Đạo diễn Đỗ Thanh Hải:

Tôi làm phim chứ không “đẽo cày giữa đường”

(Dân trí) - Năm 2007, Đỗ Thanh Hải đã trở thành Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình- VFC. Khi “sự cố” xảy ra với dự án phim Nhật ký Vàng Anh, có người duy tâm bảo “Đỗ Thanh Hải được cái này phải mất cái kia. Trời không cho ai tất cả bao giờ”.

Xin hãy tin em, Của để dành, Phía trước là bầu trời, Nhà có ba chị em… là những bộ phim truyền hình từng được công luận đánh giá cao của đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Năm 2007, Đỗ Thanh Hải đã trở thành Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình- VFC.

Khi “sự cố” xảy ra với dự án phim Nhật ký Vàng Anh, khi bộ phim Những người độc thân vui vẻ (NNĐTVV) lên sóng không có được dư luận tích cực như mong muốn, có người duy tâm bảo “Đỗ Thanh Hải được cái này phải mất cái kia. Trời không cho ai tất cả bao giờ”. Đỗ Thanh Hải cười: “Con đường đi tới của tôi là lao động, cuộc sống càng đi càng thấy những khó khăn. Người ta chỉ không gặp khó khăn khi chẳng làm gì”. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí.

“NNĐTVV vẫn còn thời gian để bàn tiếp”

Từng được quảng bá, lăng-xê rầm rộ, từng được kỳ vọng bởi dàn “sao” danh tiếng, từng được khuyếch trương với trường quay sang trọng, đắt tiền, nhưng tính đến thời điểm này, dư luận dành cho Những người độc thân vui vẻ lại là… “bất khả khen”. Hẳn một người đã quen được khen như đạo diễn Đỗ Thanh Hải sẽ không thể lường trước được “hậu quả” này?

Có thể ở thời điểm hiện tại phim chưa hấp dẫn và thu hút đông đảo khán giả nhưng Những người độc thân vui vẻ dài hơn 100 tập, đến nay phim mới phát sóng được gần 20 tập, nên chúng tôi không thấy phải quá lo lắng. Mặt khác, phim dài tập mà ngay từ đầu, có gì hay, có gì hấp dẫn đã vội vã “khoe” ra hết, phim rất dễ rơi vào tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”.

Chúng tôi đã phải cân nhắc để lần lượt đưa ra các câu chuyện và tình huống, qua đó vừa làm vừa lắng nghe phản hồi ý kiến khán giả. Đây là bộ phim sitcom đầu tiên mà cả người làm chúng tôi và khán giả cùng lần đầu tiếp cận nên chắc chắn không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu. Những người độc thân vui vẻ (NNĐTVV) được bắt đầu bằng những câu chuyện mang tính giới thiệu nhân vật trong khu nhà và một vài mâu thuẫn nhỏ, lẻ.

Mười tập sau đó, là những câu chuyện đời thường vụn vặt (hiện tại đang phát sóng). Và sau đó là những tình huống dài hơn, móc nối trong 3-4 tập, xung đột sẽ được đẩy lên mạnh hơn với những tình huống dí dỏm.

Tôi nhớ có lần anh nói, Cô gái xấu xí (CGXX) không phải là phim sitcom vì những tình huống bị kéo từ dài tập này sang tập khác. Phim sitcom phải gói gọn mỗi tập một tình huống. Liệu có phải vì thấy “người ta” thu hút được khán giả hơn nên các anh cũng học cách kéo dài tình huống, đẩy mạnh xung đột, để nhất quyết không chịu “thua chị, kém em”?

Tôi thấy những ý kiến của bạn đang cố gắng đặt ra một sự so sánh giữa NNĐTVV và CGXX , điều đó cũng tốt nhưng không phải là mục đích của chúng tôi. Mỗi khán giả xem phim sẽ có những lựa chọn riêng và chúng tôi không thể nghe một ý kiến nào đó rồi ngay lập tức phải chỉnh sửa theo. Tôi làm phim chứ không phải “đẽo cày giữa đường”. Vì vậy mà khái niệm về sự “thua chị kém em” như bạn nói là không bao giờ có với chúng tôi.

