Phút trải lòng của "người đàn bà giấu lửa"

"Giọng hát như phải thế, chứ không thể nào khác. Như người đàn bà nồng nàn, đắm say, phảng phất chút gì đó hoang dã, liêu trai. Chân thành đến vụng về, đôi khi chân thành đến dại khờ. Chẳng hiểu sao giữa đời sống hôm nay với quá nhiều toan tính, khôn ngoan, tôi vẫn cứ mong đừng bao giờ cô hết dại khờ".

"Sau tất cả những điên dại, đam mê của một thời con gái, người đàn bà trở về từ trong lặng lẽ, sâu thẳm của riêng mình. Nhưng đó chỉ là sự bình yên của mặt biển sau bao lần giông bão, ẩn chứa bao tan nát của những cánh buồm". (Nhạc sĩ Phú Quang nhận xét về ca sĩ Ngọc Anh).

Thật lạ có một số ít những người đàn bà mà vẻ đẹp của họ khiến vòng quay, vốn vô cùng khắc nghiệt của thời gian, bỗng trở nên bất lực. Mỗi năm thêm tuổi, nghĩa là tạo hóa lại ban thêm cho họ một chút đằm thắm, quyến rũ, chút ánh lửa nồng nàn mà các cô thiếu nữ đẹp rực rỡ tuổi trăng tròn chẳng bao giờ có nổi. Ca sĩ Ngọc Anh cũng may mắn nằm trong cái số vô cùng ít ỏi ấy.

Ở cái tuổi ngoại 30, chị nói như đồng nghiệp Hà-Trần, "ngày càng đẹp một cách viên mãn". Chúng tôi đã gặp chị ở thời điểm sau khi Điều giản dị - liveshow đầu tiên của người đàn bà giấu lửa (theo cách gọi của nhiều khán giả hâm mộ) gặt hái những thành công ngoài mong đợi, và ngay trước chuyến bay sô đầu năm sang Mỹ, có thể kéo dài tới hơn một tháng trời.

Trong căn nhà đang sửa sang bừa bộn của mẹ chồng - nghệ sĩ nhân dân Tường Vi, không giấu nổi ánh nhìn yêu thương dành cho ông xã - nhạc công Trần Hùng - mỗi khi anh chạy qua chạy lại chỉ đạo nhóm thợ xây, bằng chất giọng khàn khàn đặc trưng, Ngọc Anh trải lòng với chúng tôi về những khó khăn trên chặng đường định hình một giọng hát solo, về mối duyên như tiền định gắn kết và "đóng đinh" tên tuổi chị cùng những tình khúc Phú Quang.

Ông trời sắp đặt tôi đến với nhạc Phú Quang

Nhiều khán giả nghĩ tôi chỉ đến với nhạc Phú Quang sau khi đã tách nhóm 3A. Thực ra, cơ duyên tiền định ấy đến với tôi từ rất sớm. Cuối năm 1994, tôi được  thể hiện ca khúc đầu tiên của chú - Thương lắm tóc dài ơi. Chẳng hiểu vì sao khi cất lên những ca từ đầu tiên, tôi lại cứ liên tưởng tóc dài với hình ảnh người phụ nữ tảo tần, chịu thương chịu khó trong câu thơ Tú Xương: "Quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng" rồi cảm thấy vô cùng xúc động. Rồi đầu năm 95 tôi được nhạc sĩ mời vào Sài Gòn, ăn ở tại nhà ông hơn một tuần và thu âm một lèo mấy chục ca khúc. Tôi quyết trụ lại với dòng nhạc trữ tình của ông từ ngày đó.

Thấy mình đẹp hơn khi thể hiện những tình khúc Phú Quang

Buổi đầu tiên đến với tác phẩm của ông, tôi chỉ thấy thích thú vì mình may mắn được thể hiện những ca khúc có giá trị, vốn đã làm nên một Phú Quang trong lòng đông đảo công chúng. Nhưng để cảm được, để có thể chiêm nghiệm và đi đến tận cùng chiều sâu cảm xúc của những nhạc phẩm Phú Quang, như tôi từng tâm sự trên một tờ tạp chí: "Hát nhạc Phú Quang tôi thấy thương đàn bà và yêu đàn ông hơn. Tôi tìm được nhiều cái đẹp, và thấy mình đẹp hơn khi hát nhạc Phú Quang. Ông đích thực là người yêu thơ, và âm nhạc của ông cũng giúp làm đẹp cho thơ" thì phải là tôi - của tuổi 30, tôi đi qua biết bao thăng trầm của nghiệp diễn.

