“Sự ra đi của thầy Quý Dương, dẫu biết trước mà đau đớn quá!”

(Dân trí) - Thông tin NSND Quý Dương, bố của NSƯT Chí Trung “trở về với cát bụi” chiều ngày 28/6 khiến không chỉ gia đình, bạn bè mà còn rất nhiều nghệ sĩ trẻ không khỏi tiếc thương, đau xót.

“Sự ra đi của thầy Quý Dương, dẫu biết trước mà đau đớn quá!” - 1

Vợ chồng NSND Quý Dương (giữa) cùng gia đình con trai,NSƯT Chí Trung

 
Ca sĩ Phương Thảo: Tôi đã lặng đi khi nghe tin thầy Quý Dương mất chiều 28/6. Dù biết thầy chiến đấu với bệnh thận đã lâu nhưng nghe tin này, thế hệ học trò chúng tôi không khỏi đau lòng. Ngày hôm qua, 29/6 tôi đã ở nhà thầy ở phố Quan Hoa - Cầu Giấy, ở bên cô Thư - người vợ hiền dịu của thầy cả ngày. Anh Chí Trung và người thân mỗi người bận rộn một việc, còn cô Thư ngồi lặng lẽ. Nhìn cô tiều tụy, ai cũng thương…

Tôi muốn chia sẻ rằng, trong con đường học tập, có hai người thầy có ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của tôi đó là thầy Quý Dương và thầy An Thuyên. Thầy An Thuyên là người đã phát hiện ra giọng ca của Thảo trong một buổi ca nhạc trong trường. Từ đó, thầy có sự dìu dắt, giúp đỡ Thảo, hướng Thảo tới dòng nhạc dân gian, và đã đạt giải tại Sao mai 2003.

Còn thầy Quý Dương khiến tôi ngưỡng mộ bởi sự nhẹ nhàng, hồn hậu, luôn tạo cho học trò cảm giác bình yên và luôn dành những gì tốt nhất cho học trò.
 
“Sự ra đi của thầy Quý Dương, dẫu biết trước mà đau đớn quá!” - 2

Ca sĩ Phương Thảo

Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được thầy Quý Dương coi là “học trò cưng”. Tôi vẫn luôn nhớ lần đầu tiên gặp chào thầy, thầy quay lại hiền từ: “Bác chào cháu”. Ngày mới vào trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Quân đội, tôi còn dại khờ non nớt. Được thầy động viên khích lệ, tôi ngày càng cố gắng và dần vượt lên top đầu.

Tôi còn nhớ khi học thầy, năm 2000 thì phải, có 2 học kỳ tôi phải thi chuyên ngành, không có tiền mua áo dài, tôi phải mặc quân phục. Thấy tôi mặc quân phục, thầy bảo sao con không mặc áo dài cho đẹp. Biết hoàn cảnh của tôi, thầy đã cho 4 trăm ngàn để tôi may áo dài. Và tôi đã có được chiếc áo dài đầu tiên trong đời. Đó là kỷ niệm đẹp suốt đời này tôi không thể nào quên.
 
 
“Sự ra đi của thầy Quý Dương, dẫu biết trước mà đau đớn quá!” - 3

Ca sĩ Trọng Tấn

Ca sĩ Trọng Tấn: Tuy không được trực tiếp học NSND Quý Dương nhưng tôi biết chú là một trong những người thầy dạy giỏi và có uy tín nhất. Có thể nói chú là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam.

Ấn tượng của tôi về NSND Quý Dương là sự chỉn chu, cẩn thận, kỹ tính trong việc dựng bài và truyền đạt lại cho học trò. Tôi từng được dự 1-2 buổi dạy của chú và cảm thấy rất yêu thích giờ học của chú. Sự phúc hậu, nhẹ nhàng, cẩn thận là những điều mà bất cứ nghệ sĩ trẻ nào cũng có thể cảm nhận.

Thật tiếc là chú đã ra đi. Dù biết chú ốm từ lâu nhưng nghe thông tin này các học trò của thầy cũng không khỏi thảng thốt. “Những người cùng thế hệ như thầy còn đứng trên bục giảng truyền đạt cho các học trò mà thầy Quý Dương đã…”, thật đáng buồn!

