Sarah Chang: “Nếu ta sinh ra xinh đẹp thì…”

(Dân trí) -“Với nghệ sĩ cổ điển thì hoặc là biểu diễn hay hoặc không, chứ không thể dùng điều gì khỏa lấp được. Nếu ta sinh ra xinh đẹp thì rất cảm ơn bố mẹ, nhưng sẽ dừng lại ở đấy, tài năng mới là cuối cùng”, nữ nghệ sĩ Mỹ gốc Hàn Sarah Chang chia sẻ.


Sarah Chang: “Nếu ta sinh ra xinh đẹp thì…”

Kể từ khi ra mắt lần đầu tiên vào năm 8 tuổi cùng Dàn nhạc Giao hưởng New York, đến nay, qua hơn hai thập niên hoạt động nghệ thuật, Sarah Chang đã thực hiện các buổi hòa nhạc quốc tế với những dàn nhạc, nhạc trưởng và những người đệm đàn tên tuổi nhất
 

Khi chị còn nhỏ, đã được hỗ trợ thế nào để phát triển như ngày nay?

 

Chắc chắn tôi có ngày hôm nay là sự hỗ trợ to lớn từ người bố tuyệt vời, người mẹ mạnh mẽ nhiệt tâm cùng một nhà quản lý và các đại diện âm nhạc, hãng đĩa lớn. Có người đại diện cho thị trường Mỹ, Châu Á, Latin. Thậm chí có lúc nhóm tôi lên đến 29 người mà tôi cũng không nhớ tên hết. Có 1 nhóm như vậy kể từ năm 8 tuổi, rất cẩn thận để nhóm này chia sẻ cùng 1 tầm nhìn với nhau. Tức là không phải chỉ là việc hôm nay tôi sẽ biểu diễn ở thành phố nào, biểu diễn cái gì, mà vấn đề là tầm nhìn chiến lược cho 1 thời gian dài, không chỉ cho 8 tuổi mà đến năm 38 tuổi thì nghệ sĩ sẽ làm công việc gì, sẽ biểu diễn cái gì, đó là chiến lược mà cả nhóm cần hoạch định với nhau, để tránh sự kiệt sức. 
 

Hai lần sang VN, chị nghĩ các nghệ sĩ VN cần điều kiện gì để đạt tới đỉnh cao?

 

Tôi không có 1 công thức nào ở đây, nếu có chắc tất cả các bà mẹ trên thế giới đã theo để con cái mình thành thiên tài hết rồi. Nhưng theo tôi nghĩ, người nghệ sĩ cần có 1 tài năng thiên bẩm, trời phú, không thể chỉ có học mà được. Cần tập luyện hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, không gì thay thế được sự cần cù, cái này không có đường tắt. Ngoài ra cần có tình yêu, sự háo hức được biểu diễn trên sân khấu. Những thứ khác như quản lý, đại diện có thể đi thuê. Nhưng riêng tình yêu dành cho biểu diễn thì luôn phải mới mẻ. Đó là sự nuôi dưỡng mà người nghệ sĩ cần luôn đạt tới trong sự nghiệp, làm liên tục để đạt tới đỉnh cao. Tôi cho rằng đấy là những yếu tố cho 1 nghệ sĩ thực sự. Ngoài ra, tài năng không phải thứ được marketing mà phải là thứ ai cũng công nhận.
 
Sarah Chang: “Nếu ta sinh ra xinh đẹp thì…”
Năm 2011, Sarah Chang được phong danh hiệu “Đại sứ nghệ thuật của Mỹ”.

 

Chị có dự định sẽ truyền tình yêu, niềm đam mê cho con cái mình sau này?

 

Nếu tôi có con, chắc chắn tôi muốn con tôi nhận được sự giáo dục và thích thú với âm nhạc. Nhưng tôi không chắc có muốn chúng nối nghiệp mình hay không. Tôi đã phải hy sinh rất nhiều những điều thú vị trong cuộc sống riêng tư. Tôi phải di chuyển mỗi tuần giữa các thành phố trên thế giới, trừ khi bạn cực kỳ yêu thích âm nhạc, thích được đi khắp thế giới, nếu không bạn không thể làm được. Riêng tôi rất hạnh phúc khi được làm công việc này, nhưng với nhiều đứa trẻ chúng cho rằng đó là sự hy sinh quá lớn. Với con cái của mình, tôi mong chúng có 1 cuộc sống bình thường hơn.

 

Cảm xúc của chị trong mỗi buổi biểu diễn có gì khác nhau?

 

Chắc chắn là có sự khác biệt, nhất là khán phòng, khán giả khác nhau thì cảm xúc cũng khác nhau. Con người chúng ta không phải là robot, mỗi lần như vậy cảm xúc của chúng ta bị ảnh hưởng bởi yếu tố xung quanh, nó cũng ảnh hưởng đến cách biểu diễn và truyền tải đến khán giả.

 

Có vẻ như chị thích  lưu diễn nhiều hơn là việc đầu tư thu âm?