Hãy yêu nhau đi, khi vẫn còn chưa muộn!

Khi còn là thành viên của 3A, tôi hầu như không bỏ sót một chương trình thường niên nào của chú, kể cả biểu diễn cùng tam ca hay hát solo. Và thu âm các ca khúc mới của nhạc sĩ hàng năm cũng là một vinh dự của tôi. Không có nó nghĩa là tôi đói, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này. Trời đã sắp đặt tôi đến với nhạc phẩm của ông. Và cái cảm giác xuyên suốt trong các sáng tác của ông.

Hãy yêu nhau đi, kẻo khi đã mất mát rồi mới tiếc nuối vì không còn có thể lấy lại được nữa cứ đeo đuổi theo tôi mỗi lần đứng trên sân khấu. Tuy may mắn không phải tự mình trải nghiệm những nỗi buồn đau, mất mát những gì tôi cảm nhận được từ những số phận từ những con người xung quanh đã giúp cô gái trẻ có đời sống tinh thần và cuộc sống tình cảm xuôi chèo mát mái như tôi tìm được một sợi dây gắn kết đồng điệu với tâm hồn đa cảm của người nhạc sĩ tài hoa.

Nhớ khi hát Khúc mùa thu, Ngọn nến, Romance 01... nỗi nhớ thương hai cô giáo đã nâng bước tôi trên suốt quãng đường dài theo học Nhạc viện Hà Nội, trong đó có cố nhạc sĩ nhân dân Lê Dung với sự ra đi quá sớm luôn khiến tôi thấy lòng trĩu nặng. Và dưới khán phòng, tôi đã thấy nước mắt lăn dài trên gò má của khá nhiều khán giả. Có lẽ đó cũng chính là lý do quan trọng nhất giúp tôi có được chút thành công và trở thành ca sĩ ruột luôn song hành cùng  nhạc sĩ trên chặng đường dài sáng tác.

Giữ mãi nét dại khờ

Cuối năm 2006 vừa rồi, cùng nhạc sĩ Phú Quang và một vài đồng nghiệp, tôi có dịp lần đầu đặt chân lên đất Mỹ. Với lời mời của VNHelp, lần đầu tiên, tôi có dịp hát cho những kiều bào luôn trĩu nặng nỗi niềm vọng nhớ cố hương. Từ một gương mặt lạ, tôi đã được họ yêu mến, nhờ những khúc nhạc đi vào lòng người mà họ chỉ biết đến qua những album từ quê nhà gửi sang như Ngọc Anh - Gửi một tình yêu, Ngọc Anh - Mùa thu giấu em, Ngọc Anh - 69 phút 59 giây. Trên tạp chí Viễn Đông, một nhà báo đã ưu ái dành tặng tôi lời ngợi khen "Thật là một tiếng hát đa dạng và cô đã diễn tả những tình khúc Phú Quang thật da diết, mượt mà với giọng hát có sức nặng và khàn khàn đặc biệt". Từ đó tôi còn có cơ hội trở lại mảnh đất xa xôi ấy một vài lần.

Điều giản dị - liveshow đầu tiên của tôi đã thành công mỹ mãn. Khán phòng 600 ghế của Nhà hát Lớn không còn chỗ trống. Đã có  khán giả phải bỏ 3 triệu cho một cặp vé (giá gốc 300-400-600 nghìn/vé), và lượng người có nhu cầu đặt vé đủ cho 2 đêm diễn nữa khiến hai chú cháu tiếc hùi hụi. Nói vui vậy thôi chứ tôi biết để ca sĩ lẫn người xem thấy thòm thèm chút chút như thế mới là thành công.

Cho tới thời điểm này, tôi biết mình vẫn "dại khờ", vẫn xa lạ với những chiêu thức PR. Vẫn không biết tranh thủ và thu hút một lượng fan đông đảo càng không phải là cái tên để bán vé, không đứng được vào đội ngũ ca sĩ thị trường. Nhưng tôi biết tự bằng lòng với con đường mình đã chọn. Mong muốn lớn nhất của tôi là được làm những gì mình muốn, hát những gì mình thích và được khán giả chấp nhận, tất cả những ý thích ấy. Tôi đang đi, bằng những bước chậm nhưng chắc, trên con đường tới đích. Và như điều mong đợi của nhạc sĩ Phú Quang, Ngọc Anh sẽ chẳng bao giờ đánh mất "nét dại khờ" đặc trưng ấy...

Theo Mỹ Trân
Phong Cách Việt