Có thể bạn thấy một bộ phim này hay, nhưng người khác không thấy bộ phim đó hay thì có ngồi tranh cãi từ sáng đến tối cũng chẳng giải quyết vấn đề gì. Quan trọng là bản thân người làm phim có đủ sự tự tin và khả năng để lựa chọn cách sản xuất ra một bộ phim tốt, điều chỉnh thay đổi những hạn chế để bộ phim thêm hấp dẫn hay không?.

Chúng tôi vẫn vừa làm vừa lắng nghe ý kiến khán giả để tích cực điều chỉnh. Những tình huống vụn vặt trong kịch bản được cắt bớt, nhưng nội dung không thay đổi. Phim vẫn còn 100 tập nữa, vẫn còn thời gian để chúng ta bàn tiếp.
 
Tôi làm phim chứ không “đẽo cày giữa đường” - 1
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải chỉ đạo một cảnh diễn trong Những người độc thân vui vẻ

Lấy ví dụ thật cụ thể, cùng lên sóng nhưng Cô gái xấu xí ít bị chê hơn vì: tiết tấu phim nhanh, lời thoại công phu, tình huống chọn lọc… Những điều mà phim của các anh- Những người độc thân vui vẻ không có!

Đấy là ý kiến và nhận xét của cá nhân bạn! Mỗi bộ phim có thế mạnh riêng và các nhà làm phim sẽ lựa chọn những hình thức sáng tạo khác nhau chứ không phải là bắt chước nhau. Không lẽ bây giờ tôi sẽ lại phải kể ra những yếu tố mà NNĐTVV có mà CGXX không có?

Với riêng Những người độc thân vui vẻ , một trong những yếu tố cơ bản để tạo ra tính hấp dẫn là lời thoại nhân vật để tạo tình huống dí dỏm. Việc này phụ thuộc rất nhiều vào đài từ và sự nhấn nhá của diễn viên.

Chúng tôi có cái khó là không phải diễn viên nào cũng có đài từ tốt và làm quen ngay được với yêu cầu làm phim trường quay ( diễn xuất và thu thanh trực tiếp). Do vậy, nếu diễn viên biết cách nhấn nhả thoại, tung hứng nhịp nhàng với bạn diễn sẽ tạo ra tình huống sinh động, dí dỏm, ngược lại nếu diễn viên đài từ chưa tốt, diễn xuất không vào nhịp với nhau sẽ thành ra ê a, dài dòng.

“Hãy xem để kiểm chứng điều tôi nói”

Vậy ra, lỗi là tại diễn viên?

Nếu theo ý tôi vừa nói ở trên thì hình như tôi không nói là “lỗi tại diễn viên”. Thể loại phim sitcom chỉ đưa ra những tình huống nhẹ nhàng, chứ không yêu cầu phải khiến khán giả cười ngặt nghẽo. Một số ý kiến của phóng viên mong muốn phim phải có các gương mặt mới để tạo ra cơ hội cho những người trẻ, một số lại muốn diễn viên phải giỏi nghề, tạo ra sức hút...

Tôi là người làm thì thấy rất rõ: với yêu cầu làm phim trường quay thì đến diễn viên chuyên nghiệp còn toát mồ hôi nói gì đến diễn viên mới vào nghề. Vấn đề đặt ra cho chúng tôi là phải bắt tay vào công việc để làm, có làm mới thấy những khó khăn và cùng nhau học cách vượt qua, chứ không phải đứng một chỗ khoanh tay nhìn rồi vỗ ngực bảo: “Tôi làm rất giỏi, làm phim hay dễ không ấy mà”!
 
Ngay trong cách dùng diễn viên, chúng tôi phải tính toán nhiều. Chúng tôi còn có những diễn hài giỏi nghề như Minh Vượng, Văn Hiệp, Công Lý, Xuân Bắc, Tự Long, … tại sao vẫn chưa đưa vào?
 
Tôi làm phim chứ không “đẽo cày giữa đường” - 2
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải và cộng sự trước một cảnh quay

Kịch bản chưa có nhiều xung đột, nhiều diễn viên diễn xuất hạn chế, vậy lỗi của các nhà làm phim ở đâu khi Những người độc thân vui vẻ không có được dư luận như mong muốn khi lên sóng?

