Thanh Phương: “Tôi không đẹp trai, nhưng có duyên”

Nhắc đến nghề của Thanh Phương thì chỉ có một, diễn kịch, nhưng nghiệp thì phải đến ba: ca hát, đóng phim và viết kịch bản. Ở mỗi lĩnh vực anh đều ghi dấu ấn không nhỏ, nhưng đậm nhất trong lòng mọi người vẫn là Dũng, vai diễn đồng tính trong bộ phim "Công ty thời trang" của đạo diễn Đinh Đức Liêm.

Miệt mài để có được một chỗ đứng trong sân khấu kịch TPHCM, nhưng lại được biết nhiều hơn với vai Dũng ở lĩnh vực điện ảnh, anh nghĩ sao về cơ duyên của mình với nghệ thuật thứ bảy?

 

Thật ra thì tôi cũng mới chạm ngõ điện ảnh nên chưa thể nói được gì về lâu dài, chỉ nghĩ đơn giản nếu duyên đến thì mình sẽ vẫn tiếp tục. Tôi có đến 3 niềm đam mê: điện ảnh, âm nhạc và kịch. Tuy nhiên, nếu phải chọn một, ưu tiên số một vẫn là kịch.

 

Khi nhận vai diễn điện ảnh đầu tiên, điều gì làm anh suy nghĩ nhiều nhất?

 

Trước đây tôi đã để vuột mất nhiều cơ hội và cảm thấy hối tiếc nên không muốn lặp lại điều đó một lần nữa. Lần này, với một vai mà mình có rất nhiều cảm hứng tôi tự nhủ phải làm hết mình. Thực tế là trước khi "trở thành" Dũng, tôi đã tìm hiểu thực tế rất kỹ, từ việc xem phim nước ngoài đến gặp gỡ các nhà thiết kế để tìm hiểu tính cách của họ và đưa vào vai diễn.

 

Giới tính của nghệ sĩ đang trở thành một đề tài rất được dư luận quan tâm. Qua vai diễn một người đồng tính, anh muốn nói điều gì với khán giả?

 

Tôi nghĩ giới tính thứ ba đã tồn tại từ rất lâu, nhưng vấn đề là với thời đại thông tin ngày nay, người ta biết đến nó nhiều hơn và nó... bỗng trở nên quan trọng hơn. Tôi quan niệm đây là một hiện tượng hết sức bình thường. Mọi người nên có một cách nhìn khác về những người đồng tính, họ cũng là một con người và xứng đáng được đối xử như bao người khác.

 

Tôi thấy một thực tế trong xã hội bây giờ là người ta chỉ quen nhìn người đồng tính với những việc xấu: giết người, ăn chơi trụy lạc... rồi đồng nghĩa luôn với số đông. Theo tôi, như vậy là hoàn toàn sai lầm. Tôi thể hiện Dũng với tính cách hài chứ không đơn thuần là một vai phản diện cũng để mọi người có cách nhìn thoáng hơn về những người thuộc giới tính thứ ba.

 

Quá nhập vai tới mức nhiều người lầm tưởng anh cũng thuộc giới tính thứ ba. Ngoài đời anh có gặp sự cố nào từ việc hiểu nhầm này?

 

Với người thân, bạn bè thì chưa thấy sự cố gì, nhưng với báo chí thì thấy rồi. Sau vai diễn, phóng viên của một tờ báo đã viết một bài phỏng vấn tôi ngon lành dài cả trang, mặc dù tôi chưa hề tiếp xúc với anh ta lần nào. Tiếp cận khán giả là mơ ước của diễn viên trẻ chúng tôi, nhưng làm như vậy tôi cảm thấy mình không được tôn trọng.

 

Ban ngày đóng phim, ban đêm diễn kịch, có khán giả cho rằng hiện nay Thanh Phương quá đa đoan trong nghệ thuật, anh nghĩ sao?

 

Nếu làm tốt thì không thể gọi là đa đoan phải không? (cười). Với tôi, kịch là niềm đam mê số một nhưng khi đến với điện ảnh, tôi không nghĩ đây là một cuộc dạo chơi như nhiều người ngoại đạo khác nên tự nhủ là phải đầu tư nghiêm túc. Tôi nghĩ mình đang sống thật với cả 2 niềm đam mê.

 

Trước đây anh từng đoạt giải 4 tiếng hát truyền hình TPHCM, vì sao anh lại bỏ ngỏ lĩnh vực này?

 

Tôi không còn muốn đi hát nữa vì đơn giản thấy mình không phù hợp với dòng nhạc thị trường mà số đông ưa chuộng hiện nay. Bây giờ, tôi vẫn hát trong những vở kịch có nhạc của Idecaf nên cũng đỡ nhớ.

 

Anh có thể nói gì về công việc viết kịch bản?

 

Viết chỉ đơn thuần là để giải tỏa thôi. Tôi không nghĩ mình có thể trở thành người viết chuyên nghiệp mà chỉ là một diễn viên thích viết.

 

Trong cuộc sống, khán giả có thể hình dung chân dung của một Thanh Phương như thế nào?

 

Người hơi bảo thủ, không kiên nhẫn, yêu ghét rất phân minh, dễ hoà đồng. Còn về hình thức thì không đẹp trai nhưng... có duyên (cười), mọi người nói đấy.

 

Theo Đỗ Duy

Vnexpresss