“Thần đồng đất Việt”: Cú đột phá tạo sốc hay...?

(Dân trí) - Trong khi “Thần đồng đất Việt”, một bộ truyện tranh Việt Nam mang đậm phong cách manga Nhật Bản nhận về không ít lời chỉ trích và phê phán về khả năng gắn kết sự kiện lịch sử với nội dung, thì nhà đài VTC quyết định “ra lò” phiên bản gameshow cùng tên.

Liệu đây là một cú đột phá tạo sốc cho trò chơi truyền hình dành cho thiếu nhi trên VTC hay là sự phiêu lưu của chủ nhiệm chương trình Thế Hoàng?

 

Ảnh hưởng từ sự thành công của truyện tranh

 

Là sản phẩm của một công ty tin học tư nhân, nhưng “Thần đồng đất Việt” lại độc chiếm ngôi đầu bảng thị trường tranh truyện nội địa với số lượng phát hành 10.000 bản/tập. Nhân vật Trạng tí, Dần béo… đã trở nên rất đỗi quen thuộc với các em nhỏ mê truyện tranh. Hình ảnh mái đình, khóm tre đầu làng và cả hai chiếc răng cửa “to đùng” của tuổi ngậm kẹo đã khéo léo lồng ghép trong từng tích truyện của mỗi tập Thần đồng.

 

Có lẽ, hiệu ứng của truyện tranh đã là ý tưởng cho những người sản xuất chương trình lựa chọn bộ quần áo nâu - vàng cho thí sinh, hình ảnh Khuê Văn Các đại diện cho tinh thần hiếu học và được tôn vinh của Trạng tí…

 

Đặc biệt, thay cho việc thi Hương, thi Hội, thi Đình, nhà sản xuất chương trình chủ động xây dựng phiên bản “Thần đồng đất Việt” với 4 vòng chơi chính thức: Nhanh lên nào, Mưu trí vượt khó khăn, Đến thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám Đường đến vinh quang. Ngoài ra còn một vòng thi đặc biệt mang tên Tỏa sáng năm châu dành cho các thí sinh xuất sắc nhất. Các vòng thi được thể hiện dưới hình thức câu hỏi lựa chọn (Multiple Choice) phổ biến trong các đề thi hiện nay.

 

Nhìn chung, câu hỏi đã được Ban cố vấn của chương trình cân nhắc rất kỹ lưỡng để phù hợp với trình độ của các em học sinh tiểu học và đặc biệt hơn là “sửa” lỗi cho bộ truyện tranh về tính mô phạm và gắn liền với kiến thức chuẩn các em được tiếp cận. Phiên bản gameshow này của VTC đã đánh giá “thần đồng” trên cả hai phương diện là kiến thức và cả khả năng thiên bẩm.

 

“Thần đồng đất Việt”: Cú đột phá tạo sốc hay...? - 1
 Bìa một cuốn truyện tranh "Thần đồng Đất Việt".

Có hay không một “Đường lên đỉnh Olympia” thứ 2?

 

Thế nhưng, khi theo dõi Gameshow đầu tiên được phát sóng vào ngày 1/6/2006, không ít khán giả có ý kiến cho rằng nội dung của “Thần đồng đất Việt” khá giống với một gameshow của VTV3 đã gắn bó với bạn xem truyền hình 7 năm nay - “Đường lên đỉnh Olympia”. Mặc dù tên gọi khác nhưng những chặng đường cần vượt qua, hình thức và cách thức đặt câu hỏi cho đến cách vinh danh người chiến thắng... là khá giống. Có khác chăng chỉ là đối tượng thí sinh tham gia mà thôi!

 

Dù vẫn còn một chút băn khoăn từ phía khán giả, nhưng đó là một phiên bản còn rất mới nên cần thời gian để hoàn thiện về nội dung, về cách thức thể hiện cũng như mức độ phủ sóng của chương trình. Song một điều rõ ràng, “Thần đồng đất Việt” đang nhận được sự đánh giá khá tốt của dư luận đặc biệt các em nhỏ trong độ tuổi thiếu nhi.

 

Việc phát triển gameshow theo hướng trí tuệ hoá nhiều hơn so với vận động đã tạo điều kiện cho các em nhỏ cập nhật thêm thông tin mới, chia sẻ và cùng thử sức mình trên mỗi chặng đường gian nan của chàng Trạng tí và hơn cả là gieo vào lòng các em một ước mơ, một hoài bão để vươn tới: “Em sẽ là Thần đồng đất Việt”.

 

Kiều Vũ