Tôi có cảm giác bạn đến đây để muốn truy xét tận cùng về chất lượng phim NNĐTVV với ê kíp làm phim. Vậy bạn đã xem bao nhiêu tập trong NNĐTVV và hãy chỉ cho tôi một dẫn chứng cụ thể rồi chúng ta sẽ cùng trao đổi. Chứ với thực tế làm phim hiện nay, tôi dám khẳng định không có bộ phim nào làm xong mà tôi không tìm ra được những hạt sạn hay những mắc lỗi về nghề nghiệp.

Tôi tự tin với những tập tiếp của dự án phim. Bạn là khán giả, và bạn đang nói chuyện với tôi về những tập phim đang chiếu, còn tôi là nhà sản xuất, tôi đã xem trước 30 tập tiếp theo, nên tôi có cơ sở để tự tin.

Anh mang những tập tiếp theo (chưa phát sóng) để “dẫn dụ” tôi thì hẳn là khó tin rồi!

Vậy thì bạn nên tiếp tục theo dõi bộ phim để kiểm chứng những gì tôi nói.

“Nếu gặp sự cố tương tự Vàng Anh, tôi sẽ chọn hai từ: Trải nghiệm”

Thời gian vừa qua, dư luận lại xôn xao xung quanh việc các đối tượng phát tán Clip sex của Hoàng Thuỳ Linh chuẩn bị ra toà nhận án. Có thể nói, “sự cố” Vàng Anh xảy ra năm 2007 có thể xem là một rủi ro lớn đối với các nhà làm phim. Chương trình chia tay Vàng Anh sau đó khiến nhiều người phẫn nộ. Nhắc lại “sự cố” Vàng Anh, đến giờ phút này, anh có suy nghĩ khác đi?

Mỗi người nhìn sự việc dưới góc độ khác nhau. Cái nhìn của người trong cuộc và người ngoài cuộc bao giờ cũng khó để tìm đến sự đồng thuận, nhất lại ở những vấn đề gây tranh cãi. Chỉ có những người trong cuộc mới hiểu được bản chất của vấn đề và dĩ nhiên sẽ gặp những khó khăn và áp lực rất lớn khi đứng trước dư luận. Giữa Lý và Tình chỉ được chọn một trong hai.

Và trong vụ việc Vàng Anh, anh đã chọn chữ Tình?

Phần nào đó là như vậy.
 
Tôi làm phim chứ không “đẽo cày giữa đường” - 3
"Giữa lý và tình chỉ được chọn một trong hai"

Nếu một “sự cố” tương tự xảy ra với một diễn viên khác, anh có còn tiếp tục chọn chữ Tình?

Tôi sẽ chọn chữ Trải nghiệm. Sự việc lúc ấy sẽ được nhìn nhận, đánh giá, và xử lý dưới góc độ trải nghiệm, chúng tôi sẽ phải xem thời điểm ấy, hoàn ảnh lúc ấy, dư luận xã hội khi ấy như thế nào nữa. Mọi sự việc đều phải được đặt vào bối cảnh cụ thể của nó để giải quyết.

“Tôi không thuộc tuýp người thích đưa chuyện riêng tư lên báo”

Sau sự cố, anh và những người thực hiện dự án phim Nhật ký Vàng Anh chịu không ít những hệ luỵ “tai bay vạ gió”. Hỏi anh một câu có chút riêng tư, Hoàng Thuỳ Linh có khi nào nói một lời cảm ơn, xin lỗi với những người từng “có cái nhìn thiện chí hơn với người có tội” giữa bối cảnh dư luận chấn động nhất?

Chuyện đã qua và tôi không muốn nhắc lại nữa.

Né tránh những câu hỏi liên quan đến cuộc sống riêng, anh muốn giấu mình?

Để làm nổi bật mình, mỗi người sẽ chọn cách khác nhau, có người né tránh giới truyền thông, có người dùng scandal, có người phát ngôn gây sốc, có người đưa chuyện riêng tư lên báo, có người chỉ muốn làm tốt công việc… Tôi không thuộc tuýp người thích ồn ào và đưa chuyện riêng tư lên báo.

Cảm ơn anh vì buổi trò chuyện!

Lâm Ngọc thực hiện