Tác phẩm Vũ Trọng Phụng bị vi phạm bản quyền

Năm 2004, Hãng Việt Phim sản xuất "Bẫy tình" dựa trên tác phẩm "Làm đĩ" và "Lục xì" của nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939). Đầu năm 2001, sân khấu kịch Phú Nhuận dựng "Số đỏ" và hiện đang dựng tiếp tác phẩm nữa. Nhưng đến nay, cả hai nơi vẫn chưa trả tiền tác quyền cho gia đình nhà văn.

Số đỏ" nhưng luôn không may...

 

Là tác giả Số đỏ, nhưng  số phận của nhà văn Vũ Trọng Phụng  không được may mắn. Sau khi ông qua đời, từ giữa những năm 50 thế kỷ trước, các tác phẩm của ông không được tái bản. Mãi đến năm 1983, Vỡ đê mới được in lại.

 

Năm 1989, con gái duy nhất của nhà văn - bà Vũ Mỵ Hằng (nay đã mất) làm đơn xin Bộ VHTT, Hãng Bảo hộ bản quyền tác giả VN cho gia đình được hưởng quyền tác giả (tức nhuận bút) của nhà văn thêm 30 năm nữa. Đơn được chấp thuận và Hãng Bảo hộ bản quyền tác giả VN đã cấp sổ bảo hộ "tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật đã được đăng ký", trong đó có 28 tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Bất cứ đơn vị, cá nhân nào xuất bản hay làm phim liên quan đến tác phẩm nhà văn đều trả tiền nhuận bút cho gia đình.

 

Theo ông Nghiêm Xuân Sơn - con rể của nhà văn, tất cả biên lai, tổng số tiền nhuận bút được trả  (chừng 70 triệu) ông đều thay mặt gia đình cất giữ kỹ dành vào việc hương khói, xây mộ, xây nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng, đúc tượng. Ông đang ấp ủ việc lập quỹ văn học Vũ Trọng Phụng trao cho những cây bút trẻ tài năng...

 

"Làm sao chứng minh anh là con rể cụ Phụng?"

 

Ngày 10/5, ông  Sơn cho biết, ông từng đến sân khấu kịch Phú Nhuận gặp NSƯT Hồng Vân để hỏi về vấn đề tác quyền. Chị Hồng Vân cho  ông một số giấy mời đi xem; còn tiền bản quyền, chị nói đã trả hết cho anh Lê Chí Trung (tác giả chuyển thể). Ông cũng đã đến gặp anh Trung, song anh cứ hẹn lần hẹn lữa. Cuối tháng tư vừa rồi, ông Sơn thay mặt gia đình  đến gặp đại diện Hãng Việt Phim, nhưng đến nay vẫn chưa  có hồi âm. 

 

Đại diện Hãng Việt Phim - đạo diễn Lê Cung Bắc cho rằng, nếu ông Sơn bảo đảm các chứng từ theo đúng quy định của Cục Bản quyền, trong đó nhấn mạnh tác phẩm được bảo hộ bao nhiêu năm, có kéo dài thời gian thêm không, thì Việt Phim sẽ giải quyết tiền nhuận bút.

 

Ông giải thích: "Ông Sơn không có gì để chứng minh là con rể cụ Phụng. Theo chỗ chúng tôi biết, sau 50 năm, tác phẩm của nhà văn đã trở thành tài sản chung". Còn ông Lê Chí Trung cho biết: "Nếu ông Sơn đưa ra giấy tờ chứng minh Cục Bản quyền bảo hộ tác phẩm thêm 30 năm, cũng như  giấy chứng nhận ông là người thừa hưởng hợp pháp, thì chúng tôi sẽ chi trả nhuận bút".

  

Theo Minh Thi

Lao Động