Phim Việt: Lãng mạn thế nào thì đủ?

Bộ phim truyền hình nhiều tập “Hoa dã quỳ” do hãng M&T Pictures sản xuất, đang phát sóng trên kênh HTV9 nhận được nhiều phản hồi từ khán giả. Khen có, chê cũng có nhưng nguyên nhân chủ yếu chính từ chất lãng mạn mang hơi hướm Hàn Quốc toát ra từ bộ phim.

Vì cuộc sống cần có sự lãng mạn

 

Người khơi mào trào lưu phim lãng mạn có lẽ là đạo diễn Lưu Trọng Ninh với bộ phim truyền hình nhiều tập Dốc tình. Ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ đầu năm 2005, thật sự bộ phim đã tạo nên “cơn sốt” nho nhỏ trong giới khán giả trẻ, tính đến thời điểm bấy giờ, thường chỉ được “nhà đài” cung cấp món ăn tinh thần là những bộ phim truyền hình thuộc thể loại tâm lý xã hội.

 

Không bàn đến sự hay dở của bộ phim, chỉ biết rằng, nội dung, tình tiết, khung cảnh thật lãng mạn nơi phố núi Đà Lạt không chỉ làm rung động trái tim các cô gái trẻ mà còn giúp cho tên tuổi một số diễn viên trong phim tỏa sáng.

 

Đó là trường hợp của diễn viên Kim Hiền (vai Thùy), Nguyễn Văn Tùng (vai Danh), Bảo Hòa (vai Thu), Nguyệt Ánh (vai Vân), Huy Khánh (vai Thái). Phim được không ít khán giả yêu thích vì đã thổi một luồng gió mới vào làng phim Việt, khi đó đang rất cần một sự chuyển mình. Và hình như chỉ sau Dốc tình, những nhà làm phim mới biết rằng giới trẻ Việt Nam bây giờ vẫn cần lắm sự lãng mạn.

 

Phim Việt: Lãng mạn thế nào thì đủ? - 1
 Bảo Hòa và Huy Khánh trong phim “Dốc tình”

 

Nối tiếp thành công của Dốc tình, 39 độ yêu (Hãng phim Việt sản xuất) ra đời với sự góp mặt của những người đẹp chân dài, những gương mặt thường làm sáng sân khấu mỗi lần xuất hiện như Hồ Ngọc Hà, Bình Minh, Huy Khánh.... Dù không thành công như mong muốn nhưng bộ phim cũng kịp để lại một chút dư vị lãng mạn trong lòng công chúng.

 

... Bẵng đi một thời gian, năm 2006, màn ảnh nhỏ TPHCM lại sôi động bởi sự xuất hiện của hai bộ phim: Hương phù sa (TFS) và Tuyết nhiệt đới (M&T Pictures).

 

Nếu chất lãng mạn trong Hương phù sa nằm ở ngay trong chính những góc máy đặc tả cảnh quan sông nước miền Tây, trong câu chuyện tình đẹp và lắm éo le của tiểu thư miệt vườn Út Nhỏ với anh chàng lãng tử tên Việt thì Tuyết nhiệt đới lại khiến người ta rung động trước chuyện tình đẹp như cổ tích giữa nàng lọ lem xóm lao động nghèo và chàng hoàng tử hiện đại trong bàng bạc tuyết trắng.

 

Cái giá của sự xa rời thực tế

 

Nhận được nhiều lời khen nhưng cũng không ít lời chê là tình cảnh thường gặp mỗi khi một bộ phim thuộc thể loại tình cảm - lãng mạn của Việt Nam bắt đầu ra mắt. Nguyên nhân những lời phê bình gay gắt cũng đều xuất phát từ chất lãng mạn hơi thái quá của các bộ phim.

 

Phim Việt: Lãng mạn thế nào thì đủ? - 2
 Kim Hiền và Tăng Thanh Hà trong phim "Hương phù sa"

 

Ngay cả Dốc tình, dù được xem là bộ phim tiên phong trong trào lưu lãng mạn, cũng không tránh khỏi một số lời phê bình cực đoan trên báo chí lẫn trên các trang web điện ảnh.

 

“Hình như họ chỉ biết yêu, biết nghĩ ra những trò lãng mạn cho nhau, chẳng còn biết gì đến thế giới xung quanh. Nhưng cuộc sống đâu phải chí có thế!...”. Đó là nhận xét chung của khá nhiều khán giả trẻ khi được đề nghị cho ý kiến về các bộ phim lãng mạn. Thế nên, lãng mạn rất cần thiết cho cuộc sống vốn đầy những bộn bề lo toan. Nhưng lãng mạn thái quá sẽ dẫn đến tình trạng mơ mộng hão huyền, trở nên xa rời thực tế, khó hòa nhịp với cuộc đời.

 

Theo Phương Trang

Người Lao Động