 

Đây là cách thức thường gặp của các nghệ sĩ cổ điển, họ đi lưu diễn rất nhiều. Như tôi, một năm tôi đi lưu diễn 100 lần, cứ 2 năm 1 lần tôi mới có thời gian ghi đĩa. Ưu tiên của tôi là lưu diễn.
 
Sarah Chang: “Nếu ta sinh ra xinh đẹp thì…”
Nữ nghệ sĩ xinh đẹp trả lời phỏng vấn báo chí trong buổi họp báo chiều qua 10/4 tại Hà Nội

 

Năm 2011, chị được trao tặng danh hiệu “đại sứ nghệ thuật” của Mỹ. Đây có phải danh hiệu mới nhất chị nhận được và chị cảm thấy thế nào?

 

Tôi nghĩ rằng danh hiệu tôi sắp được nhận mới là mới nhất. Cuối tháng này tôi sẽ bay về Boston để nhận của trường Harvard. Nó không liên quan đến sự nghiệp âm nhạc của mình, mà trách nhiệm mới này nó cho phép tôi có thể truyền những tình yêu âm nhạc cổ điển tới sinh viên, học sinh ở những nơi tôi sẽ đến.

 

Chị có thể nói gì về dàn nhạc dây VN sắp biểu diễn cùng chị trong đêm diễn tối mai, 12/4 tại Nhà hát lớn Hà Nội trong đêm hòa nhạc Hennessy 16?

 

Tôi thấy họ làm việc rất nghiêm túc, kiên nhẫn, ngay cả khi đã hết giờ tập họ vẫn cố nán lại để chỉnh sửa một số chỗ chưa hoàn hảo. Đặc biệt, có một thành viên dàn nhạc đã đưa cô con gái 13 tuổi đến chơi. Tôi đã chơi cùng cô bé đó một đoạn ngắn và nhận ra cô bé là một tài năng thực sự.

 

Chị có nhận xét gì về nền âm nhạc cổ điển Việt Nam trong tương lai?

 

Tôi chưa gặp nhiều nhạc công VN, các SVVN, nhất là ở nơi tôi sống để mà nhận xét. Nhưng tôi biết hiện tại có một làn sóng các nghệ sĩ Châu Á biểu diễn nhạc cổ điển rất được ưa chuộng. Dường như các tài năng châu Á đang nở rộ. Và với các tài năng tôi từng được chứng kiến, như cô bé 13 tuổi với tài năng mà tôi vừa kể, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng một tương lai tươi sáng cho âm nhạc cổ điển trẻ VN. Vấn đề là chúng ta làm gì với tài năng này? Theo tôi hiểu không chỉ cần sự nỗ lực của cha mẹ các tài năng trẻ này, mà cần một đội ngũ đông đảo thầy cô giáo, nhà quản lý, người đại diện  của ngành công nghiệp âm nhạc để tạo thành nhóm phụ trợ để tài năng này phát triển toàn diện nhất, để họ chỉ cần tập trung vào phần âm nhạc của mình thôi. Như thế mới phát triển được cho các nghệ sĩ Solo.
 
Sarah Chang: “Nếu ta sinh ra xinh đẹp thì…”
"Tài năng không phải thứ được marketing mà phải là thứ ai cũng công nhận"

 

Dường như mọi người đã quá quen thuộc với mái tóc suôn đen dài của chị trên sân khấu, có phải đó là cách chị giữ nét Á đông của mình?

 

Cảm ơn bạn, ngày nào mẹ tôi cũng yêu cầu tôi cắt tóc ngắn đi. (Cười).

 

Tôi luôn muốn gìn giữ nét Á đông. Tôi sinh ra ở Mỹ, xung quanh tôi các bạn luôn khác tôi, tôi là học sinh châu Á duy nhất. Khi tôi lớn lên, tôi luôn muốn giống các bạn như nhuộm tóc đỏ, vàng,  thậm chí tôi còn cầu xin bố mẹ tôi đi làm mắt 2 mí nhưng không được đồng ý. Giờ trưởng thành, tôi cảm thấy biết ơn sự khác biệt đó. Tôi không phải là người giống như người khác, mà là người gốc châu Á, tôi luôn trân trọng và gìn giữ gốc gác của mình.

 

Theo chị, vẻ ngoài có quan trọng với một nghệ sĩ vĩ cầm như chị?

 

Với vẻ đẹp như bạn nói chỉ là bề nổi. Với người nghệ sĩ cổ điển thì hoặc là biểu diễn hay hoặc không, rất trần trụi trắng đen chứ không thể dùng điều gì khỏa lấp được. Nếu ta sinh ra xinh đẹp thì rất cảm ơn bố mẹ, nhưng sẽ chỉ dừng lại ở đấy, tài năng mới là cuối cùng. Ta không thể hát nhép, không thể có ánh sáng, khói hỗ trợ, chỉ có âm nhạc. Nếu ai thành công hay không thì đã rõ ràng, vì thế cái đẹp bên ngoài không phản ánh được gì nhiều với nghệ sĩ.

 

Cảm ơn chị, chúc đêm diễn tối mai 12/4 thành công!

 

Hoàng Vân

(thực hiện)