Tác giả “Lụa”: “Tôi rất ấn tượng về Việt Nam!”

(Dân trí) - Chiều 23/3/2010, nhà văn nổi tiếng Alessandro Baricco đã có buổi gặp gỡ với những người yêu thích tác phẩm của ông taị Hà Nội. Buổi nói chuyện ngắn ngủi nhưng rất thú vị bởi những lời chia sẻ rất duyên dáng của ông về văn chương cũng như đất nước Việt Nam.

Đánh giá cao giọng điệu riêng trong tác phẩm văn học

Alessandro Baricco sinh năm 1958 tại Turin và được đánh giá là nhà văn đồng thời là nhà soạn nhạc thành danh nhất nước Ý hiện nay. Mỗi câu chuyện của ông thu hút người đọc bởi giọng điệu rất riêng và đặc biệt, đó dường như là sự hòa quyện giữa thi ca và các yếu tố thú vị khác của cuộc sống.

Bạn đọc Việt Nam được làm quen với nhà văn nổi tiếng này qua hai tác phẩm: Lụa (Seta, 2007, NXB Văn học và công ty Nhã Nam) và Đại dương biển (Oceano Mare, 2009, NXB Văn hóa Sài Gòn và công ty Nhã Nam).

Nói về văn chương, Alessandro Baricco đánh giá cao giọng điệu riêng trong câu chuyện: “Ý tưởng thường là những chuyện đơn giản trong cuộc sống, nhưng cách kể thì tôi thường phải mất từ hai đến ba năm cho một câu chuyện”.
 
Tác giả “Lụa”: “Tôi rất ấn tượng về Việt Nam!” - 1
Nhà văn Alessandro Baricco đã có buổi gặp gỡ với
những người yêu thích tác phẩm của ông taị Hà Nội, chiều 23/3

Chính điều này đã khiến Baricco quyết định cùng với 4 người bạn mở một trường dạy nghệ thuật kể chuyện. Ông đặt tên trường là Holden, lấy cảm hứng từ nhân vật Holden Caulfield đầy cá tính, bị nhiều trường học từ chối trong tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh (của nhà văn Mỹ J. D. Salinger).

“Chúng tôi muốn lập một ngôi trường phù hợp với những giáo viên và sinh viên có cá tính “điên điên khùng khùng”, ông tâm sự. Ông cho rằng sáng tạo nghệ thuật phải có cá tính, học một cách tự do chứ không bị ép buộc vào khuôn khổ, như thế thì các tính sáng tạo mới được phát huy. Vì vậy, bài học đầu tiên của họ khi vào trường cũng không giống ai: học leo núi trong ba ngày.

Ông lý giải, trong quá trình leo núi, tính cách của mỗi học viên sẽ bộc lộ và cuối cùng, khi đêm xuống, mọi người sẽ nghỉ ngơi và kể cho nhau những gì họ đã làm trong ngày. Đó là cách học tường thuật lại câu chuyện. Có những nguyên tắc, tiêu chuẩn để trở thành một người kể chuyện giỏi nhưng những nguyên tắc đó không quan trọng bằng việc mỗi học viên phải tự tìm cho mình một giọng điệu riêng.

Nói về tác phẩm Lụa, một tác phẩm được nhiều bạn đọc Việt Nam yêu thích, Baricco dí dỏm: “Tôi không biết nhiều về Nhật Bản, những gì tôi viết trong đó đều là sự tưởng tượng về một Nhật Bản vào cuối thế kỷ XVIII. Và, tôi cũng không biết tôi ảnh hưởng văn hóa phương Đông từ đâu!” Vì vậy , Lụa cuốn hút người đọc không phải chỉ bởi hiện thực được nói đến câu chuyện mà còn vì một tình yêu bất diệt với nỗi nhớ thương khắc khoải của hai con người ở hai thế giới Đông - Tây.

Nói về bộ phim Lụa được chuyển tải từ tác phẩm của mình, Baricco thừa nhận bộ phim đã tái hiện những cảnh rất đẹp, nhẹ nhàng và tinh tế, nhưng ông không còn thấy được tính gợi cảm như trong tác phẩm truyện. “Trong Lụa có nhiều điều bí ẩn mà bức màn chỉ được vén lên vào cuối truyện. Văn học có thể làm được điều này nhưng điện ảnh thì không”, ông lý giải.

“Tôi rất ấn tượng về Việt Nam!”

Có khá nhiều độc giả quan tâm đến những suy nghĩ của nhà văn về cuộc sống thường ngày. Rằng, “Ông muốn trở thành một nhà văn bán được nhiều sách cho độc giả hay muốn trở thành một nhà văn được giới phê bình đánh giá cao?”
 
“Tôi muốn cả hai, nhưng nếu lựa chọn thì tôi chọn các bạn, không phải vì tiền cho dù điều đó quan trọng mà bởi vì các bạn dễ chịu hơn. Nếu như đi ăn tối với một người trong các bạn và với một nhà phê bình, thì tôi sẽ đi cùng các bạn”, nhà văn chân thành thổ lộ.
 
Tác giả “Lụa”: “Tôi rất ấn tượng về Việt Nam!” - 2
Tác phẩm "Lụa" được đông đảo khán giả Việt Nam yêu thích

Tác giả Lụa rất thoải mái, hài hước và cuốn hút trong suốt buổi trò chuyện. Chia sẻ những điều thú vị về đất nước Việt Nam, Baricco nói rằng: “ Tôi có những ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam. Tôi yêu những âm thanh của Việt Nam. Tôi thích cách mà các bạn di chuyển trên đường, giống như là sự di chuyển của các loài cá, cho dù tôi đi ở đường và có nhắm mắt thì cũng không bao giờ bị đâm phải. Tôi yêu vẻ đẹp của các cụ già Việt Nam. Yêu cái cách các bạn không bao giờ nhắc lại chiến tranh”. 

Ông khẳng định với một đất nước dài và hẹp như Việt Nam sẽ có những sự sáng tạo nghệ thuật thành công bởi chính sự dài và hẹp của đất nước khiến chúng ta di chuyển khó khăn, buộc chúng ta phải có đầu óc tưởng tượng phong phú để tạo nên những con đường cho riêng mình, sự tưởng tượng ấy sẽ góp phần tạo nên sự thành công trong văn chương, vì văn chương chính là tưởng tượng.

Ông cũng chia sẻ, ở Ý, rất ít người biết đến văn học Việt Nam, người ta chỉ biết đến một tác phẩm duy nhất là Tướng về hưu được dịch sang tiếng Ý. Và, Alessandro Baricco sẵn lòng góp sức để đưa văn học Việt Nam đến gần với độc giả Ý hơn.

 Điệp Trần