hay biết. Mãi gần đây, khi tôi thành lập công ty truyền thông Võ Thị và cho ra mắt 5 tập sách mới, trong đó có in truyện ngắn "Máu của lá"  thì một người bạn của tôi mới nói cho tôi biết rằng, truyện ngắn của tôi đã được đăng trên báo Văn nghệ trong tháng 6, chỉ có điều tác giả không phải là tôi.

 

Và chị lập tức tìm tác phẩm này trên báo Văn nghệ?

 

Đây là hành động tất yếu thôi. Ai biết tin "đứa con tinh thần" của mình bị biến thành của người khác mà chẳng "nhảy dựng" lên. Khi đọc "Máu của lá" của tác giả Phạm Minh Phong trên báo văn nghệ số 25/6, tôi thật sự bàng hoàng khi tác phẩm của mình lại bị người khác lấy cắp một cách không biết xấu hổ. Vì nó gần như y nguyên tác phẩm của tôi, chỉ có một chút thay đổi về câu chữ và tên nhân vật.

 

Khi vụ việc vỡ lở, tác giả Phạm Minh Phong đã thừa nhận không cố tình lấy cắp truyện của chị, vì tác phẩm này là của một người bạn gái tật nguyền tên là Nhung ở tận vùng sâu gửi cho. Và anh ta xúc động khi đọc tác phẩm đó nên đã thay mặt cô bạn gái gửi báo văn nghệ…

 

Đó chỉ là nguỵ biện, là việc tung hoả mù mà thôi. Tôi được biết, sau khi "Máu của lá" đăng trên báo, tên tuổi của anh ta nổi như cồn. Thậm chí dân trong nghề còn coi đó là một hiện tượng văn học trẻ. Nếu thật sự anh ta tốt tới mức giúp cô bạn gái đăng tác phẩm thì khi nhận được vinh quang thì anh ta phải nói đó là của bạn mình chứ. Đằng này, anh ta lại coi đó là thành quả của mình.

 

Nhưng anh Quân cũng đã có lời xin lỗi chị trên báo?

 

Tôi không cho đó là lời xin lỗi vì anh ta vẫn không thừa nhận lỗi của mình mà vẫn chối quanh. Việc anh ta đưa cô bạn gái tật nguyền vào chuyện này lại càng làm cho tôi thấy rõ sự không thành tâm của anh ta và thấy rõ anh ta không phải là một nhà văn có đạo đức tốt.

 

Tại sao chị lại khẳng định câu chuyện về cô gái tên Nhung là không có thật?

 

Chẳng ai có thể kiểm nghiệm được cô gái Nhung kia có viết thật hay không vì theo lời của anh Quân thì hiện cô ấy đang công tác ở một vùng rất xa xôi, hẻo lánh ở Tây Nguyên. Và anh ta còn cho biết là cô bạn này có gửi bản thảo chép tay. Nhưng khi được hỏi thì Quân lại không thể đưa cho moi người bản thảo đấy, thay vào đó là một bản do chính anh ta chép trong sổ.

 

Nói vậy là chị vẫn sẽ "làm  to chuyện" vụ này?

 

Tất nhiên là vậy. Mọi thứ vẫn chưa rõ ràng, và tôi phải có trách nhiệm với "đứa con tinh thần" của mình.

 

Nhiều người cho rằng, chị làm lớn vụ này chẳng qua để quảng bá tên tuổi cho công ty truyền thông Võ Thị mà chị và 2 cô con gái vừa thành lập?

 

Tôi xin nhắc lại, tôi làm rõ chuyện này là vì danh dự của tôi và của nhiều nhà văn khác.

Nhà văn Nguyễn Phan Hách- Giám đốc trung tâm quyền tác giả văn học: "Chỉ nên phê bình vì tác giả cũng đã nhận lỗi"

 

Tác giả Nguyễn Văn Quân (bút danh là Phạm Minh Phong) cũng đã có lời xin lỗi nhà văn Võ Thị Hảo và đã thừa nhận lỗi của anh ta là không cố ý. Anh ta chỉ có ý tốt khi giúp đỡ bạn gái của mình. Hơn nữa, tôi thấy lỗi vi phạm này không lớn lắm, đó chỉ là một truyện ngắn, có thể giải quyết nội bộ giữa các nhà văn. Nếu anh ta đã thật sự hối cải, thấy xấu hổ cho hành động của mình và đã có lời xin lỗi chính thức tới nhà văn Võ Thị Hảo thì theo tôi biện pháp xử phạt Nguyễn Văn Quân là phê bình. Việc thực hiện phê bình này sẽ có báo Văn nghệ tiến hành. Báo sẽ phải đăng đính chính, lời xin lỗi của anh Quân. Hơn nữa, tuần qua, báo chí rêu rao tên tuổi Quân suốt rồi, đó cũng là một sự trừng phạt đối với anh ta. Còn nếu như chị Hảo định kiện đến cùng sự việc này thì Trung tâm quyền tác giả cũng sẽ ủng hộ thôi vì xét về lý thì đó cũng là việc làm chính đáng.

 

Nguyễn Văn Quân (lấy bút danh là Phạm Minh Phong trong truyện "Máu của lá" in trên báo văn nghệ số 26): "Tôi không phủ nhận là đã sử dụng tác phẩm người khác"

 

Tôi xác nhận là truyện ngắn "Máu của lá" đăng tải trên số báo 26 trên Báo Văn nghệ không phải do tôi viết mà là của một cô bạn thân của tôi tên là Nhung. Cuối năm 2002, Nhung đã gửi cho tôi một truyện ngắn viết tay có tên "Máu của lá". Khi đọc xong, tôi rất xúc động và đã gửi bản thảo đến nhiều báo nhưng đều không có hồi âm. Nhưng đến năm 2005, tôi gửi lại bản thảo này cho báo Văn nghệ, lấy tên là Phạm Minh Phong vì tên đó có ẩn chứa kỷ niệm về cô bạn gái của tôi. Tác phẩm đã được sử dụng trên số 26. Tôi không hề hay biết truyện ngắn "Máu của lá" là của nhà văn Võ Thị Hảo. Tôi không phủ những sai phạm mà mình đã gây ra. Tôi thành thật xin lỗi nhà văn Võ Thị Hảo.

 

 

Theo Hà Nội Mới