Ca sĩ Quỳnh Hoa: Biết thầy trọng bệnh đã lâu nhưng vì tính thầy lạc quan quá nên tôi nghĩ thầy sẽ còn ở trên đời thêm nữa. Ngày gần đây nhất, hai vợ chồng tôi vào thăm thầy.

Lúc đó, ông vừa vào cấp cứu ở bệnh viện Việt Xô, ông cười tươi rói, nói rất nhiều chuyện mặc dù vừa hút dịch phổi và tim mạch rất nguy kịch.

Ông còn đùa bảo rằng: “Đấy con xem, bố vẫn có thể hát được đây này. Những bệnh nhân cùng nằm ở khoa này, họ thèm được như bố lắm đấy con ạ”.
 
“Sự ra đi của thầy Quý Dương, dẫu biết trước mà đau đớn quá!” - 4

Ca sĩ Quỳnh Hoa

Đối với Quỳnh Hoa, ngoài được thầy dạy dỗ, nhắc nhở việc học thanh nhạc tận tình, thầy còn quan tâm đến cả cuộc sống gia đình Quỳnh Hoa nữa. Khi nào gặp, thầy và vợ thầy - cô Thư cũng hỏi thăm: “Chồng con dạo này thế nào? Vẫn phải đi làm suốt ngày phải không? Các cháu ra sao...., thầy không quên một chi tiết nào”.

Có một buổi tối đến thăm thầy, tôi đi một mình. Ông hỏi ngay: “Chồng con đâu? Sao hôm nay lại đi một mình thế này”. Rồi ông dặn dò như một người cha: “Con phải tốt với chồng con đấy nhé. Mình là người làm nghệ thuật, gặp được người biết thông cảm và yêu thương mình là may mắn lắm đấy”.

Tôi không biết nói gì hơn, chỉ còn biết cầm cánh tay ông, cánh tay với những vết bầm và những nốt to sưng phồng vì truyền nước chạy thận. “Vâng, con hứa, bố ạ”. Thầy cười và nhìn sang cô Thư với ánh mắt đầy trìu mến. Tôi biết cô Thư ngày xưa rất đẹp và từng hát rất hay. Cô thường hát bài Mời anh đến thăm quê tôi. Đến khi lập gia đình với thầy, cô không đi hát nữa mà trở thành người vợ đảm đang, tháo vát, dịu dàng, nâng đỡ ông rất nhiều, nhất là trong nửa cuối cuộc đời.

Sự ra đi của thầy Quý Dương, dẫu biết trước mà vẫn đau đớn quá.!Vẫn thấy văng vẳng bên tai những bản tình ca thầy hát: “Ngày xưa tôi thầm yêu một nàng thiếu nữ, tóc em dài như gió mùa thu...” Thầy như một biểu tượng về cái đẹp trọn vẹn ở trên đời này…
 
“Sự ra đi của thầy Quý Dương, dẫu biết trước mà đau đớn quá!” - 5

Ca sĩ Tuấn Hiệp

Ca sĩ Tuấn Hiệp: Nghe thông tin về sự ra đi của NSND Quý Dương, nghệ sĩ trẻ như chúng tôi không khỏi thương tiếc. Tôi và nhiều đồng nghiệp muốn có mặt chia buồn cùng gia đình thầy, mong thầy ra đi bình yên, thanh thản.

Dù không trực tiếp được thầy dạy bảo nhưng hình ảnh thầy ngồi bên cây đàn piano truyền đạt cho học trò vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi. Tôi biết mình có học hỏi, hay nói cách khác là ảnh hưởng từ thầy Dương cách truyền tải tâm hồn qua từng lời hát…

Nói về thầy Dương, các học trò luôn nói về một người thầy đức độ, hiền lành và được mọi người quý trọng. Đối với tôi, thầy Dương hát tình ca rất hay, tôi mê giọng thầy qua các ca khúc như Ngọn đèn đứng gác, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Bài ca bên cánh võng… Tôi có hát lại các bài hát thầy từng thể hiện nhưng không dám khẳng định hay được như thế.

 

N.H ghi